Đủ chiêu trốn đóng BHXH
Tình trạng nợ bảo hiểm, trốn đóng hoặc doanh nghiệp chây ì đóng BHXH xảy ra ngay cả đối với những tỉnh có công tác bảo hiểm tốt nhất nước hiện nay như Nghệ An.
Ông Lê Viết Thức – Phó giám đốc BHXH tỉnh Nghệ An cho biết, hiện Nghệ An có 150 doanh nghiệp nợ BHXH. Trong đó, đã gửi cơ quan Công an hồ sơ của 16 doanh nghiệp và sau khi gửi danh sách cho Công an thì đã có 2 doanh nghiệp đã thực hiện việc đóng bảo hiểm, còn tới 14 doanh nghiệp vẫn chưa thực hiện việc thanh toán bảo hiểm.
Theo ông Thức, doanh nghiệp nợ bảo hiểm khiến cho đơn vị gặp muôn vàn khó khăn trong công tác “thu hồi”. Đặc biệt, khi BHXH có kế hoạch làm việc thì các doanh nghiệp gây khó bằng cách không được hợp tác phối hợp làm việc, thường xuyên né tránh.
Thậm chí, khi cơ quan bảo hiểm thành lập đoàn thanh tra đến thì một số doanh nghiệp còn chống đối bằng cách không chịu cung cấp hồ sơ, đóng cửa, đóng trụ sở hoặc thay đổi địa điểm khác khiến cơ quan bảo hiểm rất khó tìm doanh nghoeẹp. Ngay cả khi đã hẹn gặp doanh nghiệp, nhưng khi đến nơi thì lại không gặp được.
Vấn đề này xảy ra thường xuyên như cơm bữa khiến cho cán bộ bảo hiểm muốn tiếp cận doanh nghiệp nhiều khi như đi “mò kim”. Ông Thức chia sẻ thêm, việc doanh nghiệp không hợp tác trong công tác bảo hiểm sẽ gây nên sự chậm trễ, mất thời gian, công sức đối với cơ quan bảo hiểm trong quá trình gặp gỡ, làm việc với doanh nghiệp. Doanh nghiệp nợ bảo hiểm thì nhiều, cán bộ thì ít, việc này vô hình trung đã tạo áp lực đối với cán bộ bảo hiểm.
Ông Lê Trường Giang – Giám đốc bảo hiểm xã hội Nghệ An nói rằng việc “đòi nợ” bảo hiểm đối với DN gặp muôn vàn khó khăn bởi DN có nhiều chiêu đối phó.
Còn ông Lê Trường Giang – Giám đốc BHXH Nghệ An nói rằng, có nhiều doanh nghiệp “bỗng dưng mất tích”, không biết tìm ở đâu, không thể liên lạc được với giám đốc. Thậm chí, khi xử phạt hành chính đối với doanh nghiệp, cơ quan bảo hiểm làm việc với các ngân hàng thì ngân hàng báo lại cơ bản tài khoản của một số doanh nghiệp chỉ còn vài triệu đồng. Cá biệt, có doanh nghiệp trong tài khoản chỉ có 1,8 hoặc 2,4 triệu đồng. Ông Giang cho biết thêm, có doanh nghiệp vẫn hoạt động, vẫn có doanh thu, nhưng khi thanh tra thì lập tức chuyển sang tài khoản cá nhân của ông chủ cho nên huyện và tỉnh vào không làm được. Điều này gây rất nhiều khó khăn cho công tác “thu hồi” nợ bảo hiểm.
Tại TP.HCM, vấn đề “thu nợ” bảo hiểm của cơ quan bảo hiểm cũng gặp khó. Vào tháng 3-2018, BHXH Thành phố đã chuyển hồ sơ sang Công an Thành phố đề nghị điều tra, xử lý hình sự doanh nghoeẹp nợ BHXH đầu tiên, đó là Công ty TNHH Nam Phương (huyện Củ Chi, TP.HCM).
Theo kết luận thanh tra, từ tháng 9-2015 đến hết tháng 11-2017, công ty nợ BHXH, BHYT, BHTN hơn 28 tỉ đồng của khoảng 600 lao động. Đến tháng 12-2017, công ty này mới chỉ khắc phục được hơn 2,9 tỷ đồng.
