(CAO) Chiều 25-6, UBND tỉnh Lâm Đồng xác định trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi. Công tác phòng chống dịch, tránh lây lan trên diện rộng đang được các cơ quan chức năng trong tỉnh tích cực triển khai.
Theo thông tin từ UBND tỉnh Lâm Đồng, đến nay, dịch tả lợn Châu Phi đã xuất hiện tại xã Liên Hiệp, huyện Đức Trọng. Đây là vùng chăn nuôi trọng điểm của huyện và cả tỉnh Lâm Đồng.
Dịch bệnh được phát hiện vào ngày 21-6, khi một con lợn trong đàn gia súc tại xã Liên Hiệp bị chết, cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng đã kiểm tra, lấy mẫu gửi xét nghiệm và cho kết quả dương tính với dịch tả lợn châu Phi.
Tiếp đó, ngày 23-6, dịch bệnh tại xã Liên Hiệp tiếp tục có dấu hiệu gia tăng, khi có 44 con lợn bị chết và tiến hành tiêu hủy trên tổng đàn hơn 2.800 con của 9 hộ dân chăn nuôi tập trung tại các thôn: An Bình, An Ninh, An Tĩnh và An Hiệp.
Đến chiều 24-6, số lợn chết và tiêu hủy của xã Liên Hiệp đã tăng lên 82 con tại 13 hộ chăn nuôi tập trung trong tổng đàn gần 3.400 con.
Tiêu hủy lợn nhiễm dịch. Ảnh: Trúc Phương
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng đã trực tiếp kiểm tra tại các hộ chăn nuôi có lợn mắc bệnh và chỉ đạo tăng cường các giải pháp phòng chống dịch. Trong đó, tập trung thực hiện các biện pháp kỹ thuật, đôn đốc chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng của tỉnh triển khai các giải pháp phòng, chống dịch theo quy định, phù hợp với điều kiện thực tế tại địa bàn cơ sở.
Mặt khác, chỉ đạo khẩn trương thành lập thêm 2 chốt kiểm dịch động vật liên ngành trong khu vực để kiểm soát tình hình dịch bệnh, tránh lây lan trên diện rộng, nâng tổng số trạm, chốt kiểm dịch động vật liên ngành trong toàn tỉnh lên 14 chốt.
Số liệu từ Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng được biết, tổng đàn lợn toàn tỉnh có khoảng 400.000 con, trong đó xã Liên Hiệp là địa bàn trọng điểm về chăn nuôi lợn của huyện Đức Trọng với khoảng 27.300 con. Huyện Đức Trọng là địa phương có tổng đàn lợn lớn nhất của tỉnh với gần 90.000 con, tiếp đó là huyện Lâm Hà 80.000 con, TP Bảo Lộc 59.000 con và huyện Di Linh là 29.000 con…
Hiện công tác phòng chống dịch đang được các cơ quan, đơn vị tích cực phối hợp triển khai, đặc biệt công tác kiểm soát vận chuyển, giết mổ, không để xảy ra tình trạng giấu dịch, bán tháo lợn nhiễm bệnh.
Tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo thành lập các tổ, đội để sẵn sàng trực chiến kiểm tra, theo dõi tổng đàn lợn trên địa bàn toàn tỉnh và thành lập thêm 2 chốt tại xã Liên Hiệp và huyện Đức Trọng để tổ chức hỗ trợ những hộ có lợn chết để thực hiện tiêu hủy; tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các cơ chế chính sách, tăng cường tiêu độc khử trùng, sử dụng các biện pháp an toàn sinh học để phòng chống dịch tả lợn đang diễn biến tại địa phương.
Theo số liệu mới nhất của Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), tính đến ngày 24-6-2019, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 60 tỉnh, thành phố trên cả nước. Như vậy, chỉ còn 3 địa phương nữa chưa xuất hiện ổ dịch là Bến Tre, Ninh Thuận và Tây Ninh.