Hẹn ước mùa xuân:

Bài 1: Chuyến xe nghĩa tình mùa thứ 5

Thứ Hai, 01/02/2021 10:16

|

(CATP) Giữa phố hoa lệ, cuộc sống của những phận đời bên xấp vé số, gánh hàng rong… vẫn bấp bênh như chính con đường mà họ phải rảo bước mỗi ngày. Một năm quá nhiều khó khăn sắp qua đi nhưng nỗi lo vẫn còn “níu” lại! Vì đại dịch Covid-19, tưởng chừng “Chuyến xe nghĩa tình”, một chương trình xã hội từ thiện thường niên do Báo Công an TPHCM phối hợp với nhà tài trợ tổ chức, sẽ không thể thực hiện được vào đợt giáp Tết năm nay! Nhưng bằng tất cả sự cố gắng, chúng tôi cùng nhà tài trợ là Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit), đã tiếp tục chung tay khởi động những chuyến xe nhân văn. Mùa xuân, nhờ vậy mà không lỡ hẹn với nhiều bà con xa xứ…

Quê xa nhưng tình nghĩa gần

Trong căn gác trọ, ông Huỳnh Hỏn (72 tuổi, quê Quảng Ngãi) thoáng chút ưu tư. Độ này, khi tiết chuyển mùa, ông Hỏn lại nao lòng nhớ… Tết quê! Hơi xuân ở chốn thị thành với cụ thật khó tả hết bằng lời. Mấy ai tin đã hơn 10 năm, ông cụ không về quê ăn Tết?

Bà con ở xóm vé số ở quận 2 vui mừng khi nhận được chiếc vé xe

Vì biến cố gia đình, ông Huỳnh Hỏn chấp nhận vào Sài Gòn mưu sinh ở cái tuổi đáng ra phải được nghỉ ngơi. Từ bán vé số, phụ rửa bát và cả lượm ve chai…, ông cụ chưa bao giờ kén việc. Tất tả ngược xuôi nhưng tiền kiếm được chẳng bỏ bèn bao nhiêu với mức sống nơi phố thị.

Trừ đi hết mọi chi phí, mỗi tháng ông Hỏn chỉ dư ra được vài triệu đồng và đó là “cứu cánh” duy nhất cho con đường đến lớp của đứa cháu nhỏ không bị dở dang.

Ông Hỏn chia sẻ về những mùa Tết xa quê

Những lưu ý gửi đến bà con tham gia “Chuyến xe nghĩa tình

"Chuyến xe nghĩa tình 2021" lần 5 sẽ khởi hành lúc 16 giờ 30 ngày ngày 3-2-2021 (tức 22 tháng Chạp Âm lịch). Địa điểm: cổng chính Thảo Cầm Viên Sài Gòn (số 02 Nguyễn Bỉnh Khiêm, P.Bến Nghé, Q1). Những bà con nào trước đó nhận được vé ghi cụ thể ngày giờ, địa điểm xe xuất phát, đề nghị đến đúng thời gian, địa điểm nêu trên.

Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của bệnh dịch Covid-19 mới đây, Ban tổ chức chương trình lưu ý bà con phải mang theo khẩu trang trong quá trình di chuyển. Ban tổ chức “Chuyến xe nghĩa tình” sẽ bố trí lực lượng tình nguyện viên đo thân nhiệt và cung cấp nước sát khuẩn cho từng bà con trước khi lên xe. Báo Công an TPHCM rất mong quý bà con cộng đồng ý thức, chấp hành nghiêm các yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế và của chính quyền TPHCM để đường về được bình an hơn!

Một buổi chiều muộn, trên đường 3-2 (Q10), chúng tôi bắt gặp ông Hỏn đang cặm cụi đếm lại cọc vé số dày cộm. Giữa ngã tư đông đúc, những dòng xe hối hả lướt qua một phận đời bấp bênh. Ông buồn rầu miệng lẩm bẩm: “Bán buôn kiểu này, Tết còn quá xa…”.

