(CAO) Sau hơn 6 năm triển khai thí điểm, hoạt động tại Việt Nam mô hình xe công nghệ không chỉ thúc đẩy phát triển nền kinh tế số mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống cho hàng chục ngàn đối tác tham gia vào nền tảng kết nối công nghệ Grab. Đồng thời mang lại tiện ích đa dịch vụ cho người tiêu dùng.
Tiến sĩ kinh tế Lê Đăng Doanh cho biết: “Nhìn nhận từ thực tiễn chúng ta đều thấy được những tiện ích và tính hiệu quả mang lại của ứng dụng xe công nghệ. Sự tiến bộ của nền kinh tế xã hội cũng được thúc đẩy bởi yếu tố khoa học công nghệ, vì vậy chúng ta phải tiếp tục ứng dụng công nghệ để phù hợp với xu hướng và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Điều đó là một quy luật tất yếu thể hiện ở việc rất nhiều hãng xe taxi truyền thống đã chủ động chuyển đổi mô hình kinh doanh đăng ký, đưa phần mềm công nghệ vào vận hành và quản lý nhằm mang lại tiện ích cho cả đối tác tài xế và người tiêu dùng”.
Kết nối ứng dụng xe công nghệ, thúc đẩy phát triển nền kinh tế số
Những năm qua thị trường vận tải trong nước đã có những bước chuyển mình quan trọng để bắt kịp với sự phát triển của nền công nghệ 4.0. Nhiều Hợp tác xã (HTX) và các hãng xe taxi truyền thống đã có cái nhìn khách quan để hiểu rõ hơn về bản chất dịch vụ để có những thay đổi, chọn hướng đi phù hợp đáp ứng nhu cầu của xã hội.
Ở khía cạnh khác, người tiêu dùng cũng được hưởng lợi khi sử dụng nhiều loại hình dịch vụ đa dạng và chất lượng với giá cước phải trả phù hợp với quãng đường, không còn tình trạng chặt chém, gian lận như trước đây…
Ông Nguyễn Trọng Đức – Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ vận tải hàng hóa và hành khách Nam Việt cho biết: “Từ ngày xe công nghệ Grab có mặt tại thị trường Việt Nam đã thu hút được lượng lớn xe nhàn rỗi tham gia hoạt động vận tải công cộng, tạo công ăn việc làm cho tài xế và tăng mức đóng thuế cho Nhà nước.
Nhờ có kết nối ứng dụng công nghệ nên công tác quản lý mấy nghìn đầu xe của hợp tác xã cũng không gặp nhiều khó khăn và cồng kềnh bộ máy nhân sự như trước đây thực hiện theo mô hình cũ. Quy định mới đã ban hành rất rõ ràng và chúng tôi cũng đang bổ sung và hoàn thiện để quản lý tài xế chặt chẽ và hiệu quả hơn hướng đến việc nâng cao chất lượng phục vụ hành khách”.
Ở góc độ pháp luật, các cơ quan chức năng cũng thay đổi tư duy và quan điểm trong cách quản lý xe công nghệ, từng bước sửa đổi quy định để phù hợp với xu hướng phatr triển của xã hội. Điều đó được minh chứng rõ nhất trong việc Chính phủ ban hành Nghị định 10, thể hiện rõ xu thế phát triển kinh tế trong thời đại công nghệ số, để từ đó quản lý và tạo điều kiện cho các mô hình cũ và mới được hoạt động công bằng, cạnh tranh lành mạnh trên cơ sở nền tảng và thế mạnh của mỗi bên, góp phần thay đổi bộ mặt giao thông đô thị, giúp cái cũ và cái mới song hành và phát triển.
Việc phát triển ứng dụng công nghệ được cho là xu hướng tất yếu
Mới đây, sau một thời gian dài đánh giá và tổng kết thí điểm, Bộ GTVT vừa có Quyết định số 146/QĐ-BGTVT dừng Kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng KHCN hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (theo Quyết định số 24/QĐ-BGTVT ngày 7/1/2016) kể từ ngày 1/4/2020 để thực hiện theo quy định tại Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17/1/2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
Như vậy, từ ngày 1/4/2020 tới đây, xe công nghệ như Grab, Go-Viet, Fastgo… sẽ rộng đường để hoạt động vì đã có hành lang pháp lý rõ ràng, không còn bó gọn trong việc thí điểm tại 5 tỉnh, thành phố theo Đề án 24 nữa.
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng: “Việc phát triển ứng dụng công nghệ là xu hướng tất yếu, Nghị định 10 ra đời và có hiệu lực đây cũng là lộ trình của Chính phủ. Chúng ta cần phải đẩy mạnh và phát triển ứng dụng công nghệ trên nhiều lĩnh vực nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, tiệc ích cho người dân và phát triển nền kinh tế của đất nước. Trong đà phát triển của nền kinh tế mới thì cái cũ phải thay đổi, nếu chúng ta không thay đổi sẽ dậm chân tại chỗ”.
Ở vai trò nền tảng công nghệ kết nối, Grab còn tạo ra hàng triệu cơ hội tăng thu nhập cho người lao động thông qua sứ mệnh “Grab vì cộng đồng” với mức thu nhập bình quân hàng tháng tăng 51% so với mức thu nhập bình quân hàng tháng của chuẩn quốc gia.
Trong vòng 5 năm tới Grab sẽ tiếp tục đầu tư thêm 500 triệu USD vào Việt Nam để phát triển các giải pháp công nghệ tài chính, công nghệ di động mới và logistics nhằm phát triển nền kinh tế số của đất nước và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của hàng triệu người dân Việt Nam.