Khuyến khích mọi công dân làm từ thiện công khai, minh bạch

Thứ Bảy, 30/10/2021 15:16

|

(CATP) Chính phủ vừa ban hành Nghị định (NĐ) 93/2021 về vận động, tiếp nhận, phân phối, sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh... Trong đó điều chỉnh các hoạt động kêu gọi từ thiện gây "lùm xùm" thời gian vừa qua, là cơ sở pháp lý để khuyến khích mọi công dân có quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ trong hoạt động thiện nguyện này.

TRẢ GIÁ BẰNG UY TÍN

Thời gian qua, công tác từ thiện (TT) của một số cá nhân, trong đó có nhiều nghệ sĩ (NS), thiếu minh bạch và chuyên nghiệp, đã bị một số người trên mạng xã hội (MXH) "bóc phốt" khiến dư luận bức xúc; trong số này có NS Hoài Linh, ca sĩ (CS) Thủy Tiên, MC Trấn Thành... Tiếp đó là "phong trào sao kê" từ các cá nhân làm TT để chứng minh sự minh bạch của mình trong công tác này. Nhưng càng sao kê, càng lên tiếng để chứng minh, dư luận càng nghi ngờ, dẫn đến những lùm lùm trên MXH.

Đáng tiếc nhất trong những trường hợp trên là NS ưu tú Hoài Linh. Mùa bão lũ năm 2020, NS này đứng ra vận động TT để giúp đỡ đồng bào miền Trung bị bão lụt. Chỉ trong thời gian ngắn, anh được những người hâm mộ đóng góp hơn 14 tỷ đồng, nhưng suốt một thời gian dài anh không chịu giải ngân số tiền này.

Điều đáng nói là khi MXH "bóc phốt", Hoài Linh lại im lặng khá lâu, càng khiến dư luận nghi ngờ. Mãi đến ngày 25-5, NS này mới giải thích vì sao chậm giải ngân và nhận nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận. Theo thông báo từ ê-kíp của Hoài Linh, đến ngày 3-6, tức sau hơn 6 tháng vận động TT, nghệ sĩ này mới giải ngân 15,2 tỷ đồng cho đồng bào bị lũ lụt miền Trung.

Ngày 5-6, Hoài Linh lại một lần nữa lên tiếng xin lỗi trong video dài 46 phút nhưng vẫn chưa thuyết phục được dư luận. Cái sai của NS Hoài Linh ở đây đã quá rõ ràng và anh phải trả giá bằng sự mất uy tín của mình.

Chuyện vận động TT trong mùa lũ năm 2020 của CS Thủy Tiên càng phức tạp hơn, với số tiền rất lớn: lên đến 178 tỷ đồng. Cũng từ MXH tố cáo vợ chồng CS Thủy Tiên - Công Vinh không minh bạch trong việc chi cho dân số tiền trên, buộc Thủy Tiên phải sao kê chứng từ để chứng minh. Tuy nhiên, những lời giải thích thiếu minh bạch của hai vợ chồng càng khiến dư luận nghi ngờ.

Với MC Trấn Thành, việc làm TT thể hiện sự thiếu trách nhiệm, khi anh không trực tiếp đi làm TT, mà đứng ra kêu gọi quyên góp được hơn 9 tỷ đồng. Khi dư luận ồn ào, anh lại im lặng một cách khó hiểu. Cho đến khi tiến hành sao kê chứng từ, anh mới lên tiếng.

Trấn Thành xác nhận anh không đi làm TT trực tiếp, chỉ đứng ra vận động từ các fan của mình và gửi số tiền này cho NS Đại Nghĩa cùng bà Ngọc Hương - mẹ CS Hồ Ngọc Hà trực tiếp trao tiền cho dân. Hành động này của Trấn Thành thể hiện sự thiếu trách nhiệm với các fan đã ủng hộ anh.

