Đường huyết mạch bị... "đứt mạch"
Là tuyến đường đô thị cấp 1, vòng tròn ở TPHCM, đường Vành Đai 2 được quy hoạch từ năm 2007, với tổng vốn đầu tư 12.540 tỷ đồng. Con đường dài 64km, quy mô 6 - 10 làn xe, bắt đầu từ đường Nguyễn Văn Linh (H.Bình Chánh) qua cầu Phú Mỹ (Q7), ngã tư Bình Thái và nút giao thông Gò Dưa (TP.Thủ Đức), điểm cuối ra Quốc lộ 1A và chạy vòng về Nguyễn Văn Linh, tạo thành một vòng quanh thành phố. Khi hoàn thành, đường Vành Đai 2 tạo thành trục liên kết các tuyến giao thông quan trọng như: Xa lộ Hà Nội, Phạm Văn Đồng, cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, Quốc lộ 1A, Quốc lộ 13... giúp điều phối giao thông và hạn chế xe cộ vào nội thành.
Đến nay, tuyến đường huyết mạch này đã hoàn thành 50km, 14km còn lại gồm: đoạn từ Phú Hữu đến xa lộ Hà Nội, dài 3,5km; từ Xa lộ Hà Nội đến đường Phạm Văn Đồng, dài 2,8km; từ Quốc lộ 1A đến đường Nguyễn Văn Linh dài 5,3km và đoạn từ Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa dài 2,8km bị... "đứt mạch".
Khảo sát tại đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa (TP.Thủ Đức) cho thấy, hiện dự án này đang "trùm mền". Chủ đầu tư đã rút công nhân, nhiều thiết bị máy móc, vật tư thi công bị "đắp chiếu". Hàng trăm cọc bê-tông cốt thép, ống cống, dầm cốt bê-tông lát nền nằm ngổn ngang, trần mình giữa nắng mưa. Nhiều chiếc cầu xây dựng trơ cả khung sắt, mố cầu xây dựng nửa vời khiến bê-tông thoái hóa, sắt thép rỉ sét, cỏ mọc um tùm. Được biết, dự án này do Công ty cổ phần Văn Phú Bắc Ái làm chủ đầu tư theo hình thức đổi đất lấy hạ tầng (hợp đồng BT), tổng mức đầu tư hơn 2.765 tỷ đồng, gồm cả chi phí giải phóng mặt bằng. Dự án thi công được 44% khối lượng thì phải dừng do vướng bàn giao mặt bằng và chậm thanh toán cho nhà đầu tư. Theo chủ đầu tư, dự án dừng thi công trong 2 năm đã phát sinh hơn 230 tỷ đồng tiền lãi.
Thi công dang dở, đường Vành Đai 2 đang trở thành đường "Vành Đai Khuyết"
Mới đây, trong đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đến năm 2030, TPHCM đã đưa dự án đường vành đai 2, 3, 4 đứng đầu các dự án cần ưu tiên triển khai. Tuy nhiên, trong khi TPHCM đang khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thi công đường Vành Đai 3 thì đường Vành Đai 4 và các phân đoạn còn lại của đường Vành Đai 2 bị "án binh bất động" và có nguy cơ biến thành đường "Vành Đai Khuyết", gây lãng phí tiền của Nhà nước, phát sinh lãi suất...
Hầm chui giải quyết kẹt xe khiến kẹt xe hơn
Nhằm kéo giảm ùn tắc giao thông khu vực phía Nam, tháng 4-2020, TPHCM khởi công xây dựng hầm chui nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (giai đoạn 1) ở quận 7 do Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông làm chủ đầu tư, mức đầu tư 830 tỷ đồng, sử dụng ngân sách thành phố.
Dự án có thiết kế dạng đảo tròn trung tâm với đường kính 60m, cùng 2 hầm chui và các nhánh khác. Hầm chui trên đường Nguyễn Văn Linh gồm đường dẫn 2 đầu và hầm kín đi ngầm qua giao lộ Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ dài 480m. Mặt cắt ngang hầm gồm 3 làn xe lưu thông, vận tốc 60km/giờ, bề rộng trong hầm là 13,75m, tĩnh không thông xe dưới hầm là 4,75m, chịu được động đất cấp 7. Giai đoạn 2, dự án sẽ được hoàn chỉnh với 2 cầu vượt, 2 hầm chui, kinh phí khoảng 1.780 tỷ đồng. Công trình dự kiến hoàn thành vào tháng 6-2022. Tuy nhiên, đến đầu tháng 10-2022, toàn dự án mới đạt hơn 35% khối lượng.
