(CAO) Mang lời nguyện ước của mỗi người theo làn khói hương để "kết nối" thế giới thực và tâm linh, vì vậy nhang (hương) là thứ không thể thiếu trên bàn thờ của mỗi gia đình. Đặc biệt, vào các ngày lễ, tết, tang gia, hiếu hỉ…, chủ nhân của ngôi nhà sẽ thắp nén nhang để "báo" với tổ tiên và cầu mong bình an, phát đạt, hạnh phúc.
Những ngày giáp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, chúng tôi có dịp chạy dọc con đường Mai Bá Hương (xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh) để tìm hiểu nghề làm nhang tại địa phương này. Đây là thời gian cao điểm sản xuất nhang trong năm để phục vụ nhu cầu dịp Tết và rằm tháng Giêng. Chính vì vậy, vào địa phận làng nhang, chúng tôi bắt gặp rất nhiều hình ảnh người dân tất bật, hăng say làm việc để kịp cho chuyến giao hàng trong năm mới.
Mặc dù, nghề nhang tại xã Lê Minh Xuân đã được lưu giữ từ nhiều thế hệ qua, nhưng chỉ mới được công nhận làng nghề từ năm 2012. Cũng từ thời điểm này, nhiều người trên khắp cả nước biết đến làng nhang Lê Minh Xuân đã giúp nhiều hộ gia đình phát triển kinh tế, thúc đẩy nghề nhang phát triển.
Chỉ cần dạo quanh một buổi tại đây, du khách sẽ được chứng kiến hình ảnh hàng ngàn bó nhang được phơi dọc các tuyến đường hay trong khoảng sân trống trước nhà. Mùi hương nhang thoang thoảng trong gió khiến người đi đường cảm giác đang lạc vào thế giới tâm linh, an lạc.
Nhang được phơi khắp các con đường trong làng nhang Lê Minh Xuân.
Nhìn khung cảnh yên bình này, chúng tôi thầm nghĩ việc phơi nhang tưởng chừng như đơn giản, dễ dàng nhưng thực sự khi tìm hiểu thì mới thấy nghề này cũng lắm gian truân. Bởi lẽ, hôm nào nắng đẹp thì nhang mới khô ráo, giữ được màu vàng óng và bảo quản được lâu. Nhưng khi trời mưa thì nhang dễ bị mốc, xuống màu, thậm chí phải rã bột làm lại, hao tốn rất nhiều kinh phí.
Vì vậy để có được mẻ nhang chất lượng, đòi hỏi người dân phải chăm chút kỹ lưỡng. Tiếp đến, việc bó nhang là công đoạn kết thúc quy trình, nhang được bó lại thành từng thiên và giao cho chủ cơ sở trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ.
“Đây là thời điểm tất bật, tăng giờ làm thì mới kịp các đơn hàng cho Tết. Khu vực này người ta chuyển sang làm máy hết, riêng tôi chỉ còn se nhang bằng tay nên năng suất thấp, mỗi ngày chỉ se khoảng 8 đến 10 thiên (khoảng 1.000 cây)”, bà Tư (60 tuổi, ngụ xã Lê Minh Xuân) cho biết.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, để đạt năng suất cao, người dân đã chuyển dần các công đoạn làm nhang từ tay chân sang máy móc. Đây cũng là xu hướng phát triển tất yếu trong tương lai. Tuy nhiên, một vài hộ gia đình buôn bán nhỏ lẻ vẫn lưu giữ cách làm truyền thông để giữ lại nét truyền thống từ lâu đời.
Nếu gặp nắng đẹp thì nhang sẽ cho màu vàng óng và bảo quản được lâu.
Để làm ra một nén nhang thành phẩm cần rất nhiều công đoạn, trong đó quan trọng nhất là tay nghề của người thợ. Nhang ở đây chủ yếu được làm từ mùn cưa của thân câu bầu dó hoặc cây lồng mức. Khi trộn bột, thợ sẽ cho keo vào để kết dính bột nhang.
Đồng thời sẽ thêm các mùi hương (trầm, quế, tùng…) theo yêu cầu của khách hàng. Đây là công đoạn yêu cầu sự tỷ mỉ, cẩn thận của người thợ nhất. Bởi lẽ, phải trộn bột đến độ mịn và độ ẩm đạt yêu cầu thì cây nhang thành phẩm mới đẹp, bóng và bám chặt vào tăm. Nếu trộn không đúng cách nhang dễ vỡ, không thơm, cháy không đều hoặc cháy không hết. Vì vậy, mỗi người sẽ có “bí kíp” với từng công thức tinh chế, nhào trộn riêng. “Nếu làm thủ công thì cần kinh nghiệm còn làm máy thì cần sự tỷ mỉ mới cho ra cây nhang đẹp được”, bà Tư nhận định.
Người dân sắp nhang thành bó để giao thương lái.
Theo dòng chảy của kinh tế, những chiếc máy dần thay thế nhân công lao động trong mỗi gia đình. Chính các loại máy móc đã giúp nhiều hộ dân sản xuất được lượng nhang nhiều hơn, giảm bớt lao động nặng nhọc. Tuy nhiên, để có thể vận hành máy móc hoạt động một các hiệu quả, đòi hỏi người thợ phải biết cách xử lý khéo léo.
Ngày nay mỗi hộ làm nhang đều trang bị cho mình bộ ba các loại máy trộn bột, máy lừa tăm, máy phóng phục vụ cho sản xuất. Theo các hộ dân chạy gia công nhang cho các cơ sở mỗi ngày sản xuất ra khoảng 100 thiên (tương đương 100.000 cây nhang), đem về thu nhập 400 nghìn/ngày.
Máy móc dần thay thế con người trong quy trình sản xuất nhang.
Tính đến thời điểm hiện tại, xã Lê Minh Xuân đã thành lập được 4 tổ hợp tác se nhang với sự tham gia của 124 hộ dân. Đặc biệt, trong 5 năm qua, Hội Nông dân xã đã giới thiệu cho người dân vay vốn làm nhang với tổng số tiền gần 3,4 tỉ đồng từ các nguồn vốn hỗ trợ. Chính sự quan tâm đúng mức, kịp thời của chính quyền địa phương đã tạo điều kiện cho người dân an tâm sản xuất, ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế để thoát nghèo bền vững.
Chúng tôi rời làng nhang trong buổi chiều nắng ráo, mùi hương của nhang cứ phảng phất trong gió theo chúng tôi. Hình ảnh của những nén nhang thành phẩm được bó thành từng bó như những đoá hoa rực rỡ sắc màu đã đem đến cho chúng tôi cảm giác nhẹ nhàng, bình an. Thầm mong mỗi người thợ làm nhang sẽ được một mùa bội thu để tận hưởng một cái Tết sum vầy, đầm ấm, no đủ bên gia đình.
Nhang thành phẩm được bó lại chuẩn bị giao lại cho thương lái