MC Xuân Hiếu kể chuyện... làm báo tại Trường Sa

Thứ Hai, 31/01/2022 22:39

|

(CAO) Nghe chuyện kể của MC Xuân Hiếu, tôi lại nhớ đến ca khúc Mùa xuân DK của nhạc sĩ Thập Nhất - còn âm vang đâu đây tiếng hát của những ai đã đến với Trường Sa...

Ngược thời gian trở về năm 2004 - năm khởi đầu từ cuộc thi Người dẫn chương trình truyền hình TPHCM, Xuân Hiếu cho biết: “Ngày đó, trong vai trò khán giả, mình ngồi coi say sưa, thậm chí ủng hộ cuồng nhiệt không sót buổi thi nào. Qua năm sau, mình chạm ngõ cuộc thi vì một duyên cớ rất tình cờ. Dù không đạt được thứ hạng cao, nhưng mình may mắn lọt vào “Top 10” cuộc thi năm đó và bắt đầu với nghề cầm micro không chuyên.

Đến năm 2006, được sự động viên từ gia đình, bạn bè, mình quyết định thử sức một lần nữa và vô cùng hạnh phúc khi vinh dự nhận 2 giải là Én Bạc và Giải thưởng do hội đồng báo chí bình chọn”.

Từ bệ phóng sáng giá này, trải qua năm tháng, Xuân Hiếu đã trở thành MC chuyên nghiệp của HTV cùng nhiều đài địa phương khác, tên tuổi cô gắn liền với nhiều chương trình tạo được tiếng vang, như: Ước mơ trong tầm tay, Nông nghiệp trong tuần, Doanh nhân và Thương hiệu, Tổ ấm yêu thương và Kiến thức tiêu dùng…; hoặc làm biên tập viên của một số chương trình như: Nhỏ to tâm sự, Góc hàn huyên...

MC Xuân Hiếu còn làm báo tại quần đảo Trường Sa nữa đấy. Năm 2019, Trung ương Đoàn tổ chức chương trình “Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương” từ ngày 20-5 đến 28-5-2019, Xuân Hiếu là một trong 70 đại biểu tham dự. Trên chuyến tàu KN-490, cô đã có cơ hội đến thăm, giao lưu cùng cán bộ, chiến sĩ đang làm việc tại các cụm đảo thuộc quần đảo Trường Sa thân yêu của Tổ quốc.

MC Xuân Hiếu tại nhà giàn DK1/12

Thủ trưởng đoàn công tác tin tưởng, cử Xuân Hiếu vào Ban truyền thông thực hiện “báo nói”. Nhiệm vụ của nhóm phát thanh là làm “Bản tin nhanh hằng ngày” trên tàu, với tần suất 2 số/ngày. Bản tin trưa thường từ 10 giờ 30 đến 11 giờ, bản tin tối từ 21 giờ 30 đến 22 giờ. Nhiệm vụ đặt ra là phải phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức thể hiện, tạo được sự quan tâm, kết nối các đại biểu, cán bộ, chiến sĩ trên tàu KN-490.

“Giữa biển trời bao la, chập chùng sóng vỗ, cuộc họp đầu tiên của nhóm phát thanh nhanh chóng diễn ra với câu hỏi: làm sao để có được những bản tin hấp dẫn nhất? Tận dụng những gì sẵn có, từ điện thoại thông minh để thu âm đến hệ thống loa phát trực tiếp trên cabin chỉ huy được phát huy triệt để. Nhóm phát thanh thu âm trực tiếp ngay thời điểm phát sóng trên tàu”- MC Xuân Hiếu kể.

Nhóm thực hiện cả 3 chuyên mục: điểm tin, nhân vật và sự kiện, hộp thư hành trình. Với chuyên mục “điểm tin”, đó là những thông tin liên quan đến các điểm đảo mà đoàn công tác sẽ ghé thăm hay những hoạt động sẽ diễn ra trên tàu KN-490, được hệ thống nhanh để giúp đại biểu có cái nhìn tổng quát, dễ nhớ. Còn chuyên mục “nhân vật và sự kiện”, trong mỗi số phát thanh trực tiếp trên tàu, đều mời các đại biểu tiêu biểu giao lưu, chia sẻ về từng chủ đề đặt ra.

