Công an TPHCM là địa phương đầu tiên trên cả nước triển khai thực hiện mô hình Tổ Liên Gia an toàn PCCC và Điểm Chữa cháy công cộng đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất kinh doanh theo kế hoạch số 273/KH-BCA-C07 của Bộ Công an.
Mô hình xác định công tác PCCC phải lấy phòng ngừa là chính, với phương châm “từng nhà an toàn – từng khu phố an toàn – từng xã, phường an toàn”, nhằm đảm bảo an toàn cháy, nổ cho người dân trên địa bàn TP. Để công tác chữa cháy hiệu quả cần phải xác định được “thời điểm vàng” – là thời điểm không quá 05 phút kể từ khi vụ cháy xảy ra. Khi đám cháy mới bùng phát, nếu lực lượng tại chỗ có thể xử lý và dập tắt kịp thời thì có thể kéo giảm thiệt hại về người và tài sản xuống mức thấp nhất. Đây cũng là lực lượng có thể tiếp cận đám cháy một cách nhanh nhất.
Kế hoạch 273/KH-BCA-C07 của Bộ Công an ban hành nhằm mục đích tập trung xây dựng, củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của lưc lượng tại chỗ theo hướng thực chất, hiệu quả, xây dựng thế trận liên hoàn PCCC. Ngay sau khi Bộ Công an triển khai kế hoạch 273/KH-BCA-C07, Công an TPHCM đã xây dựng 2845/KH-CATP-PC07 ngày 29/6/2022 về việc tăng cường công tác PCCC&CNCH đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh và Văn bản số 3081/CATP-PC07 ngày 12/7/2022 về việc triển khai thực hiện mô hình Tổ Liên Gia an toàn PCCC và Điểm Chữa cháy công cộng.
Với quyết tâm triển khai hiệu quả 02 mô hình trên, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH CATP đã quyết liệt tham mưu cho lãnh đạo CATP triển khai đến Công an 22 quận, huyện, TP Thủ Đức tham mưu UBND địa phương triển khai thực hiện.
Đồng thời phân công chỉ huy cấp Đội thuộc Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH CATP theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương thực hiện thống nhất, đồng bộ.
Đến thời điểm hiện tại, đã có 82 Tổ Liên Gia an toàn PCCC và 77 Điểm Chữa cháy công cộng được đăng ký thực hiện tại 16/22 quận/huyện (chiếm 72,7%). Các địa phương còn lại đang tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc theo chỉ đạo của CATP.
Mô hình "Tổ Liên Gia an toàn PCCC".
Theo đó, mô hình “Tổ Liên Gia an toàn PCCC” tại các tổ dân phố nhằm phát huy tính chủ động, tương trợ nhau giữa các gia đình trong một khu dân cư, thực hiện hiệu quả phương châm 4 tại chỗ.
“Phương châm 4 tại chỗ xác định: lực lượng ở trong dân – phương tiện ở trong dân – hậu cần ở trong dân – chỉ huy ở trong dân. Nghĩa là lấy là lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể, thực hiện công tác PCCC. Thông qua mô hình, tất cả người dân ở hộ gia đình, khu dân cư, các cơ sở trên địa bàn TP đều được hướng dẫn, tuyên truyền về an toàn PCCC, ký cam kết đảm bảo an toàn PCCC và triển khai xây dựng lối thoát nạn thứ 2.
Lối thoát nạn thứ 2 có thể là lên tầng trên, qua nhà bên cạnh, qua ban công, thoát lên mái nhà hoặc thoát bằng thang dây, cửa phụ,… phù hợp đặc điểm của từng hộ dân, từng khu phố”, Đại tá Huỳnh Quang Tâm – Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH CATP nhấn mạnh.
Trong những ngày qua, lực lượng PCCC&CNCH Công an các quận, huyện và TP Thủ Đức đã triển khai xây dựng mô hình “Tổ Liên Gia an toàn PCCC”. Bên cạnh việc lắp đặt các phương tiện, thiết bị PCCC&CNCH thì cảnh sát còn tổ chức hướng dẫn người dân sử dụng các thiết bị trên một cách hiệu quả nhất.
“Sáng nay cảnh sát đã đến tận khu nhà tôi để lắp đặt các trang thiết bị PCCC&CNCH và hướng dẫn bà còn sử dụng, tôi thấy rất hữu dụng. Mỗi nhà sẽ được trang bị chuông báo cháy để khi có sự cố thì mình bấm vào chuông, cả khu phố này sẽ đều hay và hỗ trợ lẫn nhau. Thậm chí, nếu có người nào đi vắng mà trong nhà xảy ra cháy, người bên cạnh có thể bấm vào chuông nhà mình, hoặc chuông được gắn phía ngoài công cộng để cả xóm cùng biết mà kịp thời chữa cháy”, chị Nguyễn Thị Cẩm Thuý (SN 1983, ngụ khu phố Phước Hiệp, phường Trường Thạnh, TP Thủ Đức) cho biết.
Lãnh đạo thị trấn Tân Túc (Bình Chánh) họp triển khai mô hình "Tổ Liên Gia an toàn PCCC" và "Điểm Chữa cháy công cộng".
Quận 8 ra quân triển khai mô hình "Tổ Liên Gia an toàn PCCC" và "Điểm Chữa cháy công cộng".
Huyện Củ Chi ra quân mô hình "Tổ Liên Gia an toàn PCCC" và "Điểm Chữa cháy công cộng".
