Mùa xuân ở Chăm-Pa-Sắc

Thứ Hai, 23/01/2023 17:30  | Gia Minh

|

(CATP) Nước CHND Lào và nước Việt Nam có chung đường biên giới dài hơn 2.340km trải dài từ Điện Biên đến Kon Tum với 20 cửa khẩu quốc tế. Dọc biên giới hai nước là phong cảnh rừng núi hoang sơ, hùng vĩ với nhiều khu bảo tồn thiên nhiên, rừng quốc gia, hang động, thác, suối... là tiềm năng để phát triển loại hình du lịch caravan bằng ôtô, overland bằng đường bộ. Năm 2022 cũng kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 45 năm ngày ký hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Lào.

THÀNH PHỐ BÊN SÔNG

“Sa-bai-di”, đó là câu chào bằng tiếng Lào đầu tiên tôi nghe từ cô tiếp viên duyên dáng của hãng Lào Airline cúi chào kèm theo động tác chắp hai tay trước ngực khi chúng tôi bước chân ra cửa máy bay để xuống sân bay Pắc-xế (Paske), tỉnh Chăm-pa-sắc (Champasak), Lào. Từ đây, 3 từ này sẽ theo chân chúng tôi ở bất cứ nơi nào trên đất nước Triệu Voi.

Chúng tôi qua Lào vào đúng dịp lễ hội cuối năm. Đồng hành cùng chúng tôi là 2 cô gái có tên ấn tượng: Kẹo và Money. Theo giải thích của Kẹo thì lễ hội ở Lào gọi là Bun (Bun nghĩa là phước, làm Bun nghĩa là làm phước để được phước) và cũng như các nước trong khu vực, lễ hội ở Lào luôn có hai phần, phần lễ với nghi thức cúng tế và phần hội là vui chơi... có điều ở Lào thì lễ hội diễn ra quanh năm suốt tháng như: lễ hội Phật hóa thân (Bun Pha vẹt), lễ hội Phật đản (Bun Visakhapuya), lễ hội bắn pháo cầu mưa (Bun Bang phay), lễ hội tưởng nhớ người đã khuất (Bun Khao Padapdin), lễ hội đua thuyền (Bun Suanghua)…

Lễ hội đua thuyền trên sông Mê Kông

Cũng cần nói qua về tỉnh Chăm-pa-sắc, có diện tích hơn 5 ngàn km2 (tương đương diện tích tỉnh Gia Lai của Việt Nam). Dân số ở tỉnh này khoảng 700 ngàn người, chiếm 1/10 tổng dân số nước Lào! Tại Chămpa- sắc có trên 20 ngôi chùa lớn nhỏ, trong đó nổi tiếng và thu hút nhiều khách du lịch nhất phải kể đến chùa Wat Phou. Đây là quần thể đền thờ có niên đại lâu đời nhất tại Lào được Unesco công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào năm 2001.

Vào rằm tháng 3 âm lịch, tại đây diễn ra lễ hội Phật giáo lớn nhất nước Lào, thu hút không chỉ người dân trong nước mà còn cả phật tử từ vùng đông bắc Thái Lan đến đây hành hương. Pắc-xế là thủ phủ của tỉnh Chăm-pa-sắc với số dân khoảng 90 ngàn người, được bao bọc bởi 2 con sông Xê-don (Xedone) và sông Mê Kông (Mekong), là cửa ngõ lên cao nguyên Bô-la-ven (Bolovens) nổi tiếng về cà phê. Thành phố Pắc-xế còn gọi là “thành phố cửa sông” vì trong tiếng Lào, Pắc-xế có nghĩa là “cửa sông”. Do từng là thuộc địa của Pháp được xây dựng từ năm 1905 nên ở Pắc-xế vẫn còn mang đậm kiến trúc kiểu Pháp in bóng xuống dòng sông Mê Kông chảy qua trung tâm thành phố thật thơ mộng.

TẾT LÀO… HẸN GẶP LẠI!

