Để hạn chế tình trạng này, công tác phổ cập bơi đã được các địa phương tăng cường triển khai và trong số những điển hình đi đầu về công tác trên có bà Trần Thị Kim Thia ở Đồng Tháp.
Những tai nạn đau lòng
Dù mới bước vào kỳ nghỉ hè nhưng tại các tỉnh ĐBSCL đã xảy ra hàng chục vụ trẻ đuối nước, nguyên nhân được xác định là do môi trường sống còn nhiều nguy cơ, hiểm họa chực chờ, khu vực nước sâu chưa có biển báo, rào chắn; trong khi người lớn lơ là, chủ quan trong việc trông giữ trẻ...
Chiều 27/5 tại Vĩnh Long, anh em sinh đôi T.A - T.K (SN 2009, học Trường THCS An Phước) đi bắt cá ven bờ sông Cổ Chiên (xã An Phước, huyện Mang Thít) rồi xuống tắm, dẫn đến đuối nước. Lực lượng chức năng huyện Mang Thít phối hợp với người dân địa phương lặn tìm được thi thể 2 em. Hoàn cảnh gia đình của T.A - T.K khá khó khăn, tuy nhiên 2 em rất ngoan, học khá.
Tại Đồng Tháp cũng vừa xảy ra vụ đuối nước khiến 3 chị em ở xã Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh tử vong. Theo đó, khoảng 13 giờ 30 ngày 28/5 tại bến sông chợ đầu mối trái cây có 4 em nhỏ: Ngô Nguyễn Ngọc Th. (SN 2010), Ngô Nguyễn Ngọc Nh. (SN 2014), Ngô Nguyễn Ngọc H. (SN 2016) và Ngô Phước T. (SN 2019) xuống tắm. Đến khoảng 16 giờ 30, 3 em Th., Nh., H. bị đuối nước, T. phát hiện chạy về nhà báo mẹ. Sau đó, cơ quan chức năng đã vớt được Th. và Nh. Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ nhận được tin báo đã triển khai lực lượng đến hiện trường và khoảng 21 giờ cùng ngày tìm thấy thi thể H. gần đó.
Tại Bạc Liêu, khoảng 10 giờ 30 ngày 27/5, gia đình bà Nguyễn Thị Vui (ở ấp Bửu 1, xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải) báo với chính quyền địa phương 2 cháu nội bị đuối nước dưới vuông tôm gần nhà, gồm: L.T.T (SN 2012, học lớp 2) và N.T.K.N (SN 2013, học lớp 1, cùng Trường tiểu học Nguyễn Huệ). Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, cha mẹ đi làm công nhân ở Đồng Nai nên gửi 2 em cho bà nội chăm sóc. Trước khi vụ đuối nước thương tâm xảy ra, bà Vui bị té gãy xương sườn nằm một chỗ, do đó T. - N. đã lén bà ra vuông tôm gần nhà tắm, nào ngờ xảy ra tai nạn thương tâm.
Bà Sáu Thia nhiệt tình dạy bơi miễn phí cho các em học sinh vùng Đồng Tháp Mười
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LÐ-TB&XH) tỉnh Cà Mau, thực tế cho thấy từng lúc, từng nơi, việc phối hợp giữa chính quyền địa phương, nhà trường và gia đình trong công tác bảo vệ trẻ em (BVTE) chưa tốt. Việc đầu tư thiết chế văn hóa, thể thao cho trẻ em còn thiếu, chưa đáp ứng nhu cầu của trẻ, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Công tác truyền thông, giáo dục về kỹ năng sống, kỹ năng BVTE chưa đạt hiệu quả cao.
Từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 7 trường hợp trẻ tử vong do đuối nước. Nguyên nhân do Cà Mau có nhiều kênh, rạch, sông ngòi và ven biển... tiềm ẩn hàng loạt nguy cơ gây ra tai nạn đuối nước ở trẻ; còn một số nguyên nhân thuộc về chủ quan, như: cha mẹ đi làm ăn xa, các em ở cùng ông bà đã lớn tuổi, thiếu sự giám sát; trong khi các em trong độ tuổi hiếu động, chưa được trang bị kỹ năng phòng, chống đuối nước, chưa nhận biết hết các nguy cơ dẫn đến tai nạn này.
Bà Nguyễn Thu Tư - Phó giám đốc Sở LÐ-TB&XH Cà Mau - cho biết thêm nguyên nhân nữa, cũng là hạn chế của địa phương, đó là việc thiếu hụt cơ sở vật chất - trong đó hồ bơi là chủ yếu - đã dẫn đến công tác dạy bơi cho trẻ không đồng bộ, chưa được duy trì thường xuyên...
