(CATP) Tôi người miền Trung, sống và làm việc ở TP.Hồ Chí Minh, ít có dịp về quê ăn Tết. Vì vậy mỗi lần Tết đến, lòng không khỏi bâng khuâng, nhớ nghĩ về quê hương, dòng họ với nhiều hoài niệm, liên tưởng.
Chính những bước chuyển của thời gian về phía Tết, dù rất nhẹ nhàng, cũng đủ sức gợi nên những bâng khuâng, hoài niệm và liên tưởng sẵn có đâu đó từ bề sâu tâm thức về Tết mà cái bận rộn của Sài Gòn cũng không làm cho sao nhãng được. Những lúc như vậy, tôi cũng thường nghĩ và liên tưởng đến cách cha ông ta gọi cái Tết lớn nhất trong năm là “Tết Ta” và gọi phong tục thờ cúng tổ tiên của người Việt là “Đạo Nhà”. Có mối liên hệ nào hoặc có quy chiếu chung nào cho hai cách gọi này không?
“Tết Ta” có thể chủ yếu được đặt trong quy chiếu với “Tết Tàu”, tựa như quy chiếu “Võ Ta” - “Võ Tàu”, hay như trong quy chiếu có phần tương tự là “Thuốc Nam” - “Thuốc Bắc” khi nói về y dược cổ truyền. “Tết Ta” cũng có thể chủ yếu được đặt trong quy chiếu “Tết Ta” - “Tết Tây” để phân biệt Tết cổ truyền âm lịch với Tết Tây theo dương lịch.
Nhưng dù đặt trong quan hệ đối sánh nào thì ý niệm về cái “Ta” ở tầm cấp dân tộc cũng hàm chứa một sự khẳng định, một niềm tự hào to lớn, và theo đó, chắc chắn có ý thức sâu sắc về sự giữ gìn cái riêng, cái truyền thống, tức cái cội nguồn và bản sắc của dân tộc mình. Không phải ngẫu nhiên Tết (Nguyên đán) và Võ (cổ truyền) ở Việt Nam được thêm vào từ “Ta” một cách đầy khẳng định và tự hào, bởi đó là những sản phẩm văn hóa gắn liền với tâm thức dân tộc, thể hiện rõ hơn đâu hết cái riêng, cái đặc sắc và cái bản lĩnh của một dân tộc trong trường kỳ phát triển đầy gian nan nhưng cũng đầy tự hào của mình.
Tết ở Việt Nam, Tết Ta, không chỉ là chuyện của lễ và hội đón mừng năm mới, của sự gởi gắm mơ ước mới vào một chu kỳ thời gian mới của vũ trụ, mà còn là, và chính là, cái Tết của đoàn viên, của ý thức về tổ tiên, dòng họ, cội nguồn, và sâu xa hơn, là ý thức về dân tộc, về bản sắc. Tết Ta, do đó, hơn lúc nào hết là dịp để người Việt kiến tạo và tái kiến tạo bản sắc, hiểu theo nghĩa là ý thức sâu sắc về cội nguồn và trách nhiệm của mình đối với việc giữ gìn, phát huy bản sắc của gia đình, của dân tộc.
Tết Ta, luôn gắn liền với phong tục và tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt. Nói đúng hơn, thờ cúng tổ tiên chính là một trong những nội dung bề sâu của Tết Ta. Cùng với Tết Ta, tín ngưỡng và phong tục thờ cúng tổ tiên của người Việt từ lâu đã trở thành giá trị cốt lõi, là sợi dây liên kết cộng đồng và là nền tảng của ý thức về cội nguồn, về bản sắc dân tộc, và đến trong nửa sau thế kỷ XIX, trong một quy chiếu mới, thờ cúng tổ tiên của người Việt trở thành một thứ “đạo”, đó là “Đạo Nhà”, đánh dấu một tầm ý thức mới của người Việt về bản sắc của mình trong một quy chiếu mới.
Từ “Đạo Nhà” gắn liền với tên tuổi của Nhà thơ Nam bộ Nguyễn Đình Chiểu (1822 - 1888), tác giả của truyện thơ Lục Vân Tiên, qua hai câu thơ của ông trong tác phẩm Ngư tiều y thuật vấn đáp viết khi cả Nam kỳ rơi vào tay giặc Pháp mà hẳn người Việt ai cũng biết: Thà đui mà giữ đạo nhà / Còn hơn có mắt ông cha không thờ. “Đạo Nhà” ở đây chính là đạo thờ cúng ông bà tổ tiên của người Việt - một phong tục, cũng là một tín ngưỡng, vốn có nguồn gốc lâu đời, từ tín ngưỡng hồn linh (vạn vật hữu linh) và lòng biết ơn đấng sinh thành, được bồi đắp thêm từ những quan niệm triết lý có tính hệ thống của Nho giáo, đã trở thành một trong những nền tảng tinh thần đậm đà bản sắc của người Việt.
Từ rất sớm trong lịch sử Việt Nam, thờ cúng tổ tiên đã là một trong những đối trọng và là cơ sở để tiếp biến các tín ngưỡng ngoại lai. Tuy nhiên, phải đến những thập niên đầu của nửa sau thế kỷ XIX, khi đất nước bị thực dân Pháp xâm lược, và nhất là trong bối cảnh Nam Kỳ trở thành vùng đất “trực trị” của thực dân Pháp (từ 1862 với ba tỉnh Miền Đông Nam Kỳ là Biên Hòa, Gia Định, Định Tường; và từ 1874 với toàn bộ Nam Kỳ, gồm cả ba tỉnh Miền Tây là Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên) với sự xâm nhập và ảnh hưởng ngày càng mạnh mẽ của văn hóa ngoại lai xa lạ, trong đó có tín ngưỡng, tôn giáo, thờ cúng tổ tiên của người Việt mới thực sự được trí thức Việt Nam, cụ thể là cụ Nguyễn Đình Chiểu, nhận thức như một thứ đạo, đó là Đạo Nhà.
Tuy trải qua không ít thử thách, nhưng Tết Ta và Đạo Nhà của người Việt chưa bao giờ mất đi vai trò, vị trí của mình, nếu không nói là từ những thử thách trong lịch sử lại càng vững vàng, càng được nhận thức sâu sắc. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập hiện nay với nhiều quy chiếu đa dạng, đa chiều, vai trò của Tết Ta và Đạo Nhà, nhất là khi hai truyền thống này quyện hòa nhau làm một trong những dịp xuân về, tết đến, tôi tin rằng không người Việt nào lại không có chút bâng khuâng, nhớ nghĩ về cha ông, về cội nguồn, và tất nhiên từ đó, sẽ trân trọng và biết gìn giữ, phát huy hơn nữa những giá trị của cốt lõi của văn hóa dân tộc.