Mưa lũ tiếp tục hoành hành trên diện rộng ở miền Trung

Thứ Hai, 06/11/2017 12:59

|

(CAO) Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, ngày 6-11 Trung Bộ tiếp tục có mưa to trên diện rộng, ngập lụt nghiêm trọng ở nhiều nơi.

Từ ngày 6 đến hết ngày 8-11, do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với nhiễu động trong đới gió Đông hoạt động mạnh nên các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có mưa vừa, mưa to; riêng các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to.

Mưa lớn, các hồ thủy điện xả nước khiến mực nước trên các sông đã ở mức cao. Sáng 6-11, lũ hạ lưu sông Vu Gia - Thu Bồn sẽ đạt đỉnh, tại Câu Lâu lên mức 5,2m, trên BĐ3 1,2m; tại Hội An lên mức 3,3m, trên BĐ3 1,3m (tương đương mực nước lũ lịch sử năm 2007), sau xuống chậm. Trong 12 giờ tiếp theo, lũ hạ lưu sông Kôn tiếp tục lên; các sông khác từ Quảng Bình đến Bình Định tiếp tục xuống nhưng vẫn ở mức cao…

Quốc lộ 1 đoạn qua Quảng Nam hoàn toàn tê liệt

Mưa lớn kéo dài, cộng với thủy điện liên tục xả lũ, từ tối 5-11, Quốc lộ 1A đoạn qua Quảng Nam bị ngập sâu, chia cắt giao thông. Lực lượng CSGT đã bố trí lực lượng làm nhiệm vụ, hướng dẫn các phương tiện lưu thông lên phía đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Từ khoảng 16 giờ ngày 5-11, nước lũ đã bắt đầu tràn qua QL1, đoạn qua Quảng Nam và đến khoảng 19 giờ cùng ngày, nước lũ đã dâng cao, gây ngập sâu, chia cắt hoàn toàn tuyến QL1. Đoạn ngập sâu nhất là từ xã Quế Phú, huyện Quế Sơn đến xã Điện Thắng Bắc, huyện Điện Bàn, có nơi nước ngập lên đến gần 2m.

Lực lượng chức năng dọn rác, khơi thông dòng chảy khi nước lũ lên nhanh

Giao thông trên tuyến hoàn toàn tê liệt, không thể di chuyển từ Bắc vào Nam và ngược lại. Trước tình trạng hàng trăm ô tô dồn ứ, Công an tỉnh Quảng Nam đã vận động, kêu gọi người dân trong khu vực nấu cơm hỗ trợ hành khách, đồng thời đến từng nhà dân vận động các hộ dân phục vụ khách theo tinh thần thương thân tương ái, tránh tình trạng "chặt chém" khách.

Liên quan đến vụ sạt lở tại khu vực Đàn Nước, Bắc Trà My, Quảng Nam, đến sáng 6-11, lực lượng chức năng tỉnh Quảng Nam đã tìm thấy thi thể của 3 nạn nhân gồm: Nguyễn Thị Đắc, Hồ Thị Ái, Nguyễn Thị Hồng. Hai nạn nhân hiện mất tích là Đỗ Mỹ, Nguyễn Thanh Phương. Bốn nạn nhân đã được cứu sống gồm: Đỗ Thị Thái, Đỗ Thị Hạnh, Đỗ Mai Minh Hương, Đỗ Thị Nguyệt.

Trước đó, vào tối 5-11, do mưa lớn kéo dài nhiều ngày, quả đồi tại khu vực Đàn Nước, thuộc thị trấn Trà My, huyện Bắc Trà My bị sạt lở, vùi lấp nhiều người.

Hiện, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, mưa lớn vẫn tiếp diễn. Lực lượng chức năng đang tích cực triển khai công tác tìm kiếm các nạn nhân còn lại trong vụ sạt lở ở huyện Bắc Trà My.