Khách sạn Soubandith nằm ở đường 38, quận Phoukhoung, nơi chúng tôi tạm trú ở kế chợ Đào Hương (Dao Haeung, còn gọi là chợ Mới), do bà Lê Thị Lượng, một doanh nhân người Việt xây dựng vào năm 1999, trên diện tích 10 ngàn m2, với số vốn đầu tư ban đầu là 5 triệu đô la, phục vụ cho nhu cầu buôn bán của người dân nơi đây. Chợ có 700 gian hàng mà hầu hết là tiểu thương người Việt Nam và người Lào gốc Việt, bán đủ các loại từ quần áo, vải vóc, vàng bạc, xe máy, đến trà, cà phê, cá khô, mực khô… có cả bánh kẹo, trái cây nhập từ Thái Lan về và trầu cau, mắm từ Việt Nam chuyển tới. Đến chợ, điều thú vị là du khách có thể mua hàng bằng tiền Việt Nam hoặc tiền đô, EURO, tiền Thái…

Khi tham quan các ngôi chợ ở Pắc-xế, chúng tôi thấy một mặt hàng được bày bán rất nhiều trong các cửa hàng xung quanh chợ, đó là Sinh - một loại váy truyền thống ở Lào (giống như áo dài truyền thống của Việt Nam, chất liệu làm váy là vải dệt bằng chỉ hoặc cao cấp hơn là bằng tơ tằm). Loại váy này được những người phụ Lào mặc phổ biến và trở thành một trang phục không thể thiếu trong những dịp trọng đại như lễ Tết, cưới hỏi... Và khi nói đến trang phục truyền thống phụ nữ Lào thì không thể không nói đến múa Lào. Một cán bộ Hội liên hiệp phụ nữ Chăm-pa-sắc nói với chúng tôi: Sau hội hè, ăn uống thì đó chính là múa hát!

Đi đâu cũng thấy chùa chiền và nhà sư hiện diện

Để vui Tết, người Lào nấu nhiều món ăn ngon, trong đó có món Lạp (còn gọi là gỏi Lào) là không thể thiếu. Cô phiên dịch Money giải thích: Nếu Trung Quốc có món sủi cảo, Hàn quốc có kim chi thì nước Lào có món Lạp. Lạp được làm từ thịt nạc băm nhỏ (có thể từ gà, bò, heo, vịt) trộn với gia vị chanh, ớt, hạt tiêu xay và rau thơm, ăn kèm với xôi nếp dẻo, được xem là quốc thực của Lào và được làm rất tỉ mỉ, vì theo ngôn ngữ Lào, lạp có nghĩa là lộc! Nếu món này làm không ngon thì không được lộc nhiều, vì vậy trong năm mới người ta có thể tặng nhau bằng món Lạp, gia đình nào nhận nhiều lạp thì sẽ có nhiều lộc trong năm.

Ngồi trên sân thượng của khách sạn Le Panaroma trên đường số 13 do Pháp xây dựng từ năm 1961, chúng tôi dõi mắt nhìn bao quát khắp trung tâm thành phố Pắc-xế, tượng Phật dát vàng nằm trên sân chùa Wat Phusalao - một ngôi chùa đẹp dựng trên núi nhìn từ đây chỉ còn là một chấm vàng lung linh và chiếc cầu Hữu Nghị bắc qua sông Mê Kông trở thành một dải ruy băng trăm ngọn đèn vàng in trên mặt nước. Gió thổi rất mạnh nhưng không ai thấy lạnh! Chúng tôi ngồi quây quần bên nhau, cùng chúc nhau những lời tốt đẹp, chúc cho mùa Xuân đang về trên nước Việt Nam và Lào; cho cái Tết ấm no hạnh phúc ngày mai và cho tình bạn, tình hữu nghị Việt - Lào mãi bền vững. Xin “phốp-cằn-may” (hẹn gặp lại) vào mùa Xuân tới!

Bình luận (0)

Lên đầu trang