Người phụ nữ dạy bơi cho 5.000 trẻ
Suốt 30 năm qua, bà Trần Thị Kim Thia (Sáu Thia, 65 tuổi, ở ấp 4, xã Hưng Thạnh, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp) ngoài bán vé số và lột vỏ hạt sen kiếm sống qua ngày, còn dạy bơi miễn phí cho hơn 5.000 trẻ em ở vùng lũ Đồng Tháp Mười.
Năm 1992, bà Sáu Thia được chính quyền xã Hưng Thạnh vận động làm cán bộ phụ nữ ấp, mỗi tháng được phụ cấp 200 ngàn đồng, nên hàng ngày bà Thia ra đại lý lãnh 70 - 100 tờ vé số bán để trang trải cuộc sống; những tháng có hạt sen, hạt điều, bà nhận về làm thêm. Biết bơi giỏi nên cách nay hơn 30 năm, khi xã triển khai dự án phổ cập bơi cho trẻ em, bà được cử làm huấn luyện viên.
Nhớ lại những ngày đầu dạy bơi, bà chia sẻ: "Nghĩ đến cảnh hết trẻ em tỉnh này đến nơi khác đuối nước thấy tội quá! Sau khi nhận lời, tôi được tập huấn 3 ngày trên huyện, rồi bắt tay vào dạy các cháu".
Thời gian đầu, mỗi khóa bơi được bà Thia huấn luyện tập trung tại 1 - 2 ấp, dao động ở mức 70 - 80 em. Sau một thời gian, nhiều phụ huynh thấy bà dạy hiệu quả nên đưa con đến học ngày càng nhiều, chủ yếu tập trung vào 3 tháng hè và chuẩn bị tâm thế cho các em đi học an toàn trong mùa lũ. Mỗi buổi bơi diễn ra 1,5 tiếng, khóa học kéo dài trong 10 - 15 ngày, nơi học là các kênh, sông trên địa bàn 5 ấp trong xã. Trước mỗi mùa bơi, bà Thia đem lưới đến cắm và cột dưới sông thành hồ bơi. Hàng ngày, bà chạy xe máy từ điểm này qua điểm khác để dạy bơi cho trẻ. Dù cuộc sống khó khăn nhưng bà không nhận học phí khi các em nhỏ đến học bơi.
Năm 2016, Mạnh thường quân đầu tư bể bơi di động tại Trung tâm học tập cộng đồng xã Hưng Thạnh để có không gian rộng hơn cho bà Sáu Thia mở lớp huấn luyện. Mới đây, bà còn tiết kiệm tiền từ việc bán vé số để trang bị gần 100 kính bơi, đồng phục tặng các em đến học để khích lệ tinh thần.
Trò chuyện với chúng tôi, người phụ nữ thân hình nhỏ nhắn, đôi mắt sâu ánh lên nỗi buồn ẩn chứa bên trong, tâm sự: "Hiện tôi đang tìm người tiếp bước các lớp dạy bơi miễn phí, nhưng rất khó, bởi chưa ai đủ điều kiện, trong khi sức khỏe của tôi ngày càng yếu đi. Việc này phải xuất phát từ cái tâm, có yêu thương trẻ thì mới dạy được. Nếu chưa tìm được, có lẽ tôi sẽ tiếp tục giảng dạy cho đến khi chiếc xe máy không còn lăn bánh mới thôi".
Ông Đoàn Văn Tuấn - Chủ tịch UBND xã Hưng Thạnh - cho biết: "Địa phương là khu vực "rốn lũ” của vùng Tháp Mười nên nguy cơ đuối nước ở trẻ em rất cao. Từ khi chị Sáu Thia đảm nhiệm việc dạy bơi miễn phí đến nay thì ở xã không xảy ra vụ nào. Tỉ lệ trẻ em trong độ tuổi được phổ cập bơi của xã hàng năm luôn đạt trên 95%"...
Với những đóng góp không mệt mỏi của mình, năm 2020 bà Sáu Thia vinh dự nhận Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì đạt thành tích xuất sắc trong dạy bơi miễn phí cho trẻ em và nhiều bằng khen của địa phương. Ngoài ra, Tạp chí Forbes Việt Nam đã bình chọn bà vào Top "20 phụ nữ truyền cảm hứng năm 2021".