Bên cạnh đó còn xảy ra việc lợi dụng danh nghĩa TT, kêu gọi quyên góp tiền xây mộ cho những trẻ sơ sinh xấu số để trục lợi. Trường hợp Cao Thị Hoài (23 tuổi, ở xóm 8, xã Giao Nhân, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng của 688 nhà hảo tâm vừa bị Công an (CA) tỉnh Nam Định khởi tố vụ án và bị can, bắt tạm giam về hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Cơ quan CSĐT - Công an tỉnh Nam Định bắt giữ Cao Thị Hoài

Lợi dụng tình hình dịch bệnh tại TPHCM, các đối tượng tìm cách đánh vào lòng trắc ẩn của những người có lòng hảo tâm để trục lợi. Một số cá nhân trên MXH với danh nghĩa ủng hộ các bệnh viện: Bệnh Nhiệt đới, Trưng Vương cùng tuyến đầu chống dịch, sử dụng tài khoản (TK) cá nhân quyên góp tiền, hiện vật để lừa đảo, buộc 2 đơn vị y tế này phải lên tiếng cảnh báo.

SỰ MINH BẠCH VÀ CÁI TÂM CỦA NGƯỜI LÀM TỪ THIÊN

Trước những thông tin trái chiều liên quan đến hoạt động TT của một số NS, Bộ CA đã chỉ đạo Cục Cảnh sát hình sự thụ lý, kiểm tra, xác minh các nguồn tin, phối hợp với phía ngân hàng (NH) rà soát, xác định các TK đã huy động tiền TT để làm rõ việc tiếp nhận, quyên góp, quá trình giải ngân.

Nhiều bài học được rút ra trong việc NS làm từ thiện, đó là sự minh bạch và cái tâm của người NS. Trong một cuộc tọa đàm về việc làm TT của các NS, MC Phan Anh - người từng làm TT đình đám hơn 5 năm trước, rút kinh nghiệm từ bản thân mình đã cho rằng, dù NS làm TT không chuyên nhưng phải minh bạch. Minh bạch không phải chỉ để bảo vệ mình, mà còn nhằm bảo vệ niềm tin của mọi người, để sự tử tế vẫn luôn tồn tại.

Một số NS chỉ nghĩ đơn giản rằng cứ vận động, có tiền rồi muốn chi sao tùy ý là suy nghĩ quá đơn giản. Dư luận và ngay cả những cá nhân tự nguyện đóng góp cũng mong muốn có sự minh bạch, tiền phải chi đúng đối tượng được hưởng. Do những suy nghĩ đơn giản, thiếu trách nhiệm, một số NS đã phải trả giá bằng việc đánh mất uy tín bản thân trước cộng đồng, xã hội.

Cũng vì những lùm xùm liên quan đến chuyện NS làm TT thiếu minh bạch này mà mùa dịch Covid-19 vừa qua, rất ít NS "dám" đứng ra làm TT. Chỉ số ít NS làm từ thiện một cách dấn thân, trong đó có CS Phi Nhung. Trên cả nước, rất nhiều cá nhân lao vào công tác thiện nguyện trong mùa dịch vô điều kiện để cứu dân. 8.791 tỷ đồng của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đóng góp vào Quỹ vắc-xin đã cho thấy mục đích tốt đẹp của những tấm lòng thiện nguyện sáng ngời, giúp cứu biết bao sinh mạng người dân.

Anh Vũ Quốc Cường (Cường "béo") cùng 17 người khác đã được truy tặng bằng khen của Thủ tướng là những tấm gương hy sinh vì cộng đồng. Ngày 28-8, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã viết thư gửi chị Nguyễn Thị Tuyết Lan - vợ anh Vũ Quốc Cường, người tích cực hoạt động thiện nguyện đã qua đời vì mắc Covid-19. Theo Chủ tịch nước, những ngày làm thiện nguyện cao đẹp của anh Cường như những bông sen sẽ tiếp tục tỏa hương thơm, nhắc nhở và khơi dậy hơn nữa những trái tim nhân ái và lẽ sống cao đẹp, cống hiến vì cộng đồng, xã hội.

Công Vinh và Thủy Tiên trong buổi sao kê tiền từ thiện quyên góp cuối năm 2020

SỰ CẦN THIẾT CỦA NGHỊ ĐỊNH 93/2021

Một trong những nguyên nhân khiến công tác TT xảy ra nhiều vấn đề phức tạp như thời gian qua là do chúng ta chưa có hành lang pháp lý trong lĩnh vực này. Với Nghị định (NĐ) 93, lần đầu tiên mở ra hành lang pháp lý cho phép cá nhân huy động tiền TT và đưa ra quy định ràng buộc để việc này được minh bạch, tránh bị lợi dụng.

