Kẻ mất nhà, người mất chồng và còn nhiều hơn thế những bi kịch “từ trên trời rơi xuống” đang chực chờ người dân sau cơn bão dữ.
Cuốn sạch, mất sạch
Trời chạng vạng tối, cũng là lúc chúng tôi vừa kịp đặt chân xuống thị trấn Diên Khánh (tỉnh Khánh Hoà) sau hành trình đi ngược về tâm bão số 12 (hay còn gọi là bão “Con Voi”). Chỉ cách đó mới nửa ngày, vùng đất này vừa trải qua những trận cuồng phong dữ dội khi nó nằm ngay trong tâm bão. Khung cảnh ở đây im ắng đến lạ thường.
Chợ Thành, địa danh mà trước đó được xem là khu vực sầm uất nhất ở đây, giờ vắng hẳn bóng người. Các sạp hàng bị bao phủ bởi rác và cây gỗ siêu vẹo đổ ngã vì cơn bão. Tấm bảng hiệu rách nát, lắc lư nghe “cót két” từng hồi.
Khung cảnh tiêu điều, đổ nát, tan hoang… như một bãi chiến trường theo đúng nghĩa đen, đó là tất cả những gì mà chúng tôi cảm nhận được ở nơi đây. Thị trấn buồn hiu hắt. Bão đã đến và đến rất tàn khốc!
Trong ký ức của các cụ già nơi đây, trận bão kinh hoàng nhất đối với họ đã qua hơn 70 năm. Hồi đó, cả một vùng quê tan tát, đau thương. Riết rồi người ta quen với những trận bão. Và họ cam chịu, tiếp tục lao động cật lực để bám đất vươn lên.
Vậy mà có ngờ đâu, 70 năm sau, một cơn bão khác mạnh hơn, tàn khốc hơn lại xuất hiện và nó không nằm trong những gì mà người ta có thể dự liệu. Bão “Con Voi” đã đến và giày xéo vùng duyên hải Nam Trung Bộ. Ở vùng tâm bão từ Phú Yên đến Khánh Hoà, “Con Voi” đã càn qua và giày xéo nơi đây, khiến vùng đất này lại thêm một lần nữa bị cuốn sạch, mất sạch!
Nhà ông giáo Hậu ở xã Diên Toàn vừa xây mới năm ngoái. 2 vợ chồng ông giáo đi dạy mấy chục năm không dám tiêu hao mới tích cóp được một ít vốn dựng nên căn nhà. Thế mà chỉ trong vài giờ, trận cuồn phong đã lấy đi một phần mái, nước mưa xối thẳng xuống nền ngập lênh láng. Vậy nhưng ở cả làng Phước Trạch, nhà ông giáo vẫn còn “đỡ”. Không ai là không bị tốc mái, nhẹ thì sửa được, nặng thì xem như mất sạch.
Anh Nguyễn Văn Sở (47 tuổi, ngụ xã Diên Điền) nhà quá nhỏ nên khi bão dữ đến, anh tính đường đưa mẹ già và 2 con nhỏ chạy sang hàng xóm để tránh, nhưng chạy được 2 bước thì cuồng phong ập đến. Biết đi đâu? Không còn đường nào khác, anh đành đưa cả gia đình chui xuống bàn thờ ông bà núp tạm, chỉ biết run rẩy khấn vái tổ tiên che đỡ qua cơn bão dữ. Rồi, trong tích tắc, cơn bão càn qua, nhà anh trống hươ trống hoắc vì mái nhà bằng tôn đã bị gió cuốn phăng.
Mới chiều qua, chúng tôi lại thấy mấy cha con anh Sở băng nước lũ, tìm lượm lại mấy tấm tôn bị bão cuốn ra cánh đồng trước nhà để về lợp lại mái. “Tiền đâu mà mua tôn mới” – anh Sở nói mà mặt buồn thiu.
Không thể tàn khốc hơn!
Dù bão “Con Voi” đã đi qua nhưng dư âm của nó có lẽ nó vẫn là nỗi ám ảnh của những ai phải hứng chịu hậu quả. Ít nhất 20 người chết, 17 người mất tích cùng hơn 500 căn nhà đổ sụp, hơn 20.000 căn khác bị tốc mái, hư hỏng. Còn riêng ở huyện Diên Khánh (Khánh Hòa), đã có 3 người chết cùng hàng trăm người bị thương. Trong đó, rất nhiều người trong tình trạng nguy kịch đang được cấp cứu.
Những con số đó cho thấy đủ mức độ tàn khốc mà cơn bão này mang lại. Vào sâu trong những xóm nghèo, cảnh tượng lại càng xót xa. Những ngôi vốn đã nhỏ bé, cũ kỹ, nay phải chịu cảnh tốc mái, trơ trọi, nằm nối tiếp nhau.
Còn nhớ như in khoảng khắc cơn bão kéo đến, anh Ngô Văn Binh (ngụ tại cảng Hòn Rớ, xã Phước Đồng, TP.Nha Trang) kể: “Lúc đó khoảng 6 giờ, tôi cảm nhận được cơn bão đã đến thât sự. Ngồi trú trong nhà văn hoá thôn cùng hơn 300 người khác, tôi và vợ bất lực nhìn căn nhà mà bao năm mình dành dụm đổ sập. Nước mắt cứ trào ra!”. Không chỉ mỗi anh Binh mà dường như cả ngôi làng chài ven biển đều chịu chung thiệt hại.
