Nhà báo là người gác cửa sự thật, thúc đẩy những giá trị cốt lõi của xã hội

Thứ Sáu, 28/06/2024 20:02

|

(CAO) Chiều 28/6, CLB Phóng viên chính trị- xã hội (thuộc Hội Nhà báo TPHCM) tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “ Đạo đức Nhà báo lĩnh vực nội chính” nhân dịp kỷ niệm 99 năm ngày Nhà báo Cách mạng Việt Nam.

Tham dự buổi tọa đàm có bà Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy TPHCM; Thiếu tướng Phan Anh Minh, nguyên Phó Giám đốc Công an TPHCM; đông đảo lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các cơ quan thông tấn, báo chí, Trung tâm báo chí TPHCM, phóng viên, biên tập viên phụ trách mảng nội chính của các báo, đài.

Đại biểu tham dự tọa đàm

Trong bối cảnh hiện nay, khi thông tin được truyền tải nhanh chóng và dễ dàng qua các phương tiện truyền thông kỹ thuật số, vai trò của nhà báo trong lĩnh vực chính trị - xã hội trở nên ngày càng quan trọng.
Những người làm báo không chỉ là người đưa tin, mà còn là người gác cửa của sự thật, người bảo vệ công lý và người thúc đẩy những giá trị cốt lõi của xã hội.

Đạo đức nghề nghiệp luôn là nền tảng cốt lõi của người làm báo, đặc biệt là trong lĩnh vực chính trị - xã hội. Nhà báo cần tuân thủ các nguyên tắc đạo đức cơ bản như sự trung thực, khách quan, công bằng và trách nhiệm.

Công nghệ 4.0 và mạng xã hội phát triển, nhà báo phải đối mặt với nhiều thách thức mới. Báo chí đối mặt với áp lực tốc độ; sự cạnh tranh khốc liệt giữa các cơ quan truyền thông trong việc đưa tin nhanh nhất có thể dễ dẫn đến việc bỏ qua quy trình kiểm chứng thông tin.

Điều này đặc biệt nguy hiểm trong lĩnh vực chính trị, nơi mà mỗi thông tin sai lệch có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

Nhà báo trong các lĩnh vực nói chung và chính trị xã hội nói riêng thường phải đối mặt với áp lực từ nhiều phía, bao gồm các nhóm lợi ích, các tổ chức kinh tế xã hội và thậm chí từ cơ qua chức năng.

Phát biểu tại tọa đàm Nhà báo, nhà văn Lại Văn Long (Báo Công an TPHCM) nhấn mạnh, nhà báo phải có cái tầm. Cái tầm theo anh Long là phải có kiến thức về lĩnh vực địa phương, ngành mà mình phụ trách, theo dõi và cung cấp thông tin đến độc giả, khán thính giả. Có tầm nhìn và kinh nghiệm để đánh giá, phân tích về các tình huống, diễn biến bằng thái độ tích cực, tính xây dựng.

Nhà báo, nhà văn Lại Văn Long phát biểu tại tọa đàm

Bên cạnh đó, cái tâm của người làm nghề cũng được nhà báo Lại Văn Long đề cao, đó là đạo đức nghề báo thể hiện qua cách thu thập, xử lý và cung cấp thông tin đến độc giả, xã hội. “Cái tâm” còn bao hàm cả ý thức chính trị, ý thức thượng tôn pháp luật, ý thức trách nhiệm và cả tinh thần yêu nước, yêu quê hương, lòng nhân ái, khoan dung...

Dù bạn là phóng viên, biên tập viên hay thư ký tòa soạn, trưởng ban, tổng, phó biên tập... khi tham gia vào quy trình làm ra tác phẩm, sản phẩm báo chí đều cần đến cái tầm, cái tâm.

Với nhà báo viết về mảng chính trị xã hội (bao gồm các thể loại tường thuật, phản ánh, phóng sự, điều tra...), mà thiếu tầm, tâm rất nguy hiểm.

"Trong 36 năm viết báo, tôi cũng thấm thía nhiều câu chuyện mà nhà báo phải trả giá đắt khi cái tầm, cái tâm bị che lấp bởi những háo hức nông nổi hoặc bị chi phối bởi những động cơ, mục đích khác...", nhà báo Lại Văn Long chia sẻ.

Nhà báo Lưu Nguyễn Ái Nhân, Báo Tuổi trẻ cũng nêu, Hội Nhà báo đã ban hành 10 quy tắc đạo đức, trong giai đoạn hiện nay phóng viên cần tuân thủ. Phóng viên cũng nên học luật và đọc, cập nhật trau dồi thông tin pháp luật để nâng cao chất lượng. Dân trí cao nên bài báo phải đúng, phải chuẩn để không bị khiếu nại, khiếu kiện...

Trao đổi tại tọa đàm, theo bà Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy TPHCM, đạo đức người làm báo là phải mang tính xây dựng trong quá trình tác nghiệp, trong mỗi tác phẩm! Làm báo nhân văn. Làm báo trách nhiệm, cổ vũ sự tích cực; sự dũng cảm, dấn thân tìm sự thật; sự tử tế trong tác nghiệp, trong các mối quan hệ; có sự tin cậy của nguồn tin...

Bình luận (0)

Lên đầu trang