Chuyến xe nghĩa tình lần 4: Kết thúc hành trình "chở Tết" cho người xa xứ

Thứ Hai, 20/01/2020 20:57

|

(CAO) Như vậy, 15 chuyến xe khách chở gần 1.000 người nghèo xa xứ đã cập bến an toàn vào sáng 17-1 (ngày 23 tháng Chạp) tại các tỉnh Khánh Hoà, Phú Yên, Quảng Nam... Hành khách đa phần là những nông dân nghèo đến từ các tỉnh miền Trung xa xôi vào Sài Gòn lập nghiệp và trở về với quê hương trên những chuyến xe nghĩa tình.

Chương trình “Chuyến xe nghĩa tình 2020 – Lần 4” do Báo Công an TP.HCM khởi xướng với sự đồng hành của Công ty tài chính FE Credit đã kết thúc sứ mệnh chở Tết cho người xa xứ với nhiều câu chuyện ấm lòng.

HÀNH TRÌNH ĐONG ĐẦY THƯƠNG YÊU

Chương trình “Chuyến xe nghĩa tình” là hoạt động xã hội - từ thiện thường niên do Báo Công an TPHCM tổ chức 4 năm nay. Những trường hợp được hỗ trợ vé xe nghĩa tình đều là người khuyết tật, người già, có hoàn cảnh khó khăn, mưu sinh bằng nghề bán vé số dạo hoặc sinh viên nghèo học tập tại TPHCM, mấy năm qua chưa về quê đón Tết Nguyên đán cùng gia đình.

Chương trình "Chuyến xe nghĩa tình" lần 4 do Báo Công an TP.HCM phối hợp cùng Công ty tài chính Fe Credit

Do cuộc sống khó khăn nơi quê nhà ở miền Trung, bà con phải rời gia đình, tìm về phố thị để mưu sinh bằng nhiều nghề tay chân. Cuộc sống thuê trọ, thu nhập không ổn định, tiền tích cóp được thì gửi về quê phụ giúp gia đình.

Vì vậy, nhiều người không đủ khả năng chi khoản tiền khá lớn so với thu nhập để mua vé xe về quê ăn Tết. Năm nay, chương trình “Chuyến xe nghĩa tình” lần thứ 4 tiếp tục được Báo CATP phát động, với sự chung tay tài trợ cho 15 chuyến xe của Công ty tài chính FE Credit, đáp ứng lòng mong mỏi của bà con.

Thượng tá Bùi Anh Tấn trao thư cảm ơn và hoa tới ông Nguyễn Thành Phúc (Phó tổng giám đốc Công ty tài chính FE Credit)

Ngoài ra, chương trình còn được sự đồng hành của Thảo cầm viên Sài Gòn, Công ty TNHH Đông Luật, Nhạc viện TPHCM, Công ty cổ phần Ôtô Trường Hải cùng hàng chục tình nguyện viên từ các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn TPHCM. Chương trình không những mang lại ý nghĩa thiết thực mà còn đầy ắp tính nhân văn. 

Ban biên tập Báo CATP trao hoa và thư cảm ơn tới các đơn vị đồng hành 

Chia sẻ tại buổi lễ tiễn bà con lên xe, Thượng tá Bùi Anh Tấn (Phó tổng biên tập Báo Công an TPHCM) phát biểu: “Chương trình “Chuyến xe nghĩa tình” lần thứ 4 nằm trong chuỗi hoạt động từ thiện xã hội của Báo Công an TPHCM, nhằm chăm lo cho bà con có hoàn cảnh khó khăn mỗi độ Tết đến, xuân về.

So với những năm trước, chương trình năm nay đã lớn mạnh hơn, tổng cộng 15 chuyến xe, với gần 1.000 hành khách. Với ý nghĩa nhân văn của chương trình này, tôi hy vọng chương trình sẽ tiếp tục lan tỏa trong những năm tiếp theo để chia sẻ phần nào những khó khăn của bà con miền Trung đang lao động, học tập tại TPHCM”.

Ông Nguyễn Thành Phúc (Phó tổng giám đốc Công ty tài chính FE Credit) xúc động nói: “Chương trình thiện nguyện “Chuyến xe nghĩa tình” do Báo Công an TPHCM khởi xướng hướng tới bà con nghèo cũng là tiêu chí hoạt động của công ty chúng tôi. Tại buổi lễ hôm nay, tôi cảm thấy xúc động khi thấy bà con có mặt ở đây rất hạnh phúc lên đường về quê. Chúc bà con có một chuyến đi an toàn, một cái tết đoàn viên”.

