1. Nói đến Nam Bộ là nói đến vùng đất sông nước, ruộng đồng. Sông rạch chằng chịt gắn bó bao đời với sinh hoạt của con người. Hoàn cảnh thiên nhiên, môi trường sống đã tác động đến tính cách, tâm lý con người và tính cách, tâm lý đó ảnh hưởng đến cách dùng ngôn từ đặc trưng của vùng, miền.
Số từ ngữ chỉ những sự vật, hiện tượng về sông nước rất phong phú, bao gồm những từ chung trong tiếng Việt phổ thông (TVPT) và những từ riêng của phương ngữ Nam Bộ (PNNB).
Trước hết là nhóm từ chỉ địa hình. Đây là một nhóm từ phong phú, phản ánh cách định danh một mẫu hiện thực của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Để chỉ tên gọi các dòng nước, ngoài những tên gọi chung như sông, lạch, kinh, mương, ao, bàu, đầm, đìa... PNNB còn có thêm rạch, xẻo (có nơi còn gọi là cựa gà hay xép), khém, búng, bùng binh, vàm, lung, láng...
Vàm (do từ Khmer piam) là “cửa sông” hay “cửa rạch”; bùng binh là khúc sông rộng mà tròn, nối liền các nhánh sông; khém (đường nước hẹp); búng là một đoạn sông hay kênh phình ra và sâu (dẫn theo Từ điển từ ngữ Nam Bộ của Huỳnh Công Tín).
Với nhóm từ chỉ tên gọi các vùng đất có sông nước bao quanh, nếu là những đám đất (do phù sa sông bồi đắp) nổi lên giữa sông hay dọc theo sông, tùy theo diện tích lớn-nhỏ mà có cù lao (do từ Mã Lai pulaw) hay cồn.
Liếp, một từ địa phương đặc biệt, chỉ vồng đất hơi cao để trồng rẫy: liếp rau, liếp đậu, liếp cà...
Nếu là những khoảng đất dài, thấp, ta có các từ bãi, bưng, biền, trấp... Bưng (do từ Khmer bâng) là cánh đồng trũng, ngập nước, còn biền là đất ven sông rạch ở những vùng đất thấp ngập nước quanh năm.
2. Nhóm từ chỉ sự vận động của dòng nước. Đây là nhóm từ hết sức phong phú và độc đáo, mô tả tinh tế các trạng thái của con nước, dựa vào tiến trình vận động lên xuống có chu kỳ theo thủy triều của các dòng nước.
Để chỉ nước lên mỗi ngày, người dân địa phương nói là nước lớn. Nhưng một từ đặc biệt hơn là rong (hay rông) chỉ con nước lên cao vượt mức thường. Mỗi tháng hai lần, trước sau ngày rằm và ngày sóc (14, 15 và 30, mồng một âm lịch) con nước lên cao tối đa. Nhưng con nước rông ba mươi thường lớn hơn con nước rông ngày rằm. Vì vậy, người dân Nam Bộ có cách nói nước lớn 30 để chỉ sự phát triển vượt bậc.
“Nước rông nước chảy tràn đồng,
Tơ duyên sẵn đó chỉ hồng chưa xe" (cd)
Ngược lại, để chỉ nước xuống mỗi ngày, người dân địa phương nói là nước ròng. Lúc nước bắt đầu rút xuống thì gọi là nước giựt. Nếu nước thật ròng thì gọi là ròng sát, ròng cạn, ròng rặc hay ròng kiệt.
Trong một tháng có mấy hôm nước ròng xuống thấp quá mực thường gọi là nước kém. Con nước kém thường xảy ra vào những ngày 9-10 hoặc 24-25 âm lịch hằng tháng. Như thế kém là từ trái nghĩa với rong (rông) ở nhóm trên.
Nói về con nước ở thời điểm đứng yên, người dân địa phương dùng 3 từ để chỉ 3 trạng thái gần giống nhau: nước nhửng (nước đã bớt vận động), nước ương (nước lềnh bềnh, không dâng không rút, không chảy vào cũng không chảy ra) và nước đứng là thời điểm tiếp giáp giữa con nước dâng (nước lớn) và con nước rút (nước ròng).
“Nước không chân sao kêu nước đứng,
Con cá không trèo, sao gọi cá leo?” (cd)
Ngoài những trạng thái chỉ các trạng thái lên, xuống hay đứng yên của con nước theo thủy triều, ở Nam Bộ còn có các từ thông dụng như nước rọt (nước rút từ từ), nước nhảy (nước dâng lên nhanh bất ngờ), “Rằm tháng bảy nước nhảy lên bờ”, nước vận (nước xoáy ở những chỗ ngã ba, ngã tư sông rạch thành nơi nguy hiểm), nước xiết (nước sông rạch chảy rất mạnh đối với ghe thuyền đi ngược dòng)...
Nước nổi là nước dâng lên ngập đồng ruộng trong nhiều ngày. Mùa nước nổi không gọi là mùa nước lũ vì nước lên hiền hòa (theo Nguyễn Quang Sáng).