Không chỉ chậm tiến độ, quá trình triển khai dự án đơn vị thi công làm hỏng mặt đường nhưng chậm khắc phục khiến nhiều đoạn bị nứt nẻ, lún sâu... tiềm ẩn nguy cơ tai nạn. Ngày 30-9-2022, dự án bị Thanh tra Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) TPHCM thu hồi giấy phép và tạm đình chỉ thi công. Chiều 04-10-2022, công tác tái lập mặt đường mới được thực hiện xong. Sở GTVT thành phố rút đề nghị tạm đình chỉ và cho dự án tiếp tục được triển khai. Tuy nhiên, công tác thi công hiện khá chậm.
Ghi nhận tại công trường cho thấy, ở cửa hầm hướng từ cầu Tân Thuận đi Quốc lộ 1A đã ngừng thi công. Hàng trăm cọc bê-tông nằm xếp xó, cửa hầm bị đóng, nhiều hạng mục thi công dang dở, đất đá nhộm nhoạm. Ở cửa hầm theo hướng ngược lại có lác đác công nhân làm việc, nhưng nhiều thiết bị máy móc vẫn nằm im lìm, bê-tông, sắt thép ngổn ngang, tình trạng kẹt xe tại nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ ngày càng nghiêm trọng, nhất là giờ cao điểm.
Do chậm tiến độ, hầm chui chống kẹt xe Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ vẫn chưa giải quyết được bài toán kẹt xe
Nguyên nhân khiến dự án chậm tiến độ là do vướng bồi thường và di dời hạ tầng kỹ thuật như: tuyến điện cao thế và tuyến ống ngầm cấp nước lớn của thành phố nằm bên dưới. Nếu giải quyết được mặt bằng, dự án sẽ nối lại thi công, dự kiến đến quý III/2023 sẽ thông được nhánh hầm HC2 và tiến hành triển khai nhánh hầm HC1, cuối năm 2023 sẽ hoàn thiện dự án.
Cống ngăn triều chưa thể chống ngập
Mặc dù đã hoàn thành tới hơn 93% khối lượng công việc, nhưng "dự án giải quyết ngập do triều cường khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu" - giai đoạn 1 được khởi công từ giữa năm 2016, dự kiến hoàn thành vào tháng 4-2018, tổng vốn xây dựng 10.000 tỷ đồng do Tập đoàn Trung Nam làm chủ đầu tư vẫn tiếp tục lỗi hẹn.
Dự án có 6 cống kiểm soát triều gồm: Bến Nghé (Q1), Tân Thuận (Q7), Phú Định (Q8), Mương Chuối, Phú Xuân, Cây Khô (H.Nhà Bè) và 7,8km đê kè ven sông Sài Gòn. Khi hoàn thành, công trình giúp ngăn triều cường và ứng phó tác động của biến đổi khí hậu cho khu vực bờ hữu sông Sài Gòn cùng trung tâm TPHCM trên diện tích 570km2 với khoảng 6,5 triệu dân.
Đây là một trong những dự án trọng điểm của thành phố, nhưng do khó khăn trong giải phóng mặt bằng và nguồn vốn khiến nó kéo dài suốt 7 năm và phải tạm dừng thi công tới 3 lần: lần 1 từ ngày 27-4-2018 đến 12-02-2019, lần 2 từ ngày 30-8-2019 đến 27-4-2020, lần 3 từ ngày 15-11-2020 đến 06-02-2022. Hiện nay, dự án này cũng đang "đứng hình" và chưa biết ngày nào tái xây dựng trở lại.
Khảo sát tại cống ngăn triều Bến Nghé cho thấy, hiện chỉ có lực lượng bảo vệ túc trực, công trình không có máy móc, công nhân thi công. Tại cống ngăn triều Tân Thuận cũng không có công nhân làm việc, không khí yên ắng. Nhiều thiết bị máy móc ngưng hoạt động nằm phơi mình dưới nắng mưa, nhiều hạng mục bị rỉ sét, rêu mốc đen sì. Ở cống ngăn triều Mương Chuối, việc thi công cũng bị ngưng, cỏ mọc um tùm. Hàng loạt hạng mục thi công dang dở nằm chờ hoàn thiện. Nhiều cửa van ngăn triều bị treo lơ lửng chưa biết đến bao giờ mới được vận hành. Tương tự, tại cống ngăn triều Phú Định cũng chưa thấy thi công trở lại. Trên công trường, hàng chục cọc bê-tông, ống cống thoát nước, đá bó vỉa hè, sắt thép nằm ngổn ngang. Nhiều hạng mục như: trụ bê-tông, mặt nền đường, hệ thống kiểm soát, điều tiết thủy triều... thi công dang dở. Dây điện lằng ngoằng, bê-tông cốt thép lởm chởm, máy móc thiết bị trùm bạt im lìm.