Nhà mất đã đành, hàng trăm hộ dân ở Đầm Môn (Khánh Hoà) còn mất trắng tài sản khi những đồng vốn đầu tư vào lồng nuôi tôm hùm đã bị cuốn trôi. Anh Nguyễn Văn Bé là chủ của 80 ô bè nuôi tôm hùm với trị giá hơn 2 tỷ đồng và là anh cả trong một gia đình đồng con. Bè tôm là kế sinh nhai suy nhất của gia đình anh Bé thế nhưng chỉ trong tích tắc, tất cả đã không còn nữa. Chẳng biết phải làm gì, anh chỉ còn biết than “trời” một cách bất lực.
Người dân ở hai tỉnh đành chấp nhận tất cả mọi đau thương một cách bất lực khi đối diện với tương lai đầy mịt mờ phía trước sau cơn bão không thể tàn khốc hơn.
Tình người ở lại sau bão dữ
Sáng 5-11, chạy trên con đường 23-10 dẫn vào TP.Nha Trang, chúng tôi tiếp tục bị choáng ngợp trước sức phá hoại mà con bão này mang đến. Gần như tất cả những hàng cây xanh hàng chục năm tuổi mọc trên tuyến đường này đều bị gãy đổ. Cảnh tượng đổ nát bao trùm lấy cả nội đô của thành phố du lịch vốn tươm tấp, xinh đẹp. Cũng trong buổi sáng, công việc thường nhật của người dân thành phố này đều được họ gác lại để dọn dẹp tàn dư của trận bão. Đi đâu, cũng gặp những ánh mắt buồn xa xăm. Nhưng rồi, họ lại chẳng ai bảo ai, cùng nắm tay nhau vượt qua cơn ngặt nghèo.
Còn nhớ trước đó chỉ một ngày, trên chuyến xe ngược về vùng rốn bão, chúng tôi cũng đã chứng kiến những con người chưa từng một lần chạm mặt, lại bỗng trở nên thân quen hơn bao giờ hết. Những cuốc điện thoại liên tục cho chồng để hỏi về lồng nuôi tôm có nguy cơ bị phá huỷ khi bão đang đi qua của chị Nghị (ngụ tại TP.Cam Ranh), đã thu hút khá nhiều hành khách. Mỗi người một câu, họ thay phiên lan toả sự đùm bọc để làm động lực cho người đàn bà tội nghiệp thêm vững tâm. Và rồi bão đến, mọi thứ tan tành, nước mắt chị Nghị rơi, cả chuyến xe ai cũng cảm thấy nặng lòng. Cho đến chiều, người đàn bà tội nghiệp ấy thút thít gọi báo cho chúng tôi rằng “đã mất sạch rồi em ơi, nếu có việc gì làm ở Sài Gòn thì cho vợ chồng chị vào làm để nuôi đứa con vào đại học”.
Tình người không dừng lại trên chuyến xe nghĩa tình đó mà còn ở ngay hiện trường sau cơn bão. Ở thời điểm bão đang đến, phải rất khó khăn, chúng tôi mới liên lạc được với cơ quan chức năng ở 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hoà để nắm bắt thông tin. Người đầu tiên là đại tá Nguyễn Khắc Cường, Giám đốc Công an tỉnh Khánh Hoà. Bắt máy trong tiếng gió rít, mưa rơi tầm tã, ông cho biết 100% lực lượng đang túc trực và liên hồi nói đến những phương án để lo cho dân rồi vội vàng xin cúp máy.
30 phút bão đi qua, ông Võ Ngọc Kha (Chủ tịch UBND TP Tuy Hoà, Phú Yên) nghe máy phóng viên Báo CATP. Sau thông tin về thiệt hại, ông Kha cũng nói gọn trơn: “Anh đang ở hiện trường, cả đêm qua tới giờ lãnh đạo thành phố ai cũng thức trắng rồi. Giờ anh phải đi tiếp!”.
Buổi chiều hôm nay (6-11), chúng tôi lại cùng Công an tỉnh Khánh Hoà và Công an huyện Diên Khánh đến các nhà nạn nhân bị tử vong do cơn bão số 12 gây ra để trao tiền hỗ trợ, thăm hỏi, động viên. Đám tang đầy nước mắt được tổ chức trong vùng ngập nước và đoàn công tác phải lội bộ đi vào hơn cây số. Khi chúng tôi đến nơi, cũng là lúc đoàn người đưa tang tiễn người xấu số vừa cất quan. Sự sẻ chia giữa đoàn công tác và thân nhân người xấu số đã diễn ra giữa biển nước mênh mông. Chỉ nhìn những hình ảnh đó, chúng tôi đã thấy được rất nhiều điều. Nhưng khi hỏi một chiến sỹ về lịch trình công tác ngày hôm nay, rồi được biết hơn 2 ngày ròng rã, anh đã phải túc trực cùng đồng đội để đối phó với cơn bão dữ, chúng tôi càng thấy được nhiều điều hơn.
Chạy bão, mới thấy được hết những tàn khốc của thiên nhiên, thấy được những phận đời nhỏ bé trước sự giận dữ của ông trời, những sẻ chia, đùm bọc của con người trong nghịch cảnh và mới thấy được hết giá trị của tình quân – dân.