Nghĩa trang 'đặc biệt', nơi chỉ dành chôn người bệnh tâm thần

Thứ Ba, 01/12/2015 08:06  | Trí Trường

|

(CAO) Có một nghĩa trang “đặc biệt” nằm khuất sau khuôn viên của bệnh viện mà rất ít người biết đến, ngoại trừ những người thân của bệnh nhân đã được chôn cất ở đó.

Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 (còn có các tên cũ khác là Dưỡng Trí Viện Biên Hòa, Nhà thương điên Biên Hòa hay Bệnh viện Tâm thần Biên Hòa) được người Pháp xây dựng từ những năm 1915. Hiện tọa lại trên đường Nguyễn Ái Quốc, khu phố 7, P.Tân Phong, TP.Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai).

Nơi đây, có một nghĩa trang “đặc biệt” nằm khuất sau khuôn viên của bệnh viện mà rất ít người biết đến, ngoại trừ những người thân của bệnh nhân đã được chôn cất ở đó. Tạm gọi tên là “nghĩa trang Bệnh viện Tâm thần Biên Hòa”. Sở dĩ gọi là “nghĩa trang đặc biệt” là vì khu đất chỉ dành chôn toàn người bệnh tâm thần và một số ít nhân viên làm việc trong bệnh viện qua đời.

Trải qua biết bao biến cố của thời gian thì hiện nay, một phần lớn đất của khu nghĩa trang này bị giải tỏa để xây dựng trụ sở làm việc phân viện Giám định Pháp y tâm thần phía Nam.

Nghĩa trang bệnh viện được hình thành cùng thời kỳ bệnh viện được xây dựng. Đến giai đoạn sau năm 1945, Giám đốc Dưỡng Trí Viện Biên Hòa lúc đó là bác sĩ Nguyễn Văn Hoài (1898-1955) đã cho quy hoạch lại thành một trong 7 phần của bệnh viện là “ruộng rẫy, nhà xác và nghĩa địa”. (Ảnh tư liệu của Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2)
Sau năm 1975, diện tích đất nghĩa trang đã bị người dân sống chung quanh lấn chiếm xây cất nhà cửa trái phép. Đến thời kỳ Phó Giáo sư – Bác sĩ Lý Anh Tuấn làm giám đốc bệnh viện (từ năm 1987 - 1998), ông đã cho xây một bức tường rào dài hàng trăm mét mới ngăn nổi tình trạng lấn chiếm này
Chưa có số liệu chính xác bao nhiêu người đã an nghỉ tại đây. Trải qua 100 năm hình thành bệnh viện và khu nghĩa trang thì phần lớn những bệnh nhân tâm thần không có người thân khi chết đều được chôn cất đàng hoàng tại nơi này. Đó cũng là đạo lý tốt đẹp “nghĩa tử là nghĩa tận” của người Việt Nam.
Theo quy luật thời gian và sự phát triển của xã hội, nghĩa trang Bệnh viện Tâm thần Biên Hòa gần như hoang phế, cỏ dại mọc um tùm và bị lãng quên vì thiếu bàn tay người chăm sóc
Đặc biệt, tại nghĩa trang này cũng là nơi yên nghĩ của cố Giám đốc - Bác sĩ Nguyễn Văn Hoài, Giám đốc bệnh viện là người Việt Nam đầu tiên, là người thầy thuốc cống hiến hết đời mình cho sứ mệnh chữa trị bệnh nhân tâm thần cho nhân dân. Tấm mộ bia của bác sĩ Hoài được xây dựng từ những năm 1955 và hiện nay cũng đã không còn (ảnh tư liệu chụp năm 2012). Ngoài ra, tại nghĩa trang cũng là nơi chôn cất của các đời giám đốc sau như : Bác sĩ Tô Dương Hiệp (Giám đốc bệnh viện từ năm 1972-1973) và các nhân viên y sĩ khác của bệnh viện. Thật xúc động với những thầy thuốc suốt cả cuộc đời đã gắn bó với bệnh nhân thì lúc chết họ cũng quây quần bên cạnh người bệnh thân yêu của mình. Hình như không có một làn ranh giới nào phân cách giữa người thầy thuốc và bệnh nhân tâm thần
Từ năm 2012, theo chủ trương của Bộ Y tế, một phần lớn diện tích đất của nghĩa trang của bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 cắt để giao lại cho Phân viện Giám định Pháp y tâm thần phía Nam xây dựng trụ sở làm việc. Sau đó, Phân viện Giám định Pháp y tâm thần phía Nam mới tiến hành di dời và bốc cất tất cả các hài cốt của bệnh nhân đi nơi khác
Từ năm 2010, nghĩa trang bệnh viện tâm thần đã tạm ngưng cho chôn bệnh nhân. Hiện nay, diện tích đất nghĩa trang đã bị thu dẹp dần và chỉ còn sót lại vài ngôi mộ nằm lẻ loi và cô quạnh... Như vậy, “nghĩa trang đặc biệt” này cũng đã kết thúc “sứ mệnh” của mình trong suốt gần 100 năm qua

Bình luận (0)

Lên đầu trang