Hơn 80% tuyến đường ở TP Huế ngập sâu, giao thông chia cắt

Sáng 6-11, mực nước sông Hương tại Kim Long thuộc tỉnh Thừa Thiên - Huế đạt 3,64 m, trên báo động 3 là 0,14 m; sông Bồ tại Phú Ốc đạt 4,41 m, dưới báo động 3 là 0,09 m; các sông Ô Lâu tại Phong Bình và sông Truồi tại Cầu Truồi lần lượt là 2,5 m - 2,83 m, dao động ở mức báo động 3. Mực nước trên các sông sau khi đạt đỉnh vào tối 5-11, hiện đang xuống chậm và dao động ở mức cao do triều cường ở phía hạ du (cao từ 0,5-0,7m).

Tại TP Huế, hơn 80% tuyến đường đã bị ngập với chiều sâu trung bình từ 0,2-0,4m. Tại huyện Phong Điền, tỉnh lộ 17 đi Phong Mỹ bị ngập nhiều đoạn với chiều dài hơn 1,5 km, độ sâu ngập trung bình từ 0,8 - 1,5m; tuyến Quốc lộ 49 đoạn qua xã Phong Bình ngập sâu từ 0,3-0,5m với chiều dài 300-500m.

Tại huyện Phú Vang, nhiều tuyến giao thông nông thôn bị ngập sâu từ 0,5 - 0,8m, gây cản trở giao thông. Các tuyến tỉnh lộ 10A, tỉnh lộ 10C, tỉnh lộ 2, Quốc lộ 49A, tuyến đường nối tỉnh lộ 2 đến cầu Thảo Long ngập sâu trung bình 0,5 - 0,7m với tổng chiều dài hơn 10 km.

Tại huyện Phú Lộc, tuyến Quốc lộ 1A đoạn qua xã Lộc Trì bị ngập sâu từ 0,6-0,7m, kéo dài từ Cầu Hai đến trước cửa UBND xã Lộc Trì, gây ách tắc giao thông nhiều giờ. Hiện tại, tuyến đường này còn ngập sâu 0,3m, kéo dài 300m, các đơn vị đã phân luồng, cho xe lưu thông qua đoạn đường này. Thị xã Hương Trà có hơn 20 km đường giao thông bị ngập với độ sâu ngập trung bình từ 0,3-0,7m , có nơi ngập sâu trên 1m. Tại huyện Nam Đông, mưa lớn đã làm cho đèo La Hy thuộc xã Hương Phú bị sạt lở nhiều đoạn...

Ông Nguyễn Văn Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc cho biết, đoạn bờ biển qua thôn 4, xã Vinh Hải (huyện Phú Lộc) sóng đã đánh trôi với chiều dài khoảng 200m, nguy cơ mở cửa biển mới. Trước mắt, lực lượng Bộ đội Biên phòng cùng lực lượng địa phương đang tập trung rọ đá, bao cát để hàn khẩu.

Công an tỉnh Thừa Thiên- Huế yêu cầu các đơn vị triển khai kế hoạch ứng phó với thiên tai; phối hợp với các địa phương, đơn vị tổ chức lực lượng kiểm soát giao thông tại khu vực đường bị ngập, các ngầm, đò ngang, đò dọc để hướng dẫn người, phương tiện và phân luồng giao thông đảm bảo an toàn. Lực lượng chức năng nghiêm cấm người và phương tiện giao thông đi qua các khu vực nguy hiểm; tổ chức đảm bảo an toàn giao thông đường bộ qua Quốc lộ 1, Quốc lộ 49, đường sắt Bắc Nam, đường hàng không...

Nhiều ngôi nhà ở Hòa Vang ngập nặng

Hơn 4.000 nhà dân ở huyện Hòa Vang, Đà Nẵng ngập do mưa lũ

Tại huyện Hòa Vang, Đà Nẵng, đến snag1 6-11, mưa lũ đã khiến hơn 4.000 nhà dân, 45 ha rau, hơn 5ha thủy sản bị ngập. Tuyến đường DT 601 tại thôn Quan Nam 3, xã Hòa Liên và tuyến đường liên thôn 1 xã Hòa Ninh bị sạt lở. Sáng 6-11, UBND huyện đã huy động lực lượng di dời dân ở những nhà ngập sâu lên nhà cao hơn trú ẩn an toàn hoặc đến các trường học, trụ sở cơ quan.