Các bước xử lý khi xảy ra cháy, nổ, sự cố, tai nạn trong Tổ Liên Gia như sau:
- Người phát hiện cháy, nổ, tai nạn, sự cố ấn chuông báo động cho các hộ gia đình biết; Báo cháy cho lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH (qua số máy 114 hoặc app “báo cháy 114” và “Help 114”), UBND hoặc Công an cấp xã;
- Thành viên của các hộ gia đình trong tổ liên gia sử dụng phương tiện chữa cháy, dụng cụ phá dỡ của gia đình mình tham gia chữa cháy, cứu người bị nạn;
- Tổ trưởng tổ liên gia chỉ huy chữa cháy, cứu người bị nạn, thông báo cho lực lượng dân phòng, Công an cấp xã, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH;
- Báo cáo tình hình vụ việc và bàn giao lại quyền chỉ huy khi lực lượng dân phòng, Công an cấp xã, hoặc Cảnh sát PCCC&CNCH có mặt.
Theo kế hoạch, tổ liên gia gồm 05 đến 15 hộ gia đình (nhà để ở, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh) liền kề nhau. Mỗi hộ gia đình trang bị ít nhất 01 bình chữa cháy xách tay (loại bình bột ABC hoặc bình khí C02) và tối thiểu 01 dụng cụ phá dỡ (xà beng, kìm cộng lực, búa, rìu…). Các phương tiện này sẽ để ở nơi dễ thấy, dễ lấy nhằm kịp thời xử lý khi có sự cố xảy ra.
Đồng thời, mỗi hộ gia đình lắp đặt 01 chuông báo cháy tại tầng 1 (độ cao từ 2,5m - 3m); lắp đặt 02 nút ấn báo cháy (01 nút ấn ở trong nhà, 01 nút ấn ngoài nhà) ở các vị trí phù hợp tại mỗi hộ gia đình. Nút ấn và chuông báo cháy của các hộ gia đình trong tổ liên gia được liên kết với nhau (bảo đảm khi ấn bất kể nút ấn nào thì toàn bộ chuông của các hộ gia đình cùng kêu), để kịp thời tương trợ nhau khi có tình huống, sự cố cháy, nổ xảy ra trên địa bàn. Đây chính là một trong những tính năng nổi bậc của mô hình này.
Thiếu tá Trương Tấn Thiện (trái) - Chủ tịch Công đoàn Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH CATP hướng dẫn người dân lợi ích của mô hình "Tổ Liên Gia an toàn PCCC" và "Điểm Chữa cháy công cộng".
Bên cạnh đó, các thành viên trong hộ gia đình cài đặt và sử dụng thành thạo app “báo cháy 114” và “Help 114”. Các thành viên trong tổ liên gia sẽ được cập nhật danh sách thành viên để sử dụng tính năng “Tôi an toàn”, nhằm thông báo tình trạng an toàn khi có sự cố cháy, nổ, tai nạn xảy ra.
Ngoài ra, tuỳ theo tình hình địa bàn, các tổ liên gia có thể trang bị thêm các phương tiện chữa cháy khác phù hợp thực tế, gồm: Bình chữa cháy đặt dọc theo đường, ngõ; Khu vực có trụ nước chữa cháy có thể trang bị lăng, vòi, đầu nối, thiết bị mở khóa; Khu vực có ao, hồ, bể nước có thể trang bị máy bơm chữa cháy khiêng tay, lăng, vòi chữa cháy;…
Hiện tại, đã có 82 Tổ Liên Gia an toàn PCCC và 77 Điểm Chữa cháy công cộng được đăng ký thực hiện tại 16/22 quận/huyện.
Trong khu liên gia sẽ được thành lập 01 tổ PCCC cơ động, gồm những thành viên nhiệt tình, có kiến thức trong việc xử lý các tình huống chữa cháy và CNCH. Ngoài ra, người dân trong khu liên gia cũng được hướng dẫn, tập huấn những kỹ năng cơ bản trong công tác PCCC&CNCH và được trang cấp một số phương tiện chữa cháy như bình bọt, bình khí CO2, mặt nạ phòng độc… nhằm đảm bảo xử lý nhanh, hiệu quả các vụ sự cố cháy, nổ ngay từ ban đầu, không để phát sinh gây hậu quả.
Định kỳ 06 (hoặc 01 năm/lần), tổ liên gia tổ chức họp để phổ biến kiến thức PCCC&CNCH, nắm lại tình hình, đặc điểm địa bàn để kịp thời đưa ra phương án mới, chủ động phòng ngừa khi có sự cố xảy ra.
Bà con trên địa bàn TP vui mừng khi nhận được bình chữa cháy xách tay từ Cảnh sát PCCC&CNCH.
Dịp này, cảnh sát còn triển khai mô hình “Điểm Chữa cháy công cộng”. Mô hình tập trung tại các ngõ, hẻm sâu tập trung nhiều nhà (nhà ở hộ gia đình hoặc nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh) có chiều sâu từ 50m trở lên, xe chữa cháy không tiếp cận được.
Theo đó, phương tiện được bố trí tại mỗi điểm gồm: 02 bình bột chữa cháy loại ABC; Nội quy quản lý, sử dụng phương tiện PCCC, CNCH; Xà beng, kìm cộng lực. Các phương tiện được bố trị tại các điểm chữa cháy thuận lợi cho việc sử dụng, không cản trở lối đi lại của người dân, tránh mưa, nắng và có biển thông báo. Khoảng cách giữa 02 điểm đặt phương tiện là 50 mét.
Dịp này, cảnh sát còn triển khai mô hình “Điểm Chữa cháy công cộng”.
Phương tiện chữa cháy công cộng được lắp đặt tại địa bàn UBND Phường Tân Chánh Hiệp, Quận 12.