Mặc dù đã hoàn thành tới hơn 93% khối lượng công việc, nhưng siêu dự án chống ngập tiếp tục lỗi hẹn
Ông Nguyễn Quang Sáng, ngụ ở huyện Nhà Bè cho biết, do địa hình của huyện khá thấp, mỗi khi triều cường dâng và mùa mưa đến, khu vực Nhà Bè thường xuyên bị ngập, nhiều tuyến đường, con hẻm biến thành sông. Nước ngập khiến xe cộ chết máy, đồ đạc trong nhà bị nước làm hư hại, tài sản bị hư hỏng nặng, người dân đi đường té lên té xuống, học sinh, công nhân viên chức đi lại khó khăn. Nhiều hộ kinh doanh buôn bán ế ẩm bởi nước ngập không ai dám dừng lại mua hàng... Khi thấy thành phố cho xây dựng các cống ngăn triều, ai nấy đều phấn khởi bởi sắp được thoát cảnh ngập nước, kẹt xe. Tuy nhiên, niềm vui mới nhen nhóm thì suốt 7 năm qua, bà con chờ dài cả cổ mà chưa thấy công trình hoàn thành, đành ngậm ngùi sống chung với triều cường, mưa lũ.
Được biết, từ khi Chính phủ ban hành nghị quyết số 40 năm 2021 để tiếp tục triển khai dự án đến nay, UBND TPHCM vẫn chưa ký lại phụ lục hợp đồng BT với chủ đầu tư để tiếp tục hoàn thành dự án. Việc giải ngân tái cấp vốn cũng đã hết thời gian khiến chủ đầu tư và nhà thầu bị thiệt hại.
Chiều 24-11-2022, tại buổi tiếp xúc cử tri ở huyện Nhà Bè và huyện Cần giờ, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, do vướng các thủ tục, việc thi công dự án chống ngập do triều từ năm ngoái đến nay không có tiến triển. TPHCM đã tổ chức nhiều cuộc họp và kiến nghị để gỡ vướng mắc, tái ký các phụ lục hợp đồng, chủ đầu tư sẽ làm việc với ngân hàng để được tái cấp vốn, khởi động lại việc nhập các thiết bị nhằm hoàn thiện dự án. Sau khi tái ký hợp đồng, chủ đầu tư cần 2 tháng để làm việc, sắp xếp nguồn tín dụng và cần 6 tháng để nhập các thiết bị thực hiện. Nếu không có thay đổi, công trình dự kiến có thể đưa vào vận hành vào tháng 11-2023.
Việc các dự án trọng điểm chậm về đích đúng hạn khiến thành phố đối mặt với thiệt hại nhiều mặt, nhất là vấn đề kẹt xe, ngập nước, tài chính. Theo ước tính của các nhà khoa học, chỉ tính riêng tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên nếu chậm 1 năm, nạn kẹt xe khiến thành phố thiệt hại khoảng 1,3 tỷ USD. Tương tự, những dự án khác chậm về đích khiến vấn đề lãi suất, trượt giá làm vốn đầu tư đội lên rất nhiều, trở thành gánh nặng cho ngân sách và ảnh hưởng đến đời sống của bà con trong khu vực dự án triển khai. Người dân rất mong thành phố nỗ lực tìm nhiều giải pháp căn cơ đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa các dự án về đích, phục vụ phát triển kinh tế, đời sống an sinh xã hội.
(CATP) Nhiều dự án trọng điểm tại TPHCM thi công ì ạch, chậm tiến độ, nhiều lần lùi thời hạn hoàn thành, không chỉ gây thiệt hại nặng nề về kinh tế, ảnh hưởng đến đời sống người dân, tăng chi phí, mà còn làm giảm uy tín của thành phố trong việc mời gọi các nhà đầu tư, tài trợ cho các dự án mới...