(CATP) Trong các con vật gần gũi với người, mèo là loại rắc rối nhất. Cái dáng ẻo lả, đi từng bước như thăm dò, gian ý, tiếng kêu có đuôi kéo dài như kết bài của điệu kèn Trumbet, ăn thì chậm rãi nhơi nhơi, sợ nước ít chịu tắm, lâu lâu đến cạ người nầy người kia, mơn trớn, thỏ thẻ như... gạ tình! Thịt mèo ít ai ăn, chẳng ngon lành gì.
Có cha cán bộ tin dị đoan, hết ăn mèo trắng đến đòi mèo đen, ăn đến con thứ 99 thì bị tổ chức cho về nhà nghỉ khỏe. Mèo có nhiều điềm xấu, dân gian nói xui, nên gán cho cái câu “Mèo mả gà đồng” và hay dùng tên nó để nói những cuộc tình vụng trộm, lén lút, như: “Con mèo của ông nhiêu tuổi”, “Con mèo xấu hay đẹp”...
Hồi xưa, ở cạnh nhà tôi có đôi vợ chồng cũng đứng tuổi, ông làm thầu xây dựng, bà ở nhà lo chuyện bếp núc. Êm ấm được vài năm, sau này họ hay cãi vã, có lúc đập phá đồ đạc, tình hình ngày càng xấu đi. Tối đó, nghe tiếng cây nện rồi tiếng ổng la “chết, chết”! Sợ bà vợ bị hành hung nguy cho tính mạng, tôi vội chạy qua can thiệp thì thấy... ổng nằm sấp trên nền gạch, bà vợ dùng chân đạp trên lưng, cầm cây gác dân phòng nện xuống đất răn đe. Bả nện một cái, ổng la hai tiếng... cứ thế ầm ĩ cả xóm. Té ra, người bị đo ván là kẻ mạnh?!
Một hôm, mới sáng tinh mơ, chị Năm (tên người vợ) bước qua nhà tôi than nhà cửa bẩn thỉu, có những chỗ cặn đóng cứng chùi không ra, nhờ tôi mua dùm một lít a-xít về tẩy uế. Trong đầu tôi bỗng hiện lên trận động đất ở vành đai Thái Bình Dương thuở nào và cười vui vẻ: “Được chị Năm, một lát em ra chợ Kim Biên mua cho...”.
Chiều, tôi mang về cái hũ nhựa có nước màu trắng đục đưa cho chị Năm, căn dặn: “Cái thứ này độc, chị xài cẩn thận, ít mở nắp kẻo nó bay hơi...”. Chị Năm cảm ơn, đòi trả lại tiền, tôi không nhận. Ba ngày sau, lúc tôi đang nghỉ trưa, chị Năm hớt hải chạy vào nhà, khóc tỉ tê: “Chết rồi chú ơi... Tôi vừa gây tội ác tày trời. Nó tàn phế, tôi sẽ ở tù mục xương, hu hu... Phải chi tôi biết kiềm chế thì đâu ra nông nỗi...”.
Tôi dỗ dành, bảo chị Năm bình tĩnh kể lại sự việc. Thấy dùng mọi biện pháp mà anh Năm vẫn không bỏ được “con mèo”, chị quyết tâm phải trừng trị đối thủ để giành lại tình yêu. Sau nhiều ngày bỏ công theo dõi, thấy “đôi mèo” kia thường hẹn hò ở quán cà phê bờ sông, ngồi tỉ tê trước dòng nước xanh mơ mộng, có lúc chị muốn xông đến đạp cả hai xuống nước, nhưng nhớ chồng mình từng là vận động viên bơi lội, chẳng ăn thua gì, nên thôi.
Quyết đánh cú cuối cùng, chị nhờ tôi đi mua a-xít... Tôi hỏi: “Chị tạt lên người cả hai hả?”, chị Năm lau mắt: “Đâu có, mình giữ chồng để ảnh còn về nuôi mình, tôi chỉ tạt lên mặt con nhỏ thôi”. Tôi ra vẻ nghiêm trọng: “Nhỏ đẹp không?”. Chị bậm môi: “Nó có nét giống hoa hậu Lý Thu Thảo hồi xưa vậy đó, nên ổng bỏ đâu nổi”. Tôi xuýt xoa: “Rồi sao nữa?”. Chị miêu tả: “Tạt xong, tôi còn nghe tiếng kêu the thé thấy ghét của nó, tôi bỏ dép chạy ra ngoài đón xe ôm về đây. Chú ơi, tôi cũng ác quá, tôi gây tội lớn quá, tôi hối hận quá. Tôi ở tù tới nơi rồi”.
Qua thái độ run sợ của chị Năm, tôi chợt nhớ chuyện vũ nữ Cẩm Nhung bị tạt a-xít do dụ dỗ chồng của bà thiếu tá quân đội Sài Gòn, sau khi bị thương tật, từ một cô gái nổi tiếng hấp dẫn nhất thành đô, cô trở thành kẻ ăn mày, mấy chục năm phải lê tấm thân tàn tạ đi khắp đầu đường xó chợ xin từng đồng lẻ...
Chiều, anh Năm về, mang con vịt quay đãi bà xã xin lỗi, xin bỏ qua, hứa không “mèo mả gà đồng” nữa và mời tôi sang uống bia cho vui. Vậy mà chị Năm vẫn ráng thăm dò: “Con nhỏ đi bệnh viện nào rồi anh?”, anh Năm bật cười: “Em lấy cái nước gì gớm quá, nó nhớt nhớt, chắc phải tốn nửa chai sữa tắm mới hết nhớt!”. Chị Năm buông đũa, trố mắt ngạc nhiên, tôi bụm miệng cười... Khi chị sang nhà nhờ mua a-xít, tôi đã đoán được vấn đề nên đến tiệm sửa xe của thằng bạn nhờ nó chế dùm một hũ a-xít dỏm... Thế thôi. Sự tích về cái con “thấy ghét” nầy là thế!