Mưa lũ đã gây ngập hơn 10 ha rau màu tại quận Cẩm Lệ; nhà của khoảng 46 hộ dân, với gần 270 nhân khẩu thuộc khu vực 5,6,7, phường Hòa Thọ Tây có nguy cơ bị ngập khi nước sông Cẩm Lệ đang dâng cao. Dự kiến, chính quyền địa phương sẽ di dời các hộ dân này lên nhà sinh hoạt cộng đồng tổ 1 và UBND phường.

Sở Giáo dục và Đào tạo TP Đà Nẵng đã có văn bản cho phép học sinh các trường học trên địa bàn huyện Hòa Vang; học sinh các trường Mầm non Sao Mai, Trường Tiểu học Ông Ích Đường, Trường Tiểu học Trần Nhân Tông và Trường Trung học Cơ sở Đặng Thai Mai nằm trên địa bàn quận Cẩm Lệ nghỉ học ngày 6-11. Trường hợp mưa lũ diễn biến phức tạp, các trường học sẽ quyết định tiếp tục cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Đà Nẵng yêu cầu UBND huyện Hòa Vang cấm nhân dân và các ghe thuyền không có nhiệm vụ phòng chống lụt, bão đi lại trong những vùng trũng thấp, ngập lụt; kiên quyết không cho người, phương tiện qua ngầm, cầu tràn. Bên cạnh đó, tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát tại các khu vực ngập sâu, ngầm, cầu tràn qua suối, nhất là khi có nước chảy xiết; sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện, trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn.

Ít nhất 12 người thương vong do mưa lũ tại Quảng Ngãi

Tính đến sáng 6-11, tại Quảng Ngãi, mưa lũ trong những ngày qua đã làm 5 người chết và một người mất tích, 7 người bị thương. Toàn tỉnh đã có gần 30.000 ngôi nhà bị ngập nước, hư hỏng. Hầu hết các điểm trường Mầm non, Tiểu học, Trung học Cơ sở tại các huyện: Nghĩa Hành, Mộ Đức, Tư Nghĩa, Đức Phổ đều bị ngập, đất cát bồi lấp sân trường. Một số trường học bị sập tường rào, phòng nghiệp vụ, phòng học bị hư hại nặng. Bên cạnh đó, mưa lũ làm nhiều trạm y tế, cơ sở y tế ở các địa phương bị hư hỏng, ngập úng.

Mưa lũ còn làm hàng trăm ha rau màu, cây rừng bị hư hỏng, ngập úng; 437.000 chậu hoa bị hư hỏng, hàng trăm con trâu, bò và gia cầm bị chết. Đặc biệt, mưa lũ làm đê sông Trà Câu, đoạn qua xã Phổ Minh, Phổ Ninh và Phổ Văn (huyện Đức Phổ) bị sạt lở, gây ngập lụt.

Một số hệ thống mương, cống thoát nước, kè chắn và hệ thống kênh nội đồng bị hư hỏng nặng. Hệ thống đường giao thông của các huyện Ba Tơ, Sơn Tây, Trà Bồng, Tây Trà, Minh Long… bị sạt lở, hư hỏng nặng gây ách tắc cục bộ… Tổng ước tính thiệt hại ban đầu là trên 300 tỷ đồng.

Hiện nay, tại Quảng Ngãi, mực nước lũ trên các sông vẫn ở mức cao, nhiều khu vực vẫn ngập lụt. Trước tình hình đó, tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị các cấp quan tâm hỗ trợ khẩn cấp cho Quảng Ngãi 1.500 tấn gạo để cứu trợ nhân dân vùng bị ngập lũ; hỗ trợ 300 tấn giống lúa (khoảng 6 tỷ đồng); hỗ trợ 3.000 kg bột CloraminB, 10.000 viên CloraminB, 100 lít Permethrin 50EC, 10.000 kg ClominB, 50.000 viên Aquatabs, 50 bộ dụng cụ y tế sơ cấp cứu cho tuyến xã để tổ chức tiêu độc, khử trùng, xử lý ô nhiễm môi trường, sơ cấp cứu cho nhân dân, phòng chống dịch bệnh cho người… ở các vùng bị ngập lụt.

Bình luận (0)

Lên đầu trang