TPHCM: Người dân đồng thuận bàn giao mặt bằng cho dự án metro số 2

Thứ Bảy, 26/09/2020 13:56  | Nam Anh

|

(CATP) Sau tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên dự kiến về đích cuối năm 2021, tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương cũng đang gấp rút giải phóng mặt bằng (GPMB) để dự án (DA) sớm khởi công vào năm sau.

Ngày 14-11-2019, UBND TPHCM ban hành quyết định phê duyệt điều chỉnh DA xây dựng (XD) tuyến tàu điện ngầm số 2 với tổng đầu tư hơn 47.800 tỷ đồng. Dự kiến cuối năm nay sẽ phát hành hồ sơ mời thầu và năm 2021 khởi công XD. Theo đó, tuyến metro số 2 sẽ hoàn thành vào năm 2026.

Đầu tư 47.800 tỷ đồng cho tuyến metro số 2

Dự án tuyến này ban đầu có tổng mức đầu tư 26.116 tỷ đồng, đến năm 2019 được điều chỉnh lên khoảng 47.800 tỷ. Tổng chiều dài toàn tuyến giai đoạn 1 là 11,3km (gồm 9,3km đi ngầm và 2km trên cao) với 11 ga (10 ga ngầm, 1 ga trên cao), tổng chiều dài toàn tuyến: 48km, chạy qua: Đô thị Tây Bắc (huyện Củ Chi) - Quốc lộ 22 - Bến xe (BX) Tây Ninh - Trường Chinh - Tham Lương - Cách Mạng Tháng 8 (CMT8) - Phạm Hồng Thái - Lê Lai - Bến Thành - Thủ Thiêm.

Tuyến metro này có 8 gói thầu chính gồm CP0: Di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật; CP1: XD tòa nhà văn phòng và các công trình phụ tại depot Tham Lương; CP2: hạ tầng cơ sở depot Tham Lương; CP3: đường hầm và các ga ngầm; CP4: cầu cạn, nhà ga trên cao, kết cấu chuyển tiếp và đường dẫn vào depot; CP5: cơ và điện hệ thống; CP6: công trình đường ray; CP7: cơ và điện phi hệ thống.

Nhiều hộ dân che bạt, tháo dỡ nhà, bàn giao đất cho dự án

Dự án được chia thành 3 giai đoạn gồm: giai đoạn 1 Bến Thành - Tham Lương, giai đoạn 2: đoạn Bến Thành - Thủ Thiêm và Tham Lương - BX Tây Ninh, tổng chiều dài 2 đoạn tuyến: khoảng 9,1km (trong đó 4,2km đi ngầm, 4,9km đi trên cao), với 9 ga (6 ga ngầm, 3 ga trên cao), depot Tham Lương đặt tại Q12, tổng mức đầu tư ước tính 1,482 tỷ USD; giai đoạn 3: BX Tây Ninh - Khu Tây Bắc Củ Chi, chiều dài đoạn tuyến: khoảng 28km (đi trên cao), với 22 ga đi trên cao, depot đặt tại Phước Hiệp - Củ Chi, tổng mức đầu tư ước tính: 2,714 tỷ USD.

Những ngày cuối tháng 9-2020, người dân đi qua đường Trường Chinh - CMT8 (Q.Tân Bình và Q3) không khỏi ngạc nhiên khi nhiều căn nhà mặt tiền được đồng loạt tháo dỡ, nhường đất cho DA tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương). Ông Lê Văn Khoa - Giám đốc Ban quản lý (BQL) dự án 2 (BQL đường sắt đô thị TPHCM) - cho biết, tính tới thời điểm này có rất nhiều nhà dân bị ảnh hưởng trong DA đi qua đã tự nguyện dỡ nhà, bàn giao mặt bằng cho BQL.

Vào các buổi sáng sớm những ngày cuối tháng 9-2020, chúng tôi ghi nhận một đoạn từ CMT8 - Trường Chinh (gần ngã tư Bảy Hiền) chạy qua các phường 4 và 11Q.Tân Bình, tiếng ầm ĩ của xe ủi, tiếng búa, xà beng... của những người thợ tháo dỡ nhà đã vang lên. Những bức tường nhà dân chạy dọc tuyến CMT8 được XD bao năm qua từ từ hạ xuống; hai bên đường, nhiều căn nhà mặt tiền đã được tháo dỡ, gạch đá chất ngổn ngang.

Những căn nhà mặt tiền chờ được tháo dỡ

Gia đình bà Trần Thị Loan (ở P8Q3) là một trong những hộ bàn giao nhà nhanh nhất cho DA metro số 2 cho biết, căn nhà 88m2 sau khi phá dỡ còn khoảng 48m2, gia đình sẽ sửa lại để ở và kinh doanh. Theo bà Loan, từ năm 2012 đã nghe tin DA tuyến metro số 2 đi qua đây và nhiều lần được UBND phường, quận mời họp, ra thông báo tháo dỡ, nhưng suốt nhiều năm chẳng thấy rục rịch, nhưng đến thời điểm hiện nay, hàng trăm hộ dân có nhà mặt tiền đều đồng loạt ra quân tháo dỡ nhà, bàn giao đất cho chủ DA.

Lúc đầu, người dân thuộc diện di dời không đồng thuận mức giá đền bù. Nhiều cuộc họp giữa chính quyền và người dân cũng chỉ xoay quanh việc thỏa thuận giá. Hiện nhiều nhà dân sống hai bên đường CMT8 đã tự nguyện lùi vào từ 8-12m. Theo bà Loan, hơn tháng nay việc phá dỡ nhà khiến việc buôn bán chậm lại, nhưng người dân vẫn mong sao DA tiến hành nhanh để có thể ổn định cuộc sống và việc kinh doanh.