ẤM ÁP NGÀY VỀ QUÊ

Ngày về với quê cha đất tổ, niềm hạnh phúc tràn đầy trên những khuôn mặt vốn quen với cảnh lam lũ quanh năm. Thay mặt bà con đi trên những chuyến xe nghĩa tình, ông Phạm Ngọc Phú (ngụ huyện Đông Hòa, Phú Yên) cảm kích nói: “Hai năm qua, tôi chưa có dịp về quê đón tết cùng gia đình vì không có tiền để mua vé.

Năm nay, tôi có dư được một ít, nhưng cơn bão vừa rồi đã làm tốc mái nhà, phải sửa chữa lại, khiến giấc mơ về quê trở nên xa tầm với. Hay tin được tài trợ vé xe, tôi rất xúc động. Mong quý báo và các nhà tài trợ sẽ tiếp tục chương trình ý nghĩa này để giúp những người nghèo tha hương”.

Niềm vui và nụ cười hạnh phúc của những phận đời khó khăn

Ngay từ trưa, nhiều bà con đã có mặt tại cổng chính Thảo cầm viên Sài Gòn (điểm tập trung) để Ban tổ chức rà soát danh sách và phát vé. Chị Dư (44 tuổi, nhà ở xã Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa, Phú Yên) từ lúc bước lên xe đã không giấu được niềm hạnh phúc trên hành trình về quê đón tết.

Cứ tới đầu tháng Chạp, nguời phụ nữ mang trên mình những khiếm khuyết cơ thể này lại trở thành cầu nối, thông tin về chuyến xe nghĩa tình đến những bà con xa xứ. Và cứ thế, hành trình trên chuyến xe nghĩa tình cứ mỗi độ xuân về trở thành một món quà tuyệt vời đối với những phận đời còn gặp nhiều khó khăn như chị Dư.

Các tình nguyện viên của Thảo Cầm Viên Sài Gòn dùng xe điện đưa bà con tàn tật từ cổng tới sân khấu làm lễ

Bà Bảy Sáo (70 tuổi, nhà ở xã Hòa Vinh, cùng huyện Đông Hòa) không khỏi bồi hồi khi kể về duyên cớ theo đoàn xe này về quê. Vốn là thành viên của xóm vé số trên đường Võ Văn Tần (Q3), cũng như bao người dân Phú Yên khác tha hương vào vùng đất Sài Gòn mưu sinh, cuộc sống của bà Sáo khá cơ cực.

Hằng ngày, để kiếm được đồng tiền lời từ những tờ vé số, bà phải đi bộ hàng chục cây số. Vì cuộc sống khó khăn, năm trước vợ chồng bà đành ở lại thành phố. Năm nay, nghe đồng hương rỉ tai nhau về chuyến xe thiện nguyện, bà Sáo vội đăng ký để về quê.

“Mừng và hạnh phúc lắm! Được về quê trên một chuyến xe rộng rãi, khang trang như thế này thì không gì bằng. Mình vui không chỉ vì được đi xe miễn phí, mà còn được xã hội quan tâm” - Bà Sáo xúc động.

Thượng tá Bùi Anh Tấn - Phó tổng biên tập Báo Công an TPHCM và ông Nguyễn Thành Phúc - Phó tổng giám đốc Công ty Tài chính FE Credit - tặng quà và tiễn người dân lên xe về quê đón Tết

Trên những chuyến xe, chúng tôi còn được nghe những bà con quê “xứ nẫu” kể lại nhiều câu chuyện trong suốt một năm tất tả mưu sinh tại TPHCM. Câu chuyện đầu tiên là hoàn cảnh của bà Lanh (75 tuổi, nhà ở xã Phú Mỹ, huyện Tây Hòa, Phú Yên). Cắm sào, cày ruộng ở quê không ra tiền, thấy con cái vất vả, dù già yếu, nhưng bà Lanh vẫn tha hương vào thành phố bán vé số tự nuôi thân. Mấy ngày đầu, chưa quen đường và chưa quen nghề, bà Lanh liên tục bị lạc hoặc kẻ xấu lừa gạt.