Theo Wikipedia, mùa nước nổi còn gọi là mùa lũ, là hiện tượng tự nhiên ở Đồng bằng sông Cửu Long, thường bắt đầu từ tháng 7 đến tháng 10 âm lịch. Hiện tượng này không bị coi là thiên tai có hại vì cư dân được dịp khai thác nguồn lợi thủy sản dồi dào, còn đất đai được cung cấp nhiều phù sa màu mỡ. Đây là trạng thái lũ đặc trưng của vùng hạ lưu sông Mekong bao gồm vùng ĐBSCL của Việt Nam, Biển Hồ và Tonle Sap của Campuchia.
Vào mùa nước đổ, con cá từ Biển Hồ Campuchia đổ về các tỉnh đầu nguồn ở ĐBSCL, người dân các tỉnh này trong lúc nông nhàn có được nguồn lợi thu hoạch từ các loại thủy sản như cá linh.
“Con mèo không rách sao kêu mèo vá,
Con cá không thờ sao gọi cá linh" (cd)
Thực ra có thuyết cho rằng do tích vua Gia Long khi bôn tẩu ở vùng đầu nguồn sông Hậu, cá linh bay phóng vào thuyền, vua cho là điềm gở “chim sa cá nhảy” nên không đi theo hướng ấy và đã thoát nạn. Ông mới đặt tên cho loài cá này là “cá linh”.
3. Trong lễ hội cúng Trăng (Óoc om bóc) của người Khmer, đua ghe Ngo là hình thức tổ chức phản ánh được mối quan hệ giữa con người với tự nhiên, với môi trường sống, đến tín ngưỡng nông nghiệp. Tinh thần của lễ hội là cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, cuộc sống no đủ... Ghe Ngo “là hiện thân của rắn thần Naga, linh hiển lắm. Hồi đức Thích Ca ngồi thiền bên hồ giữa rừng, rắn Naga là thần ác. Hôm ấy mưa to gió lớn, đức Thích Ca cảm hóa được rắn. Rắn bèn quấn tròn chung quanh và ngẩng đầu lên cao để che mưa che gió cho đức Thích Ca. Từ đó về sau, người Miên khoét thân cây sao, theo hình rắn, hằng năm bơi đua trên sông để mừng mùa nước nổi” (Sơn Nam, Hương rừng Cà Mau, t.202). Theo Wikipedia, hội đua ghe Ngo được tổ chức ở Sóc Trăng (nhằm ngày 15 tháng 10 âm lịch), có sự tham gia nhiệt tình của nhiều đôi đua ghe đến từ các tỉnh ĐBSCL.
Hội đua ghe Ngo trong lễ hội Óoc om bóc của người Khmer ở Sóc Trăng không những góp phần giáo dục con người về tính tập thể, tính kỷ luật, ý chí vươn lên giành chiến thắng, rèn luyện thể chất, sức chịu đựng của con người mà còn thể hiện được tính cộng đồng, tinh thần đoàn kết của người Khmer với người Kinh và người Hoa. Với giá trị tiêu biểu đó, hội đua ghe Ngo được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Chợ nổi là nét văn hóa đặc thù của vùng sông nước ĐBSCL. Ở Việt Nam có các chợ nổi Cái Bè (Tiền Giang), Cái Răng (Cần Thơ), Ngã Năm, Ngã Bảy, Phụng Hiệp (Hậu Giang), Châu Đốc, Long Xuyên (An Giang), Bạc Liêu, Cà Mau...
Theo Wikipedia, chợ nổi là loại hình chợ xuất hiện tại những vùng sông nước, nơi các khúc sông rộng có thể tập trung hàng trăm ghe thuyền. Chợ nổi cũng có ở Thái Lan, Campuchia nhưng với đặc điểm khác nhau. Chợ nổi ở Việt Nam là nơi mua bán thật sự của người dân địa phương, là nơi các ghe thương hồ từ nhiều tỉnh ở đồng bằng đến để trao đổi, mua bán sản vật, nông sản (phổ biến là các loại trái cây). Trên mỗi ghe thường có cây sào (gọi là cây bẹo) treo các loại sản phẩm cần bán. Và sau đó các ghe thương hồ này lại theo sông rạch len lỏi khắp nơi ở đồng bằng bán cho cư dân sống ở ven sông.
Vào thập niên 70, 80 của thế kỷ trước, các chợ nổi ở ĐBSCL còn là nơi mua bán nhộn nhịp, nhưng khi các trung tâm thương mại ngày càng phổ biến ở các thành phố, thị trấn... thì các chợ nổi thưa vắng dần, các ghe thương hồ giảm rất nhiều so với trước đây.
Hiện nay chợ nổi Cái Răng chỉ còn rất ít ghe thuyền bán nông sản, chủ yếu là trái cây cho khách du lịch. Nhiều người từ các tỉnh thành khác đến muốn tìm hiểu loại hình chợ nổi đặc trưng này nhưng thất vọng với trải nghiệm đơn điệu buồn tẻ, trái hẳn với khung cảnh ngày xưa mua bán nhộn nhịp, sôi động cả một khúc sông. Điều mọi người mong muốn là chợ nổi được bảo tồn và phát triển để mãi là nét văn hóa đặc trưng của vùng sông nước ĐBSCL
“Ghe chiếu Cà Mau đã cắm sào trên dòng kinh Ngã Bảy, sao cô gái năm xưa chẳng thấy ra chào?” (Vọng cổ Tình anh bán chiếu).