NÉT ĐẶC TRƯNG CỦA GÒ VẤP XƯA
Theo nhiều bằng chứng lịch sử, vùng đất Gò Vấp hình thành do lưu dân người Việt đi mở đất khẩn hoang từ cuối thế kỷ XVI. Năm 1698, Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh thừa lệnh Chúa Nguyễn Phúc Chu kinh lý miền Nam, xác lập chủ quyền cương thổ của Việt Nam ở vùng đất Phương Nam, thì Gò Vấp đã có tên trong sổ bộ thôn xã thuộc Huyện Tân Bình - Phủ Gia Định.
Gò Vấp là vùng đất gò đồi, cao nhất Gia Định, tới hơn 11m so với mặt nước biển; lại có nước ngọt của rạch Bến Cát - Vàm Thuật, thuận lợi canh tác và sinh hoạt nên đã được lưu dân lựa chọn định cư. Truyền thuyết xưa còn kể rằng nguồn gốc của tên gọi Gò Vấp cũng là do ở nơi gò cao này sinh sôi một rừng cây Vắp - loài cây cứng chắc như sắt thép bao phủ. Đất Gò có một rừng Vắp - người xưa ghép nối lại gọi thành Gò Vắp, lâu dần biến âm thành Gò Vấp ngày nay.
Tên tuổi đất và người Gò Vấp gắn liền với các thời kỳ hình thành, đấu tranh bảo vệ, xây dựng và phát triển của Thành phố Sài Gòn - Gia Định xưa, Thành phố Hồ Chí Minh nay. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, nhân dân Gò Vấp cùng với đồng bào thành phố và cả nước anh dũng, bền gan đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đem hết sức mình kiến tạo Gò Vấp ngày càng văn minh, giàu đẹp, nghĩa tình.
Từng là một vành đai hậu cần căn cứ quân sự khổng lồ của quân xâm lược và tay sai, kinh tế nghèo nàn, văn hóa lạc hậu, xã hội nhiều tệ nạn… Sau ngày giải phóng 30-4-1975, Đảng bộ và nhân dân Gò Vấp từng bước dựng xây cuộc sống mới, biến những nơi hoang vu, ảm đạm, xơ xác của bom đạn chiến tranh thành những nhà máy, công trình dân sinh, những khu dân cư văn hóa, xanh tươi, giàu sức sống và nay là một Quận nội thành có tốc độ phát triển đô thị hóa nhanh, hiện đại.
Tổng diện tích sau các lần điều chỉnh theo nhu cầu phát triển hiện là 1.975,85 ha. Cơ cấu hành chính gồm 16 phường. “Đất lành chim đậu”, dân số năm 1976 là 144.000 người, nay đã gần 700.000 người, đông thứ tư trong 22 quận - huyện và thành phố trực thuộc Thành phố Hồ Chí Minh. Quận Gò Vấp cũng là một đơn vị quận - huyện đầu tiên của thành phố từ sau giải phóng được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng Ba (ngày 18-9-1979) vì thành tích đóng góp xuất sắc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cán bộ, chiến sĩ Công an quận Gò Vấp cũng là đơn vị đầu tiên của Công an Thành phố được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân…
SỨC SỐNG CỦA MỘT VÙNG VEN
Là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, trong suốt quá trình bền bỉ tham gia đấu tranh giải phóng dân tộc, kháng chiến cứu nước cứu đồng bào và chiến sĩ quận Gò Vấp dũng cảm và bất khuất “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”, để lại những di tích lịch sử hào hùng bất tử như: Đài Liệt sĩ Quận, Camp Hạnh Thông Tây (K.35), Chợ Gò Vấp, Nhà truyền thống Quận, Trường Gò Vấp 2, Cầu Hang Dưới, Ga Xóm Thơm, Cầu Bến Phân, Ấp Doi, Bến đò An Nhơn (đường giao liên bí mật với Chiến khu An Phú Đông), Mặt trận Gò Môn, Ban cán sự Mặt trận K.41… Những “địa chỉ đỏ” ấy không chỉ là những câu chuyện hy sinh bi tráng, oanh liệt của người dân quận Gò Vấp mà còn là những chứng tích lịch sử đấu tranh cách mạng đặc biệt quan trọng của Đảng bộ và nhân dân thành phố.
Toàn quận có 11 cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo đã được Trung ương và thành phố công nhận di tích, trong đó có những công trình tên tuổi hơn 300 năm là chứng tích quá trình hình thành, phát triển của thành phố và cả Nam Bộ, mang giá trị bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam, đó là 2 Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia: Đình Thông Tây Hội (tại phường 11) là Đình cổ nhất Nam Bộ; Chùa Sắc Tứ Trường Thọ (tại phường 7); 1 Di tích lịch sử cấp Quốc gia: Tịnh xá Ngọc Phương (tại phường 1); Đình Hanh Thông (tại phường 7)... Hàng năm có hàng trăm ngàn du khách đến tham quan, tìm hiểu. Ngoài các công trình lịch sử, đình - chùa tiêu biểu đã được xếp hạng, còn có một số công trình tiếp tục khảo sát, đề xuất công nhận như: Khu nhà Quận ủy, Miếu Trung Thành, Đền thờ Họ Trương...