“Về nhà mà hai chân cứ bủn rủn. Đã mệt còn bị người ta dụ lấy mất cọc vé số hơn 3 triệu đồng, tôi ăn cơm mà nước mắt lưng tròng” - Bà ngậm ngùi kể.

Thượng tá Bùi Anh Tấn tiễn bà con ra tận xe về quê

Thương bà, nhiều đồng nghiệp đã gom tiền để bà có vốn mua vé số ngày mai bán tiếp. Cuộc sống khắc nghiệt ngày này qua ngày khác, bà cũng từ từ thích nghi. Đến nay, bà đã có thâm niên hơn 5 năm bán vé số tại đất Sài Gòn.

“Đúng là Sài Gòn khắc nghiệt, nhưng nếu không có mảnh đất này thì chúng tôi không biết dựa vào đâu?” - câu chuyện của bà Lanh bị cắt ngang bởi nhận xét của ông Tấn (50 tuổi, làm bảo vệ tại Q2). Kể từ đó, những câu chuyện nghĩa hiệp, bao dung của người Sài Gòn được hàng loạt các hành khách trên những chuyến xe nghĩa tình kể lại trong niềm biết ơn vô hạn.

Không chỉ đưa đón bà con về quê đón Tết, năm nay Ban tổ chức còn sắp xếp một chương trình văn nghệ đặc sắc xen lẫn những màn giao lưu. Trong quá trình di chuyển trên chuyến xe nghĩa tình, bà con sẽ được Ban tổ chức sắp xếp một bữa ăn tối.

Bên cạnh đó, Báo Công an TPHCM còn tổ chức trao quà từ thiện tại các tỉnh miền Tây (An Giang, Bến Tre, Cà Mau...), Tây nguyên (Đắk Nông, Đắk Lắk), miền Trung (Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Quảng Nam, Quảng Bình...).

Em Nguyễn Thị Thanh Thủy (SN 1995) bị liệt cả 2 chân, ở thôn Suối Bạc, xã Sơn Giang, huyện Song Hinh, tỉnh Phú Yên: “Em biết Chuyến xe nghĩa tình của Báo Công an TPHCM muộn quá nên không thu xếp kịp, năm sau Báo nhớ cho em về quê với nhé!”
Trong năm 2019, dù tình hình hết sức khó khăn, song tập thể Báo Công an TPHCM đã cùng nhau nỗ lực duy trì được hoạt động chăm lo, chia sẻ, đùm bọc những người dân nghèo, những vùng quê nghèo, hải đảo... bằng những món quà, những căn nhà, những chiếc cầu. Trong khó khăn, càng trân trọng hơn những hoạt động nhân văn đã được duy trì, trở thành truyền thống của tờ báo trong suốt hơn 40 năm qua, làm lan tỏa khắp cả nước hình ảnh đẹp của người công an nhân dân hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
“Chuyến xe nghĩa tình” là một phần trong chuỗi hoạt động từ thiện của Báo Công an TPHCM. Từ hoạt động mang tính tự phát của một nhóm phóng viên trẻ muốn giúp cho một số bà con lỡ chuyến về quê (chủ yếu là không có tiền mua vé) trong một chiều cuối năm 2016. Bắt đầu từ đó, những chuyến xe nghĩa tình đã dần thành hình, trở thành sự mong chờ của hàng ngàn người dân miền Trung sau một năm tha phương cầu thực.Với sự quan tâm chỉ đạo của Ban biên tập Báo Công an TPHCM, “Chuyến xe nghĩa tình” đã đi qua mùa thứ 4 với 15 chiếc mỗi năm, đưa hàng ngàn người dân nghèo về quê đoàn tụ bên gia đình để đón giờ phút thiêng liêng của năm mới.
Chúng tôi trân trọng cám ơn các đơn vị đã đồng hành, hỗ trợ để duy trì những chuyến xe chở yêu thương, sum vầy về tận những miền quê của dải đất miền Trung khốn khó. Mong rằng trong những năm tiếp theo sẽ có thêm nhiều chuyến xe như vậy được lăn bánh, chở bớt nỗi nhọc nhằn cho những người dân vì hoàn cảnh phải kiếm sống xa quê

Bình luận (0)

Lên đầu trang