Chăn trâu mùa Tết

Chủ Nhật, 07/02/2021 20:20  | Quang Hà

|

(CATP) Cận Tết, những cơn gió mùa Đông Bắc từ biên giới phía Bắc lùa về càng khiến bầu trời của miền Bắc thêm se sắt. Rét như cắt thịt. Ngoài cánh đồng, sau khi thu hoạch vụ mùa, mặt ruộng đã được cày vỡ. Trong ký ức của tôi ngày ấy, thời gian này là những ngày rất thú vị. Tôi cũng như lũ trẻ cùng trang lứa lớn lên trong không khí hợp tác xã miền Bắc thi thoảng vẫn nhớ về thời niên thiếu ấy.

Mùa Đông là mùa người lớn lo trăm thứ, quay qua quay lại là Tết, phải bộn bề lo toan, còn lũ trẻ chúng tôi chả có gì phải lo, mà trái lại còn mong ngóng nó nhanh về. Mùa rét là lúc tôi chui vào cái ổ bện rơm, lót lá chuối do ông nội của tôi cặm cụi ngồi tết con cúi, bện lại, xếp tròn trong góc căn nhà đất lợp rạ. Cái giống nhà trình tường miền Bắc được làm bằng đất thịt, đen sì, nhìn đơn sơ nhưng mùa Đông rất ấm. Gió không thể lùa qua mái rạ phủ quá lưng vách đất, rui mè thò qua vách tường đất như cái chái nên dẫu bên ngoài trời mưa phùn gió bấc thì trong nhà vẫn ấm áp lạ.

Trong căn nhà ấy, ổ lá chuối mùa Đông là nơi lũ trẻ chúng tôi thích mê vì nó rất ấm. Đêm xuống, chúng tôi chả có quần dài nhưng chỉ cần chui trong cái ổ lá chuối ấy, chân luồn vào nhau, quặp chặt là có thể ngon giấc. Tôi diễm phúc hơn các chú của mình là được ngủ cạnh bà nội. Đêm lạnh nhưng cả mấy mẹ con, bà cháu co lại trong cái ổ rơm, đắp chung một cái chăn bông nhưng bà tôi vẫn đắp thêm cho tôi một cái váy đụp của bà.

Sáng ra, trời còn canh ba, canh tư bà tôi đã dậy lần mò bòn mót những cây chè già nắm lá để đun nồi nước, ủ vào cái thúng rơm cho ông nội mang đi cày, luộc nồi khoai tây cho cả nhà. Gọi là khoai tây cho oai chứ thực ra toàn khoai bi, củ nào củ nấy to lắm thì bằng ngón chân cái chứ chẳng phải loại củ to như hàng bày bán ở siêu thị như bây giờ. Sáng ra, tôi và hai chú của mình, mỗi người vài củ, ủ vào vạt áo mang đi học. Do còn nhỏ nên tôi được bà nội ưu ái hơn, ngoài củ khoai to nhất để mang đến lớp, còn được bà cho mấy củ khoai bi tý hon mà bà mò được trong nồi cám lợn.

Có lẽ trí tưởng tượng của những người thành thị có phong phú đến đâu cũng khó thể nghĩ được vị khoai bi nấu cám lợn nó ngon đến mức nào cho tới khi được nếm qua. Mùa Đông, lũ trẻ chúng tôi rất thích ra đồng với người lớn. Sau khi cánh đồng được cày vỡ, phơi ải thì cả làng lại kéo nhau đi xếp ải. Người lớn ra đồng bốc những tảng đất đã được cày vỡ, lật úp, xếp hai luống cày lại để phơi cho đất tơi xốp. Ít ngày sau thì tiến hành đập đất. Tôi còn nhỏ nhưng khi theo ông bà và các chú ra đồng vẫn có cái vồ đập đất con con của riêng mình.

Thời bấy giờ, trâu trong làng phần lớn là của hợp tác xã. Xã tôi có bốn đội chia theo thôn, mỗi đội chừng 60-70 nóc nhà. HTX phân bổ cứ ba nhà chung nhau một con trâu. Theo đó, nhà nội tôi, bà Nam và ông Hòe là những người hàng xóm của ông nội tôi chung nhau và chịu trách nhiệm chăm sóc một con trâu để lấy sức kéo. Vì lẽ đó mà nhà nào cũng có chuồng trâu nhưng nó chỉ ở mỗi nhà hai ngày. Con trâu nhà chúng tôi nuôi là loài trâu ré. Ông nội tôi bảo nó không có xoáy đóng chuồng nên rất hung dữ nhưng vẫn phải dùng nó để cày bừa.