Nỗi lòng của ông Hỏn đại diện cho hầu hết những người miền Trung xa xứ vào TPHCM mưu sinh. Họ cùng chung một tâm lý “sợ”… Tết như nhau! Tối nào mẹ con chị Nhiều (quê Bình Định) cũng nắm tay ra đường kiếm “cơm”.

Từ ngày chồng qua đời, 2 mẹ con phải ly hương vào Nam bấu víu nhau để sống. Sáng thì nhặt nhạnh ve chai, đến chiều chị lại quải gánh bán mía ghim, cóc ổi. Một ngày làm việc của chị Nhiều luôn bắt đầu sớm hơn người khác và khép lại khi nhà ai cũng đã chăn ấm nệm êm.

Vẻ ngoài chị Nhiều tỏ ra nghị lực bao nhiêu thì ẩn sâu bên trong lại chất chứa bấy nhiêu phiền muộn. Chị kể: “Ngày chồng mất tôi hụt hẫng, không biết nương tựa vào đâu. Hai mẹ con chỉ biết dắt nhau vào Sài Gòn kiếm sống. Ban ngày cháu nó đi học, đêm xuống lại phụ mẹ bán hàng rong. Biết là thiệt thòi cho con nhưng vậy vẫn tốt hơn thất học. Cảnh xa quê mà, ai cũng khổ như ai”.

Hẹn tết, đón bình an

Vé xe về Tết, với những người xa xứ, không đơn thuần chỉ “tấm giấy thông hành” cho một chặng hành trình hồi hương, mà đó còn là câu chuyện “cơm – áo – gạo tiền” đầy cân nhắc.

“Đêm nào đi làm về tui cũng tranh thủ mở tivi lên xem bản tin thời sự để theo dõi tình hình xe cộ về Tết. Mới hôm qua, thấy đài báo vé xe về Quảng Nam bị “thổi giá” lên đến cả triệu bạc, ai cũng thẫn thờ” – bà Hành (70 tuổi, hành nghề bán hàng rong tại Q1), tâm sự trong âu lo.

Nhắc về những cư dân vỉa hè thì đông nhất vẫn là “đội quân” bán vé số quê Phú Yên. Chúng tôi tìm đến xóm ngụ cư nằm trên đường Nguyễn Đình Chiểu (Q3) lúc nắng đã tắt hẳn trên các ngã đường.

Tối nay, nghe tin nhà có khách tới thăm nên mọi người đi làm trễ hơn thường lệ. Đã 5 cái Tết, hầu như những cư dân ở xóm vé số này đều được “Chuyến xe nghĩa tình” chở về quê miễn phí.

Năm nay cơn đại dịch hoành hành, nỗi trông ngóng về những vé xe “0 đồng” của bà con càng tăng thêm gấp bội. “Dịch kiểu này thiệt sự là không ai dám nghĩ là nhà tài trợ còn đủ sức để giúp bà con” – anh Bi (bị mù 2 mắt, hành nghề bán vé số) vừa nắm tay chúng tôi vừa đợi câu trả lời.

“Vẫn làm chứ! Càng khó thì mới càng thấy hết chữ tình! Doanh nghiệp tụi con luôn trân trọng sức lao động chân chính của các cô chú, những người âm thầm cống hiến cho thành phố, làm nên bản sắc văn hoá riêng biệt của thành phố. Thành phố này nghĩa tình lắm nên không bao giờ bỏ quên nghĩa cử với bà con mình khi Tết đến xuân về” – anh Lý Tuấn Anh – Giám đốc Trung tâm An ninh FE Credit, báo tin vui.

Không lỡ hẹn với Tết nhờ sự góp sức của những con người thơm thảo

Vậy là năm nay nỗi lo vé Tết của bà con nghèo tiếp tục được những tấm lòng thơm thảo gánh vác, chung tay. 17 chuyến xe nghĩa tình cho gần ngàn bà con xa quê các tỉnh miền Trung (tính từ Khánh Hòa trở ra Quảng Nam), sẽ được nhà tài trợ FE Credit chung tay cùng Báo Công an TPHCM thực hiện. Các chuyến xe sẽ được rải đều trong cuối tháng Chạp, giúp đường về miền Trung gần hơn với bà con ly hương nơi đất khách.

