(CAO) Với mong muốn mang đến niềm hạnh phúc trọn vẹn cho các đôi uyên ương có hoàn cảnh khó khăn, không thể tổ chức đám cưới cho riêng mình, các 'ông tơ, bà nguyệt' của Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Công nhân tiếp tục tổ chức Lễ cưới tập thể.
Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Công Nhân - Thành Đoàn TP.HCM được thành lập vào tháng 11-2006, với nhiệm vụ chăm lo hỗ trợ thanh niên công nhân người lao động có hoàn cảnh khó khăn. Nhận thấy nhiều cặp vợ chồng có hoàn cảnh khó khăn nhưng không có điều kiển để tổ chức lễ cưới cho riêng mình; từ đó, 'Lễ cưới tập thể' với khẩu hiện 'Tôn vinh nét đẹp văn hoá Việt' được ra đời.
Trải qua 10 năm, chương trình đã kết duyên cho 722 đôi uyên ương với 1.444 thanh niên công nhân, tổng kinh khí thực hiện gần 20 tỷ đồng. Mô hình Lễ cưới tập thể với ý nghĩa nhân văn sâu sắc đã được nhân rộng ra tại các tỉnh thành như Hà Nội, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bình Phước,....
Dương Ngọc Tuấn - Giám đốc Trung tâm hỗ trợ Thanh niên Công nhân TP.HCM, năm nay lễ cưới sẽ tái hiện khung cảnh rước dâu truyền thống, chú rể sẽ chở cô dâu trên xe đạp. Ngoài ra, các cặp đôi sẽ có những phần quà ý nghĩa như phiếu mua hàng, gối, nệm, điện thoại di động,....
'Ông tơ' Dương Ngọc Tuấn - Giám đốc Trung tâm hỗ trợ Thanh niên Công nhân TP.HCM
"Cô dâu sẽ mặc áo dài, tay cầm nón lá; chú rể chở cô dâu trên xe đạp chạy vòng quanh thành phố, tạo hình ảnh truyền thống ấn tượng. Năm nay, lễ cưới vẫn thực hiện theo hành trình hạnh phúc, sau khi kết thúc tiệc cưới, các cặp đôi sẽ được đi tham qua các địa điểm du lịch, tham gia các trò chơi nhóm và được tập huấn cách chi tiêu, dạy con như thế nào. Thông điệp của chương trình là muốn gởi đến các bạn công nhân là hãy luôn tin tưởng vững vàng trong cuộc sống, trung tâm sẽ luôn ở bên cạnh đồng hành cùng bạn", 'ông tơ' Dương Ngọc Tuấn chia sẻ.
Đôi vợ chồng trẻ Văn Sang - Ngọc Ánh công tác tại UBND P.Hiệp Bình Phước, Q.Thủ Đức, hân hoan chia sẻ niềm vui khi được tham gia chương trình.
"Vợ chồng tôi đã đăng ký kết hôn từ ngày 17-7-2017, mặc dù làm tại Phường nhưng là nhân viên hợp đồng nên thu nhập rất thấp và nếu tổ chức lễ cưới thì hai đứa thực sự không đủ khả năng. Khi tìm hiểu Lễ cưới tập thể này và biết có chương trình dành cho cán bộ Đoàn gặp khó khăn nên vợ chồng đăng ký tham gia, việc tổ chức này rất ý nghĩa và tiết kiệm', chú rể Ngô Văn Sang (SN 1990, quê Quảng Nam) cho hay.
Đôi vợ chồng trẻ Văn Sang - Ngọc Ánh
"Gia đình hai bên cũng tạo điều kiện cho bọn em tham gia chương trình, Lễ cưới tập thể đáp ứng dược tiêu chí văn minh - hiện đại - nghĩa tình, đã giúp đỡ cho các cặp đôi công nhân có hoàn cảnh khó khăn như vợ chồng em. Công tác chuẩn bị rất nhiều nhưng các anh chị ban tổ chức đã chuẩn bị chu đáo từ những việc nhỏ. Điều đặc biệt là chương trình không làm đại trà chạy theo tiêu chí mà xét duyệt nhiều lần nên khi em nhận được thông báo, cảm giác rất vui và hạnh phúc', cô dâu Ngô Thị Ngọc Ánh (SN 1995, ngụ TP.HCM).