Hàng trăm hộ dỡ nhà nhường đất cho dự án

Hiện nay, đi trên đường CMT8 và tuyến Trường Chinh gần 5km có hàng trăm nhà dân đã đồng loạt tháo dỡ, bàn giao đất cho chủ DA. Những chiếc máy ủi, máy đào cùng tiếng búa, xà beng... đập vào những bức tường kiên cố liên tục được tháo dỡ; hàng loạt xe ba gác, ôtô tải liên tục ra vào chở xà bần làm sạch mặt bằng, chuẩn bị bàn giao đất cho chủ DA. Trong khi đó, nhiều nhà dân đã tháo dỡ một phần mặt bằng cũng đang được chỉnh trang để ổn định cuộc sống.

Ông Nguyễn Văn Hải (ngụ P8Q3) cho biết, lúc đầu gia đình không đồng ý mức giá đền bù lần 1 đưa ra năm 2017 là 104 triệu đồng/m2, trong khi khu vực ngã tư Bảy Hiền hướng về Q1 lên đến 134 triệu đồng/m2. Đến năm 2020, giá đền bù tăng lên 150 triệu đồng/m2, dù vẫn thấp hơn thị trường, nhưng vợ chồng ông quyết định bàn giao đất cho chủ DA, vì đây là DA giao thông trọng điểm của thành phố, nên gia đình đồng ý thực hiện theo chủ trương chung.

Một đoạn đường đã được dọn sạch, bàn giao đất cho chủ dự án

Tương tự, bà Nguyễn Thị Thu Hương (nhà số 1350 CMT8, P4Q.Tân Bình) cho biết, gia đình đã nhận đủ tiền đền bù và đang chuẩn bị thuê công nhân đến phá dỡ phần diện tích nằm trong DA metro số 2. Trước đây, gia đình buôn bán bàn ghế và đồ tiêu dùng, nhưng nay đã tạm ngưng chờ công nhân dọn sạch mặt bằng mới kinh doanh trở lại.

Là một trong những hộ phải chuyển đến khu ở mới, ông Nguyễn Hoàng Hiền (ở số 105 Trường Chinh, P11Q.Tân Bình) chia sẻ: nhà ông có 46m2, khi phá dỡ chỉ còn 3,5m2, nên phải di dời sang chỗ khác, nhường phần đất còn lại cho hộ phía sau. Điều ông lo nhất là với mức giá đền bù như hiện nay khó thể đi nơi khác tìm mua 1 căn nhà mặt tiền tương tự. Những hộ còn diện tích đất từ 30m2 trở lên được thành phố cho phép tồn tại thì tự chỉnh trang, sửa chữa lại.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tấn Tài - Trưởng ban bồi thường GPMB Q.Tân Bình - cho biết, DA metro số 2 đi qua toàn quận có 324/356 hộ thuộc diện phải di dời, hầu hết đều đồng thuận với phương án đền bù thành phố đưa ra. Sau khi nhận tiền đền bù, người dân sẽ tự nguyện bàn giao mặt bằng cho quận để CĐT sớm triển khai DA.

Theo ông Tài, DA metro số 2 đi qua Q.Tân Bình có 6 nhà ga, trong đó 2 nhà ga đã bàn giao mặt bằng trong tháng 6-2020, dự kiến tháng 10 này quận sẽ bàn giao mặt bằng 3 nhà ga nữa là Bảy Hiền, Nguyễn Hồng Đào, Bà Quẹo; còn nhà ga Phạm Văn Hai, quận sẽ tiếp tục vận động người dân để phấn đấu bàn giao mặt bằng trong quý 4-2020.

Dự án metro Bến Thành - Tham Lương dài hơn 11km, khi được khởi công có gần 700 hộ dân sống dọc đường CMT8 và tuyến Trường Chinh sẽ bị phá dỡ một phần hoặc toàn bộ nhà. Tuyến đi qua các quận 1, 3, 10, 12, Tân Bình, Tân Phú với 2km đi trên cao và trên 9km đi ngầm, với 11 nhà ga. Dự án có gần 700 hộ bị ảnh hưởng với tổng diện tích bồi thường hơn 250.000m2.

Trong khi đó, ông Lê Văn Khoa cho biết, để DA sớm được triển khai phải có sự đồng thuận cao từ phía người dân nơi DA đi qua, trọng tâm của tuyến metro số 2 hiện nay là công tác GPMB. Vào tuần thứ 2 hàng tháng, lãnh đạo Thành ủy TPHCM đều mời tất cả đơn vị liên quan họp bàn, tháo gỡ nhanh những vướng mắc. Cứ hai tuần một lần, lãnh đạo UBNDTP lại tổ chức họp kiểm điểm tiến độ, vướng chỗ nào tháo gỡ ngay chỗ đó.

Rút kinh nghiệm từ DA metro số 1 khi chưa hoàn thành GPMB đã khởi công dẫn đến phát sinh chi phí rất lớn, với metro số 2, thành phố chủ trương phải hoàn thành công tác này trước khi giao đất cho nhà thầu. Hiện CĐT đã nhận được mặt bằng ở một số nhà ga như: nhà ga S10 - Phạm Văn Bạch; S11 - Tân Bình, Q.Tân Bình; nhà ga S5 - Lê Thị Riêng, Q10. Hy vọng, với sự đồng thuận cao của người dân, dự kiến công tác GPMB cho tuyến metro số 2 sẽ sớm hoàn tất vào cuối năm 2020.

Bình luận (0)

Lên đầu trang