Thời ấy, HTX tính theo công điểm. Ông tôi đi cày suốt, hết ruộng của nhà lại đến ruộng người khác. Mỗi công cày được chấm 1,5 điểm. Đó là công lao động chính, công lao động phụ chỉ được chấm 0,8 điểm. Mỗi vụ mùa, HTX theo công điểm, nhân khẩu chia thóc cho gia đình chúng tôi. Lúc đó, đứa trẻ như tôi chả làm được tích sự gì, chỉ ăn và đi học nhưng nghiễm nhiên mỗi tháng cũng được chia 20 cân thóc.

Mặc dù con trâu khá hung dữ nhưng ông tôi và những nhà nuôi chung rất chăm bẵm nó. Vào mùa Đông, khi đi cày nó được khoác một tấm bao bố bằng đay gai trên lưng nhưng khi xuống ruộng cày, chỉ được một lát là cái bao ướt sũng vì cái đuôi của nó cứ liên tục vung nước lên, ướt cả lưng nó lẫn người cày.

Có một lần, tôi theo ông ra chỗ con trâu đang được ông tôi thả cho ăn rơm. Thấy người lạ, nó nổi điên lao vào tôi, dùng sừng thúc mạnh vào người, ấn tôi thẳng vào cây rơm gần đó. Nghe tiếng tôi hét, ông tôi lao đến chụp lấy sừng nó, ghì mạnh.

Ông tôi vốn nổi tiếng là người khỏe. Vào năm nạn đói 1945, ông tôi khi ấy mới 19 tuổi đã cùng cha đi làm thuê tận Lạng Sơn, được chủ trả công bằng ngô, gạo, đã gánh đi cả tháng để về quê vừa kịp cứu đói cho cả nhà. Khi ông tôi đã thất thập vẫn còn gánh được 70 cân. Lúc bấy giờ, với sức lực của lão nông mới ngoài 50 tuổi, nổi tiếng cả vùng vì tài đánh pháo đất, có thể hai tay nâng quả pháo đất nặng cả trăm cân, ông tôi ghì đầu con trâu dữ khi sừng nó đã ép cái thân nhỏ bé của tôi chìm vào đống rơm. Bằng sức lực của mình, ông tôi bẻ sừng con vật hung dữ khiến nó phải khuất phục, buông tha cho tôi, nhờ đó mà tôi thoát chết.

Mùa Đông năm đó khắc nghiệt, con trâu bị bệnh. Thú y xã đến tiêm nhưng vài ngày chống chịu, con vật bị đổ. Đổ là cách nói trâu gục của quê tôi. Cả đội đói nên tin con trâu nhà ông tôi đổ lan đi như một làn gió. HTX cho ngả thịt con trâu để chia cho các hộ trong đội. Người ta không chừa bất cứ thứ gì của con vật, thứ gì cũng cắt vụn để chia, mỗi nhà được khoảng một cân thịt trâu, bao gồm cả bạc nhạc, thịt bắp…

Khổ thân cho những đứa trẻ như chúng tôi, từ đầu năm đến cuối năm, may mắn mới được miếng thịt trâu bỏ vào mồm thì ngồi nhai từ đầu bữa đến cuối bữa mà không nuốt được. Chả giống thịt nghé tơ như bây giờ, thịt trâu ngày ấy nuôi để lấy sức kéo nên con nào lỡ có đổ, thịt nó cũng dai như giẻ váy, người lớn trệu trạo nuốt còn nghẹn huống gì đứa trẻ như tôi. Chả gì cứ thịt trâu mới hiếm mà ngay cả thịt lợn cũng hiếm. Mỗi năm, mỗi gia đình cũng chỉ được chia một vài cân để ăn Tết. Cá cũng vậy, tất cả ao chuôm trong làng, trong xã đều của ngư nghiệp, cuối năm tát ao mới được chia. Bởi vậy nên mới có cảnh đi hôi cá sau khi HTX thu hoạch ở các đầm. Hễ nhà ai có người sát cá hôi được nhiều là sung sướng lắm..

Mấy năm trước, tôi có dịp về quê. Đi qua chợ Gọc, thịt trâu, nghé treo đầy. Nghe người làng bảo đó là trâu ở miền Nam, Tây Bắc chuyển về, chủ yếu phục vụ nhu cầu làm thực phẩm. Chợt nhớ đến con trâu dữ ngày xưa và cái lần hú vía ngày còn thơ dại, tôi lại nhớ đến ông tôi, cây đa, giếng nước, sân chùa và tiếng pháo nổ đì đùng, đống lửa của đám trẻ chăn trâu trên triền đê vắng.

Những hình ảnh, thanh âm sống động ấy có lẽ khó tìm lại trong cuộc đời. Chiều quê giữa bảng lảng khói sương và ngây ngất gió, tôi vẫn cố kiếm tìm những nấc sống trâu gồ ghề của ngày xưa ấy, để thảng thốt nhận ra rằng dù cách xa muôn trùng, hồn phách quê hương trong lòng mỗi người đều cốt ở tấm lòng.

Bình luận (0)

Lên đầu trang