Các hoạt động tại lễ cưới tập thể
Chia sẻ với báo chí, 'cựu uyên ương' Nguyễn Văn Minh - Nguyễn Thị Kim Tuyết vui mừng khi được quay trở lại với Lễ cưới tập thể 2017.
"Vợ chồng tôi đã tham gia từ năm 2015, lúc đó chúng tôi vô tình biết được chương trình thông qua người bạn nên đã đăng ký. Các đám cưới bình thường thì mình đã được tham dự nhiều rồi nên mình đã chọn đám cưới tập thể để lưu giữ kỷ niệm và thực sự đây là một lễ cưới không thể nào quên được. Quay trở lại lần này, vợ chồng mình như được gợi lại cảm xúc của ngày tháng tham gia, rất phấn khởi, rất tuyệt vời", anh Minh cho biết.
Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ Thanh niên Công nhân TP.HCM - bà Thái Thị Hoài Sơn chia sẻ, trong 10 năm qua, chương trình đã gặp nhiều khó khăn từ địa điểm tổ chức lễ cưới tập thể, kinh phí thực hiện phụ thuộc vào nhà tài trợ và đặc biệt là công tác vận động các cặp đôi tham gia.
"Năm 2012, chúng tôi tổ chức cho 120 cặp đôi tham gia, may mắn chúng tôi được sự đồng hành của các đơn vị tài trợ nên đã tìm được không gian tiệc cưới đáp ứng tiêu chí của chương trình. Trung tâm hoạt động từ xã hội hoá nên không có ngân sách thực hiện chương trình như vậy. Do đó, công tác thuyết phục các đơn vị tham gia là sự nỗ lực của thành viên ban tổ chức", bà Hoài Sơn nói.
Lễ cưới tập thể đã nhận được nhiều xác nhận kỷ lục trong 10 năm qua
Cũng theo 'bà nguyệt' Hoài Sơn, quan điểm của người Việt Nam, chuyện cưới hỏi được thực hiện theo truyền thống và là việc riêng tư của từng gia đình, cô dâu và chú rể là nhân vật chính chứ không thể ghép đôi nhiều người. Tiếp đến là việc nhiều bạn trẻ có hoàn cảnh khó khăn nhưng ái ngại, không tin có chương trình đồng hành này.
"Từ suy nghĩ đám cưới truyền thống đến việc các bạn trẻ ái ngại là chúng tôi không thể thực hiện được điều họ mong muốn, không tin xã hội còn những bạn đoàn viên thanh niên hỗ trợ họ làm lễ cưới tốt như vậy. Mặc khác, các cặp đôi khó khăn cũng không muốn lấy hoàn cảnh của mình đổi sự cảm thông chia sẻ của nhiều người. Đặc biệt là các cặp đôi khiếm khuyết về cơ thể hoặc khuyết tật rất ái ngại khi tham gia chương trình", 'bà nguyệt' Hoài Sơn tỏ bày.
Khởi đầu từ ngày 7-7-2007, chương trình với sự tham gia của 7 đôi uyên ương. Trong năm 2010, chương trình đã được xét kỷ lục khi thực hiện 2 lễ cưới tập thể cho 15 cặp đôi với tiết mục diễu hành xe xích lô ấn tượng trên đường phố Sài Gòn. Năm 2011, chương trình tổ chức cho 80 cặp đôi và nhận được Kỷ lục Việt Nam - "Lễ cưới tập thể dành cho thanh niên công nhân có số lượng cặp đôi đông nhất Việt Nam". Năm 2012, Lễ cưới tập thể cho 120 cặp đôi đã nhận 2 kỷ lục 'Lễ cưới tập thể có nhiều cặp đôi tham gia nhiều nhất' và 'Kỷ lục sân khấu tiệc cưới lớn nhất'; đồng thời Thành Đoàn TP.HCM cũng trao tặng giải thưởng 'Hồ Hảo Hớn'. Năm 2013, lễ cưới tập thể cho 100 cặp đôi với chương trình diễu hành bằng xe đạp điện. Năm 2014, nhân kỷ niệm 32 năm Ngày Truyền thống Thanh niên Công nhân PT.HCM, lễ cưới tập thể tổ chức cho 100 cặp đôi. Trong các năm 2015, 2016 và 2017, Lễ cưới tập thể được tổ chức cho 100 đôi uyên ương nhân ngày Quốc khánh nước của đất nước. |