Dư vị Tết

Chủ Nhật, 22/01/2023 14:48

|

(CATP) Mỗi năm chỉ có một cái Tết và mỗi năm cũng chỉ có 1 lần ta được hưởng cái dư vị độc đáo của Tết. Ấy là những ngày đầu tiên đi làm, đi học trở lại, chạy xe mà đường phố vẫn còn vắng vẻ, thanh thoát; là những ngày hàng quán còn nhập nhằng giữa giá ngày Tết và giá ngày thường; là những tờ tiền mới coong, sắc góc hiện diện thường trực trong mọi giao dịch; là những câu chuyện vẫn đọng lại các từ “Năm mới, năm me, khoẻ mạnh, chúc mừng…”; là mùi hương trầm vẫn lẩn khuất quanh góc nơi cành đào vẫn còn thắm đỏ, là bữa cơm vẫn còn sót lại những món ăn ngày Tết…

Cái giai đoạn hậu Tết này, vạn vật như đều ngái ngủ sau một cơn mơ sâu và đang cố tìm động lực để duỗi mình một cái, bắt nhịp lại với thực tại. Cái nhịp điệu nửa chậm, nửa nhanh này không như cơn hối hả của Ngày 30 và cũng chẳng trầm lắng như sáng Mùng 1. Ở đó có chút gì đó tiếc nuối, chút gì đó đang cố vớt vát một giấc mộng đẹp mà ta biết rằng rồi sẽ tan biến ngay đây thôi. Một cú đề ga chậm rãi để bắt lại đúng nhịp chuyển động của những ngày thường nhưng lại trong cái tâm thế muốn níu giữ cho cái không khí Tết ngưng lại mãi.

Quãng dăm chục năm trước, cái dư vị Tết còn tồn tại sâu rõ lắm ở Hà Nội. Những ngày ấy, ngành dịch vụ còn đơn sơ nên thường để nhịp sống trở lại đúng nhịp sau Tết cần tới hàng tuần. Khi đó, chợ thường thường họp trở lại muộn, cửa hàng, cửa hiệu nghỉ dài, có khi cho nhân viên ăn Rằm tháng Giêng xong mới trở lại để mở cửa nên nhà nào cũng phải tích trữ đủ nhu yếu phẩm cho yên tâm, chờ tới khi cuộc sống vận hành bình thường trở lại. Thế mới có cái cảnh phổ biến là dù Tết đã hết mà bữa cơm nhà vẫn còn những thịt đông, canh măng, giò xào, dưa hành, thậm chí là cả bánh chưng... Những bữa cơm ấy lúc nào cũng làm thương nhớ cái bát phở đến vô cùng mà sao những hàng quen lâu mở cửa lại thế.

Có một món ăn “giải ngán” rất hay được người Hà Nội nấu dịp sau Tết đến mức nó đã tạo ra những tranh cãi bất tận rằng, liệu đây có phải là món ăn sinh ra để dọn đồ thừa sau Tết hay không, ấy chính là bún thang. Thì đó, vẫn là giò lụa, thịt gà - những món nhà nào cũng có trong dịp Tết, thế nhưng còn tôm, mực khô, còn trứng thái chỉ, củ cải khô… và cả cách chế biến cầu kỳ, chi tiết thì không thể là món ăn dọn tủ lạnh được. Cứ thế những tranh cãi mãi không ngừng như cách người Hà Nội vẫn ăn bún thang sau Tết khiến nó thành một dư vị quen thuộc sau những mâm cỗ Tết của bánh chưng, canh bóng...

Cá nhân tôi thì cho rằng cả 2 luồng ý kiến đó đều có phần đúng riêng, chẳng qua là người ta đã bỏ qua hành trình ra đời và biến hóa của bún thang mà thôi. Rất có thể, như nhiều món ăn nổi tiếng khác của Hà Nội, bún thang cũng có một cái “xuất thân” rất bình thường, có thể từ khi có một người phụ nữ đảm đang nào đó vừa thương chồng con nhàm miệng qua những bữa Tết liên miên, lại vừa bị hạn chế bởi những nguyên liệu chỉ còn sót lại sau Tết mà chợ thì chưa mở cửa, thế là bún thang ra đời. Và từ ý tưởng tuyệt vời ấy, những người nội chợ tuyệt vời của Hà Nội đã cùng nhau nâng tầm nó bằng khẩu vị tinh tế để phối trộn thêm nhiều thành phần mới cùng cách chế biến khéo léo, để giờ đây chẳng ai muốn nấu bún thang một cách tử tế lại có thể chỉ sử dụng đồ thừa sau Tết được.

Bây giờ thì người Hà Nội vẫn còn nấu bún thang sau Tết, nhưng cái sự hào hứng với thứ món nóng đó thì cũng đã giảm dần. Cũng dễ hiểu thôi khi mà nhiều hàng quà như bún riêu, miến lươn, thậm chí là phở bán luôn xuyên Tết, cộng hưởng với chiến lược “không nghỉ Tết” của những thương hiệu chuỗi như KFC, McDonald, Lotteria… nên chẳng còn lo không có chỗ để “đổi món”. Cùng với đó, siêu thị giờ sớm mở cửa lại sau Tết và chợ cũng họp lại sớm hơn nên chẳng còn mấy cảnh phải tích trữ đồ ăn nữa. Vậy nhưng mỗi khi hết Tết, cảm giác không muốn buông khỏi cái thanh thản của Tết và chưa sẵn sàng bước vào cuộc sống thường nhật vốn bộn bề thì vẫn còn nguyên.

Chỉ dăm ngày thôi, cuộc sống sẽ lại hối hả, đường phố sẽ lại đông nghịt, quán xá sẽ lại chật ních và ồn ào. Chỉ dăm ngày thôi sẽ phải tiếp tục phi theo guồng quay của công việc, áp lực và trách nhiệm. Chỉ dăm ngày thôi, sự yên bình sẽ lại chỉ là những hoài niệm đầy tiếc nuối của Tết.

Dư vị của Tết - dư vị của những mong ước đầu năm, những khắc khoải về những thứ không trọn vẹn của số phận. Người có tiền, có danh mong tìm thấy nửa khuyết của cuộc đời; người đã có hạnh phúc lại mong có được đứa con ngày đêm ước ao; người đề huề vợ con thì lại mong có tiền, có danh để củng cố cái gia đình ấy... những khao khát ước mong đang run rẩy ấp ủ bởi hy vọng trước thềm một hành trình mới đã đến lúc phải bắt đầu. Nhưng hãy chậm thôi, chậm thêm chút nữa để níu kéo cái dư vị tuyệt vời này. Tết đã hết mà đâu đã thật hết...

Bình luận (0)

Lên đầu trang