Đáng chú ý nữa là Nhà thờ Hạnh Thông Tây có kiến trúc tráng lệ, cổ kính nhất thành phố, là nơi sinh hoạt của cộng đồng Công giáo Gò Vấp và thành phố, cũng là nơi các du khách trong và ngoài nước thường xuyên tham quan, nghiên cứu lịch sử - văn hóa - kiến trúc. Chùa Nghệ sĩ do NSND Phùng Há sáng lập nằm cuối đường Thống Nhất - phường 11 cũng là một công trình văn hóa danh tiếng trong và ngoài nước chỉ có ở Gò Vấp. Trong một khuôn viên rộng hơn 6.000m2, chùa dựng mộ, lưu cốt tro hơn 500 nghệ sĩ cải lương đã quá cố hơn 60 năm qua.
GÒ VẤP - KHI MÙA XUÂN VỀ
Trước hết là Làng Hoa kiểng cổ và Làng đúc Lư đồng cổ - ngành nghề truyền thống có thể nói lâu đời nhất Nam Bộ, tạo ra những kiệt tác về bonsai, kiểng cổ và các bộ Lư hương sắc sảo, đậm nét nhân văn độc đáo không ở đâu có. Rộ nhất là vào các dịp Tết đến Xuân về, tứ phương dập dìu tìm đến Gò Vấp mua sắm về chưng Tết lấy lộc và thưởng ngoạn...
Ngoài ra, ở Gò Vấp còn có các sinh hoạt lễ hội dân gian mang nét sinh hoạt văn hóa phong phú của các vùng quê Nam Bộ như: Lễ Kỳ Yên (cầu an, tế thần Thành Hoàng lớn nhất trong năm) tổ chức tại các đình thần vào Rằm tháng Giêng kéo đến hết tháng Ba âm lịch; Lễ Phật đản tổ chức vào Rằm tháng Tư, Lễ Vu lan tổ chức vào Rằm tháng Bảy của Phật giáo; Lễ Noel tổ chức vào tháng 12 của Công giáo và Tin lành... Trong các dịp lễ - Tết, tại các Đình Chùa còn tổ chức trình diễn các thể loại nghệ thuật dân tộc dân gian như Câu lạc bộ Đờn ca tài tử Nam Bộ, Câu lạc bộ thơ ca diễn ngâm, Câu lạc bộ trống mõ Lân - Sư - Rồng, võ thuật...
Trên mảnh đất Gò Vấp hôm nay còn có nhiều gia đình thi sĩ, danh nhân, nghệ nhân nổi tiếng tìm về an cư, bảo tồn và trưng bày tác phẩm, như “Nhà lưu niệm thi sĩ Nguyễn Bính” (tại phường 11), “Nhà trưng bày nhạc cụ dân tộc” của Nghệ sĩ ưu tú Đức Dậu (tại phường 7) với bộ sưu tập hơn 200 loại nhạc cụ của âm nhạc cổ truyền Việt Nam...
Công viên Làng Hoa (tại phường 8) do quận quản lý với tổng diện tích 20.988,6m2; được khánh thành ngày 25-8-2011. Lấy tên gọi “Làng Hoa” để khắc ghi dấu ấn tự hào về một Làng nghề truyền thống hoa kiểng cổ lâu đời nhất của Sài Gòn - Gia Định xưa, không chỉ là một điểm đến sinh hoạt văn hóa, vui chơi, giải trí của cộng đồng mà còn để người đam mê hoa kiểng cổ thường xuyên gặp gỡ, giao lưu kinh nghiệm. Hàng năm chính tại đây, Thành phố Hồ Chí Minh và quận Gò Vấp cùng Hội Sinh vật cảnh các cấp, các tỉnh và thành phố trong cả nước phối hợp tổ chức Festival Hoa, Festival sinh vật cảnh, Chợ hoa Xuân, Chợ phiên nông sản và các Hội thi về hoa, bonsai, cây kiểng cổ, chim, cá cảnh các loại... tạo nên dáng vẻ thanh cao cho đất và người Gò Vấp suốt bốn mùa quanh năm. Một mùa xuân nữa lại về, Gò Vấp đang vươn mình để trở đón những hương sắc của năm mới, sức hào sảng của một vùng đất hướng đến mục tiêu “Văn minh, hiện đại và nghĩa tình”.