Bà Hành (áo tím) vui vẻ đón nhận món quà bất ngờ của Báo CATP và nhà tài trợ

Niềm vui như vỡ oà! Nghe tới đó, chị Nguyễn Thị Dư (bị cụt 2 chân, hành nghề bán vé số) nở nụ cười giòn tan nhưng một hồi sau, lại lẻn quay mặt, quẹt nước mắt. Chị khóc vì hạnh phúc. Độc giả của Báo Công an TPHCM theo dõi hành trình “Chuyến xe nghĩa tình” 5 năm qua, chắc hẳn không lạ gì người phụ nữ có nghị lực sống phi thường này. Vào TPHCM bán vé số để “viết” tương lai cho con gái nơi giảng đường, chị Dư “bắt duyên” với “Chuyến xe nghĩa tình” như một sự sắp đặt ngọt ngào của số phận.

Nhớ lại ngày đầu tiên được về quê đón Tết cùng “Chuyến xe nghĩa tình”, chị Dư không khỏi xúc động: “Đợt giáp Tết năm 2017, tôi nghĩ chắc phải ở lại Sài Gòn vì tiền không đủ về quê. Tối nằm nhớ nhà, nhớ quê, tủi thân mà khóc thầm.

Không ngờ chỉ sau đó ít ngày, nghe mấy bà làm chung nói có chuyến xe từ thiện do Báo Công an TPHCM tổ chức, tôi mừng quá chừng, vội đăng ký ngay nhưng cũng không nghĩ là tới lượt mình. Ấy mà giờ gắng bó với chuyến xe này tới 5 năm trời rồi”. Với người phụ nữ chịu nhiều thiệt thòi này thì ý nghĩa của những chuyến xe nhân văn ấy vẫn vẹn nguyên như ngày đó bắt đầu, chứ chẳng vơi đi (!).

5 năm, vẹn một chữ tình!

Hành trình của “chuyến xe nghĩa tình” tới nay giúp chúng tôi biết được hàng trăm hoàn cảnh bất hạnh nhưng giàu ý chí vượt qua nghiệt ngã của cuộc đời. Nhờ đó, thông điệp vì cộng đồng của chương trình này mới đủ sức len sâu vào từng hang cùng, ngõ hẻm, đến với rất nhiều người dân cần đến nó.

Như chị Dư, ngoài công việc chính hàng ngày là bán vé số thì cứ mỗi dịp giáp Tết, chị còn tình nguyện chung sức cùng chúng tôi, làm cầu nối giúp cho những người cùng cảnh như chị đăng ký đi xe miễn phí. Cái biệt danh “Bà Dư nghĩa tình” thân thương cũng từ đó mà ra! “Nếu ngày thường chỉ đẩy xe lăn đi bán vé số thì gần Tết, tôi còn kiêm luôn việc phát loa cho mọi người đăng ký đi xe nghĩa tình. Mệt mà tối về tự nhiên ngủ ngon quá trời không biết” – chị Dư lại cười giòn.

Niềm vui của đông đảo bà con quê miền Trung khi chính tay nhận được vé xe nghĩa tình

Điều mong mỏi của bà con cuối cùng cũng được cụ thể hoá. Những tấm vé xe miễn phí đã được ban tổ chức chương trình "Chuyến xe nghĩa tình 2021" trao tận tay cho bà con trong nhiều ngày. Ngoài ra, quy mô của chương trình năm nay còn có thêm nhiều hoạt động xã hội từ thiện thết thực khác như: khám, cấp phát thuốc miễn phí; xây dựng các công trình chống hạn và phát quà Tết cho bà con có hoàn cảnh khó khăn... ở các địa bàn vùng núi, vùng xung yếu ở miền Trung chịu ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ trong năm nay, với tổng kinh phí chương trình lên đến 850 triệu đồng (bao gồm thuế VAT).

Chuyến xe nghĩa tình như trở thành một lời hẹn ước mỗi khi xuân về!

