(CAO) Theo ông Nguyễn Văn Yên - Trưởng ban Nội chính tỉnh Lâm Đồng, việc ký kết Quy chế phối hợp giữa hai ngành KSND và TAND tỉnh Lâm Đồng là để tăng cường, đảm bảo việc giám sát, quản lý giữa hai ngành, hai cấp, giữa cấp trên với cấp dưới; nhằm giải quyết nhanh các vụ án, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự.
Quang cảnh buổi lễ ký kết
Chiều 19-8, tại trụ sở VKSND tỉnh Lâm Đồng diễn ra lễ ký kết Quy chế phối hợp trong công tác giải quyết, kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật; việc thực hiện trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Toà án.
Tham dự có ông Nguyễn Văn Yên - Uỷ viên Ban thường vụ Tỉnh uỷ, Trưởng ban Nội chính tỉnh Lâm Đồng, đại diện các cơ quan, ban ngành của tỉnh. Tham gia lễ ký kết có ông Vũ Văn Diến - Viện trưởng Viện KSND tỉnh Lâm Đồng, ông Đào Chiến Thắng - Chánh án TAND tỉnh; các Phó Chánh án TAND tỉnh, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh, Chánh tòa thuộc TAND tỉnh, Trưởng phòng thuộc VKSND tỉnh.
Theo lãnh đạo hai ngành, việc ký kết Quy chế phối hợp dựa trên việc thực hiện các Nghị quyết của Đảng về cải cách tư pháp và Chỉ thị số 11-CT/TU ngày 2-8-2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng, về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết, xét xử án dân sự, hành chính; thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng ngành và yêu cầu nhiệm vụ chính trị địa phương, tạo sự đồng thuận cao trong việc trao đổi thông tin, phối kết hợp trong xử lý các vụ, việc dân sự, hôn nhân gia đình, hành chính, kinh doanh thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật tại địa phương.
Sau thời gian dài TAND và VKSND tỉnh Lâm Đồng thảo luận, trao đổi; Bản quy chế phối hợp giữa hai ngành bao gồm 3 chương, 16 điều, quy định nội dung cụ thể về nguyên tắc, phương thức phối hợp giữa hai cơ quan Viện KSND và TAND hai cấp tỉnh Lâm Đồng trong việc giải quyết, kiểm sát việc giải quyết các vụ án, vụ việc theo quy định của pháp luật, xuyên suốt trong quá trình giải quyết vụ án từ giai đoạn thụ lý vụ án đến khi kết thúc.
Trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như: Phối hợp trong công tác trao đổi, cung cấp thông tin, chuyển giao hồ sơ, thu thập tài liệu chứng cứ, bản án, quyết định; chọn phiên toà rút kinh nghiệm...; nhằm nâng cao chất lượng kiểm sát, giải quyết, xét xử các vụ án, vụ việc; loại bỏ các thủ tục rườm rà, thời gian chờ đợi; tránh việc giải quyết vụ án không triệt để, không đảm bảo cho việc thi hành án... để việc giải quyết các vụ án được kịp thời, thuận lợi, nhanh chóng, đúng pháp luật.
Ông Đào Chiến Thắng - Chánh án TAND tỉnh Lâm Đồng phát biểu
Phát biểu tại buổi lễ ký kết, ông Nguyễn Văn Yên - Trưởng ban Nội chính Tỉnh uỷ, thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Lâm Đồng cho biết, ngày 2/8/2021, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Lâm Đồng ban hành Chỉ thị số 11-CT/TU, về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết, xét xử các vụ án dân sự, hành chính trên địa bàn để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết, xét xử các vụ án dân sự, hành chính trên địa bàn tỉnh, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới; trên cơ sở thực hiện các Nghị quyết của Trung ương về chiến lược cải cách tư pháp và các Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ đảng đối với các cơ quan tư pháp; tăng cường sự phối hợp, để giải quyết những vụ việc phức tạp, kéo dài, góp phần quan trọng việc đảm bảo TTATXH tại địa phương.
Việc ký kết Quy chế phối hợp giữa hai ngành KSND và TAND trên địa bàn là để tăng cường, đảm bảo việc giám sát, quản lý giữa hai ngành, hai cấp, giữa cấp trên với cấp dưới; nhằm giải quyết nhanh các vụ án, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
Kết thúc buổi lễ, ông Vũ Văn Diến - Viện trưởng VKSD tỉnh Lâm Đồng chia sẻ: Trong những năm qua, hai đơn vị đã phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong công tác giải quyết các vụ án hành chính, dân sự... Tuy nhiên, việc phối hợp chưa được thể chế hóa bằng một văn bản cụ thể mà chỉ phối hợp qua từng vụ việc và khi có vấn đề phát sinh cần phải trao đổi.
Do đó, việc xây dựng Quy chế phối hợp giữa hai đơn vị là hết sức cần thiết, có ý nghĩa quan trọng, nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình áp dụng pháp luật, cũng như giải quyết những vấn đề còn có quan điểm khác nhau, qua đó hoàn thành tốt nhiệm vụ mà hai đơn vị được giao.