Biết tin bị đề nghị xử lý hình sự, giám đốc công ty, lập tức gửi công văn đề nghị BHXH Thành phố cho phép trả nợ dần từng tháng một cho đến năm 2020 nhưng không được chấp thuận. Sau đó, vì không bị xử lý gì nên công ty vẫn hoạt động và ngưng hẳn việc đóng BHXH, BHYT cho người lao động.
Để đòi quyền lợi, người lao động đã khởi kiện ra tòa và thắng kiện nhưng công ty chây ì không chịu thi hành án. Đến tháng 11-2018, giám đốc công ty này “biến mất”, để lại khoản nợ BHXH gần 29 tỷ đồng. Đến năm 2019, vấn đề này được BHXH TP.HCM thực hiện quyết liệt hơn.
Tháng 4-2019, cơ quan này tiếp tục chuyển hồ sơ 10 doanh nghiệp nợ BHXH (tổng số tiền nợ hơn 54 tỷ đồng) đề nghị công an điều tra, xử lý hình sự. Ngay lập tức, có 6 doanh nghiệp khắc phục một phần nợ với tổng số tiền khoảng 16 tỷ đồng.
Con số khủng về doanh nghiệp nợ bảo hiểm
Mới đây, trong phiên họp thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH và quản lý, sử dụng Quỹ BHXH năm 2018 của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã đưa ra con số khủng về doanh nghiệp nợ, trốn, “mất tích”… trong việc đóng BHXH.
Người đứng đầu Bộ LĐ-TB&XH cho biết, hiện nay, cả nước có 610.000 doanh nghiệp hoạt động nhưng mới đang quản lý thu BHXH được 327.000 doanh nghiệp. Còn tới 283.000 doanh nghiệp chưa tham gia BHXH cho người lao động. Bên cạnh đó, đến thời điểm hiện tại, quỹ BHXH đang có tổng số nợ khó thu lên đến 2.500 tỷ đồng do doanh nghiệp “mất tích”, phá sản, giải thể, chủ bỏ trốn… Vấn đề đặt ra là, luật hiện hành chưa quy định cách nhận diện loại doanh nghiệp này. Vì vậy, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đề nghị cơ quan chức năng bàn thêm giải pháp để xử lý.
Thấu hiểu được những khó khăn trên, các đại biểu Quốc hội đã đánh giá, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có nhiều nỗ lực để ngành đạt được các chỉ tiêu đã đề ra, nhất là trong công tác bảo hiểm.
Tuy nhiên, nhiều số liệu về thực hiện chính sách đối với người có công vẫn chưa được cập nhật, cần ưu tiên tập trung chỉ đạo để huy động nguồn lực, giải quyết vấn đề nhà ở cho người có công; vấn đề giải quyết việc làm và thất nghiệp, chất lượng đào tạo nghề vẫn chưa được giải quyết hiệu quả và cần phải có giải pháp để khắc phục tình trạng này.
Một số đại biểu lo ngại vấn đề nợ BHXH và một số doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm cần phải được quan tâm để có biện pháp thanh tra, kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm. Đồng thời đề nghị Chính phủ xem xét giải quyết nhanh các trường hợp người lao động chưa được giải quyết chế độ khi doanh nghiệp bị phá sản hoặc chủ doanh nghiệp bỏ trốn.
Theo quy định của Bộ Luật Hình sự, doanh nghiệp trốn đóng hoặc đóng không đầy đủ BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động từ 6 tháng với 50 triệu đồng trở lên sẽ bị xử lý hình sự bằng hình thức phạt tiền hoặc phạt tù. Mới đây, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã công bố Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng điều 214, 215, 216 về tội gian lận, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN, cho người lao động của BLHS. Việc ra đời nghị quyết này được giới chuyên môn và người lao động đánh giá cao, bởi ngoài việc góp phần đưa Bộ luật Hình sự vào thực tiễn, nó còn nâng cao tính răn đe và bảo vệ sự nghiêm minh của pháp luật.