Nghị định khuyến khích mọi cá nhân làm từ thiện có tổ chức. Về bản chất, không ai được độc quyền làm TT. Việc khuyến khích làm TT cũng là cách huy động nguồn lực xã hội cho công tác thiện nguyện, trong khi ngân sách nhà nước có hạn. Điều cơ bản là NĐ93 sẽ giúp khắc phục được những vướng mắc, lùm xùm kéo dài thời gian qua. Những quy định, chế tài đặt ra trong NĐ này nhằm quản lý và cũng để bảo vệ chính người đứng ra làm công tác TT, tránh được kẻ xấu lợi dụng lòng tốt của người dân. Nghị định trên đưa tất cả vào khuôn khổ, như quy định TT phải đăng ký với chính quyền địa phương, lập TK ngân hàng riêng cho mục đích vận động... để giúp cơ quan chức năng kiểm tra, kiểm soát dễ dàng, gắn trách nhiệm giám sát cho Mặt trận Tổ quốc các cấp.

Nghị định 93 cũng tạo điều kiện cho mọi người dân có quyền kêu gọi TT một cách nhanh chóng qua điều 18. Theo đó, chậm nhất 3 ngày từ khi thông báo, UBND nơi nhận hỗ trợ phải hướng dẫn phạm vi, đối tượng, thời gian phân phối, nên trong thời gian đó, cá nhân đi TT có thể hoàn thành các thủ tục khác. Nghị định 93 không điều chỉnh đối tượng là các hội nhóm nhỏ tự đi làm TT bằng tiền của mình mà không kêu gọi bên ngoài đóng góp. Các cơ sở tôn giáo cũng được tạo điều kiện làm TT, chỉ cần thông báo kết quả vận động và phân phối.

Rõ ràng dù muộn nhưng NĐ93 đã điều chỉnh những bất cập tồn tại lâu nay, giải quyết được nhiều vấn đề khiến những người muốn làm TT e ngại. Điều quan trọng là NĐ khuyến khích, thúc đẩy các cá nhân hoạt động TT và bảo vệ được họ, qua đó phát huy tinh thần "tương thân tương ái", nghĩa đồng bào, đồng thời giúp giáo dục lòng trắc ẩn, yêu thương đồng bào mình cho thế hệ trẻ.

NGHỊ ĐỊNH 93: TỪ THIỆN PHẢI CÔNG KHAI, MINH BẠCH

Ngày 27-10-2021, Chính phủ ban hành NĐ93/2021 về vận động, tiếp nhận, phân phối, sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố, hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Qua đó cho phép việc cá nhân tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối, sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện.

Nghị định yêu cầu khi vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện, cá nhân có trách nhiệm thông báo trên các phương tiện truyền thông về mục đích, phạm vi, phương thức, hình thức vận động, TK tiếp nhận, thời gian cam kết phân phối và gửi bằng văn bản đến UBND cấp xã nơi cư trú theo mẫu quy định.

Cá nhân phải mở TK riêng tại NH thương mại theo từng cuộc vận động để tiếp nhận, quản lý toàn bộ số tiền đóng góp. Các khoản đóng góp tự nguyện bằng tiền mặt, hiện vật phải có biên lai. Không được tiếp nhận thêm khoản đóng góp tự nguyện sau khi kết thúc thời gian tiếp nhận.

Các cá nhân đứng ra làm TT có trách nhiệm thông báo với UBND nơi tiếp nhận hỗ trợ để phối hợp xác định phạm vi, đối tượng, mức, thời gian hỗ trợ và thực hiện phân phối, sử dụng theo đúng cam kết.

Nghị định 93 cũng quy định cụ thể về quản lý tài chính, công khai nguồn đóng góp tự nguyện. Cá nhân thực hiện vận động có trách nhiệm cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan chức năng có thẩm quyền theo quy định pháp luật.

Bình luận (0)

Lên đầu trang