Cùng các thành viên trong đoàn

Điển hình là có sự tham gia giao lưu của đại biểu Lê Hải Bình (nguyên Người phát ngôn Bộ Ngoại giao), ông Hồ Đại Đồng (người lớn tuổi nhất chuyến đi, đồng thời là cựu chiến binh từng tham gia cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, lần đầu ra thăm quần đảo Trường Sa). Hay cuộc trò chuyện cùng Bí thư Chi bộ tàu KN-490 để mọi người hiểu hơn về nhiệm vụ, tâm tư, tình cảm của cán bộ, chiến sĩ trên tàu. Những buổi giao lưu rộn ràng âm nhạc với khách mời là thành viên Đội văn nghệ xung kích tàu KN-490, nhạc sĩ Lại Thế Bảo Huy...

Xuân Hiếu còn cùng các thành viên trong nhóm tranh thủ những lần lên đảo thực hiện các “talkshow” mang tính thời sự nóng hổi. Nhóm phỏng vấn người cha vợ ra thăm con rể đang làm nhiệm vụ nơi đảo xa, nhà giáo Bành Hữu Tình (thầy dạy học duy nhất trên đảo Trường Sa), cán bộ nhà giàn DK1/12, nhóm chiến sĩ rất trẻ tham gia cống hiến tuổi thanh xuân nơi đầu sóng ngọn gió... Câu chuyện nào cũng đều đọng lại dư vị của yêu thương, đồng cảm, sẻ chia.

“Đáng nhớ nhất là bản tin cuối cùng, bản tin số 14 được thực hiện hơn 1 giờ 30 phút, với gần 20 lời yêu cầu ca khúc, kèm theo bao cảm xúc tiếc nuối, nhớ thương, lưu luyến, mong cho thời gian quay trở lại khi chuyến hải trình sắp quay về đất liền... Những lời nhắn nhủ dễ thương như: “Em ơi đừng say sóng mà hãy say anh nhé!”, “Tàu trắng qua biển xanh/ Em một lần đi qua đời anh/ Tàu đi mặt biển không dấu vết/ Mãi mãi lòng anh vẫn sóng duềnh”...”- MC Xuân Hiếu kể.

Một điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam

Trở về với đất liền, mang theo bao khát vọng, hoài bão đóng góp nhiều hơn nữa cho biển đảo Việt Nam, đem yêu thương gửi đến các anh chiến sĩ nơi đầu sóng ngọn gió, Xuân Hiếu ấp ủ cho riêng mình những kế hoạch hành động, nho nhỏ thôi, nhưng tôi tin rằng đó là những giá trị chân thật, xuất phát từ trái tim của một người trẻ khi lần đầu được đến với Trường Sa.

Nghe chuyện kể của MC Xuân Hiếu, tôi lại nhớ đến ca khúc Mùa xuân DK của nhạc sĩ Thập Nhất - còn âm vang đâu đây tiếng hát của những ai đã đến với Trường Sa, đã cùng các chiến sĩ Trường Sa đồng ca hòa quyện vào biển sóng thân yêu:

Một góc nhỏ tại khu vực nhóm làm “báo nói”

“Sóng gió mặc sóng gió

Lính nhà giàn bọn tôi ở đó

Chông chênh mặc chênh chông

Lính nhà giàn chẳng sợ bão giông

Nắng gió mặc nắng gió

Lính nhà giàn thề không ngại khó

Mưa giông mặc mưa giông

Lính nhà giàn vẫn thắm hoa hồng…

Vượt trên ngọn phong ba

Giữ biển đảo quê ta

Cùng vang lên bài ca

Giữ mùa xuân quê nhà”.

Bình luận (0)

Lên đầu trang