Ngày nhận tấm vé nghĩa tình trên tay, ai nấy cũng nở nụ cười mãn nguyện trên môi. Với ông Hỏn, bà Hành, chị Nhiều hay chị Dư lúc này, Sài Gòn vẫn vẹn nguyên nghĩa tình với những con người tha hương như họ. Trong căn nhà chung, những cư dân vé số lại rôm ran câu chuyện về Tết quê. Nơi ấy họ đang có hẹn với một mùa xuân hạnh phúc, một mái ấm đoàn viên.

Chương trình "Chuyến xe nghĩa tình" lần 5 -2021

Nhưng niềm vui đột nhiên khựng lại vì có người nghe đài báo tin về một đợt dịch mới (!). “Dịch bùng phát lại nữa rồi? Liệu “Chuyến xe nghĩa tình” có lăn bánh được không?” – chị Dư khẩn khoản trong cuộc điện thoại với phóng viên.

“Bà con yên tâm, lịch trình vẫn như cũ! Nhưng mọi người phải đảm bảo các yêu cầu phòng, chống dịch của thành phố, để cùng thành phố tiếp tục ứng phó tốt đợt dịch lần này” – căn dặn của chúng tôi nhận được sự đồng thuận cao độ của bà con, vì đa số đều ý thức được sự nguy hiểm của con “vi rút” tai hại này. Tết rồi, phải về nhà thôi! Nhưng hãy mang theo khẩu trang để hành trình đón Tết được bình an!

Còn vài ngày nữa là đến Tết Nguyên đán 2021. Một năm đi qua với bao bộn bề khó khăn của tình hình dịch bệnh và thiên tai. Khó khăn nối tiếp khó khăn. Nhưng có một điều đã trở thành nếp sống nhân nghĩa của nhân dân ta từ bao đời qua là từ trong muôn vàn khó khăn ấy, sự đoàn kết, sẻ chia, nhường cơm sẻ áo đã hình thành và lan tỏa. Nhờ vậy mà đồng bào đã cùng nhau vượt qua khó khăn của bệnh dịch và thiên tai.

Tiếp nối truyền thống nhân nghĩa của đồng bào cả nước, đặc biệt là của người dân thành phố nghĩa tình – TP.Hồ Chí Minh, Báo CATP trong suốt gần 45 năm qua ngoài hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, đã ra sức tuyên truyền, vận động, phối hợp cùng công an, chính quyền các địa phương triển khai các chương trình từ thiện xã hội, giúp đỡ đồng bào nghèo, đồng bào vùng sâu vùng xa, đồng bào trong vùng thiên tai địch họa, các chiến sĩ biên cương và đảo xa…

Trong suốt mấy chục năm qua, dọc trên mảnh đất hình chữ S, có thể nói không đâu là không có bước chân của cán bộ chiến sĩ và nhân viên Báo CATP đến với người dân nghèo. Không thể nhớ hết chúng tôi đã có bao nhiêu chuyến đi, xây được bao nhiêu ngôi nhà, chiếc cầu, giúp bao nhiêu mảnh đời. Chỉ biết một điều duy nhất là nơi nào còn những người dân khốn khó, những chiến sĩ, bộ đội ở biên cương đảo xa cần san sẻ là chúng tôi sẽ tiếp tục đến với đồng bào, chiến sĩ. Ở Báo CATP, đó là tình nghĩa thiêng liêng chảy qua bao thế hệ, nối tiếp nhau chưa bao giờ ngơi nghỉ, chưa bao giờ vơi cạn.

Năm nay, giữa muôn vàn khó khăn của dịch bệnh và thiên tai, và ngay cả khi mà tờ báo vẫn đang đối mặt với rất nhiều thử thách, chúng tôi từ lãnh Ban Biên tập cho đến CBCS-CNV vẫn nhắc nhau một năm mới lại về, để không quên những phận người còn khốn khó, bất hạnh. Và để hiểu rằng, dù khó khăn, chúng ta vẫn sẵn lòng san sẻ với đồng bào.

Xin gửi lời tri ân đến tất cả những đơn vị, các nhà hảo tâm đã đồng hành cùng Báo CATP trên cuộc hành trình thiện nguyện này…

(Còn tiếp... )

Bình luận (0)

Lên đầu trang