(CAO) Theo quy định, có 5 điểm mới trong kỳ thi THPT năm nay thí sinh cần phải lưu ý để có một kỳ thi thật sự hiệu quả và đảm bảo an toàn…
Thứ nhất, quy định về các vật dụng thí sinh được phép mang vào phòng thi. Đối với kỳ thi tốt nghiệp phổ thông sắp tới, thí sinh chỉ được mang vào phòng thi: Bút viết, bút chì, compa, tẩy, thước kẻ, thước tính; máy tính bỏ túi không có chức năng soạn thảo văn bản, không có thẻ nhớ; Atlat Địa lý Việt Nam đối với môn thi Địa lý.
Nghĩa là trong quy chế mới này, thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT không được phép mang các loại máy ghi âm, ghi hình chỉ có chức năng ghi thông tin nhưng không thể nghe, xem và không thể truyền, nhận được thông tin, tín hiệu âm thanh, hình ảnh trực tiếp nếu không có thiết bị hỗ trợ khác vào phòng thi.
Thứ 2, quy định về đăng kí dự thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Cụ thể, bỏ quy định về bản sao sổ đăng ký hộ khẩu thường trú để được hưởng chế độ ưu tiên liên quan đến nơi đăng ký hộ khẩu thường trú; bên cạnh đó, còn bổ sung quy định về file ảnh (hoặc 2 ảnh 4x6 trong trường hợp đăng ký dự thi trực tiếp) kiểu căn cước công dân, được chụp trước thời gian nộp hồ sơ không quá 6 tháng với trường hợp đăng ký trực tuyến.
Ảnh minh họa
Thứ 3, về hai hình thức đăng kí dự thi. Theo quy chế thi tốt nghiệp THPT năm nay, thí sinh là người đã học xong chương trình THPT trong năm tổ chức kỳ thi được đăng ký dự thi trực tuyến hoặc đăng ký dự thi trực tiếp tại trường phổ thông nơi thí sinh theo học lớp 12.
Thứ 4, không còn sự giám sát của thanh tra trong quá trình chấm phúc khảo bài thi tự luận. Theo quy định năm 2023, mỗi bài thi tự luận do hai cán bộ chấm thi chấm phúc khảo theo quy định và phải được chấm bằng mực có màu khác với màu mực được dùng chấm trước đó trên bài làm của thí sinh. Trong khi tiến hành các công việc liên quan đến phúc khảo, phải có ít nhất từ hai thành viên của Ban Phúc khảo bài thi tự luận trở lên.
Cuối cùng, bổ sung thành phần hội đồng ra đề thi tốt nghiệp THPT. Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2023 quy định về thành phần Hội đồng ra đề thi như sau: Ủy viên, thư ký, người làm nhiệm vụ về tin học - kỹ thuật là công chức, viên chức của các đơn vị thuộc Bộ GD-ĐT; trong đó, ủy viên thường trực là công chức thuộc Cục Quản lý Chất lượng.
Điều đó đồng nghĩa với việc, quy chế thi năm nay bổ sung người lao động của các đơn vị thuộc Bộ GD-ĐT có thể trở thành thành phần hội đồng ra đề thi.
Người soạn thảo đề thi và phản biện đề thi là công chức, viên chức ngành giáo dục hoặc các viện nghiên cứu; giảng viên cơ hữu, giáo viên cơ hữu đang công tác tại các cơ sở giáo dục. Mỗi bài thi/môn thi có một tổ ra đề thi gồm tổ trưởng và người soạn thảo đề thi, phản biện đề thi.