Phụ huynh hài lòng với dự án 'Bữa ăn học đường'

Thứ Tư, 21/06/2017 13:40  | P.V

|

(CAO) Dự án Bữa ăn học đường không chỉ nhận được sự quan tâm đặc biệt của nhà trường, mà còn thu hút đông đảo các bậc phụ huynh, giúp việc phối hợp giữa gia đình và nhà trường thêm khăng khích nhằm giúp các em có những bữa ăn cân bằng về dinh dưỡng.

Vì sao phải cải thiện dinh dưỡng học đường?

Điều tra khẩu phần ăn của trẻ từ 6 đến 11 tuổi mới đây cho thấy: Khẩu phần năng lượng chỉ đạt khoảng 76% nhu cầu đề nghị, khẩu phần canxi rất thấp (ở nhóm tuổi 6 - 9 tuổi chỉ đạt 59%, ở nhóm tuổi 9 - 11 tuổi chỉ đạt 45% nhu cầu) khẩu phần sắt của nhóm tuổi 6 - 9 tuổi đạt khoảng 68% và nhóm tuổi 9 - 11 tuổi đạt 54% nhu cầu, khẩu phần vitamin A của nhóm tuổi 6 - 9 tuổi đạt khoảng 54% và nhóm tuổi 9 - 11 tuổi đạt 43% nhu cầu, khẩu phần vitamin C sau chế biến của nhóm tuổi 6 - 9 tuổi đạt khoảng 61% và nhóm tuổi 9 - 11 tuổi chỉ đạt 49% nhu cầu.

Nguyên nhân thì có nhiều, trong đó phải kể đến việc thiếu quy định chặt chẽ về chất lượng bữa ăn học đường. Bữa ăn học đường xuất phát từ nhu cầu của phụ huynh nên mỗi nơi một kiểu. Bản thân các trường học cũng xây dựng thực đơn theo kinh nghiệm chứ chưa dựa trên một nghiên cứu khoa học về dinh dưỡng nào cả. Người xây dựng thực đơn cho trẻ chưa phải là người có kiến thức chuyên môn về dinh dưỡng mà là giáo viên, kế toán, hay thậm chí là cô bảo mẫu của trường nên chuyện bữa ăn chưa đầy đủ dinh dưỡng là chuyện dễ hiểu.

Học sinh tiểu học dùng bữa trưa với thực đơn đa dạng, phong phú, đảm bảo dinh dưỡng. Ảnh: Sơn Trà

Kinh nghiệm từ các nước cho thấy bữa ăn học đường góp phần không nhỏ vào việc cải thiện thể lực, trí lực của học sinh. Với những quy định cụ thể về tiêu chuẩn dinh dưỡng, điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm giúp cho trẻ phát triển tối đa cả về thể chất và tinh thần. Việc áp dụng một cách khoa học bữa ăn học đường ngoài trách nhiệm xây dựng khẩu phần ăn phù hợp cho từng cấp học mà còn thực hiện giáo dục dinh dưỡng cho học sinh có thói quen ăn uống lành mạnh ngay từ nhỏ.

Phụ huynh rất hài lòng

Với một ngân hàng thực đơn gồm 120 thực đơn sẵn có, trên 360 món ăn không lặp lại cho bữa trưa, phần mềm “Xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng” trong dự án Bữa ăn học đường đã giúp những bữa ăn của học sinh bán trú trở nên ngon hơn, dinh dưỡng hơn, góp phần tạo dựng một thế hệ tương lai khoẻ mạnh cả về trí lực và thể lực.

Cô Lê Thị Mỹ Anh, phó hiệu trưởng Trường tiểu học Trưng Trắc (quận 11) chia sẻ, “Trước khi có dự án này, nhà trường cho học sinh ăn một bữa chỉ có 3 món: cơm, canh, món mặn, và học sinh ăn những món mà các em thích. Chức năng chính của trường tiểu học là giáo dục, nên vấn đề dinh dưỡng cho học sinh bán trú là một bài toán không dễ với chúng tôi. Từ ngày có dự án, bài toán khó ấy đã được giải một cách nhẹ nhàng, cả cô và trò đều rất hài lòng”

Không chỉ "giải bài toán" cho nhà trường về dinh dưỡng, dự án Bữa ăn học đường cũng đang "khai thông" thế bế tắc cho các bậc phụ huynh về bữa ăn tại nhà.

Chị Nguyễn Hoài Thương, phụ huynh đang có 2 cô con gái theo học lớp 2 và lớp 4 tại một trường tiểu học trên địa bàn quận Phú Nhuận vui mừng chia sẻ, từ ngày trường áp dụng phàn mềm Bữa ăn học đường, việc ăn uống của hai con tốt thấy rõ.

"Cháu lớn đang học lớp 4 đã biết lên phần mềm giúp tôi ra thực đơn, những ngày nghỉ biết giúp mẹ nấu nướng, biết thực phẩm nào tốt, ăn bao nhiêu thì vừa, tại sao phải ăn nhiều rau, chế biến ra sao... cháu đều thành thục. Còn cô gái nhỏ trước giờ biếng ăn, ốm yếu thì nay đã tăng cân, về nhà tự ăn uống chứ không ép như trước. Tôi thấy các cháu thay đổi rõ rệt, học hành thấy tốt hơn, không đợi ba mẹ nhắc nhở. Cô giáo chủ nhiệm của cả hai cháu cùng thông báo là các cháu ăn ngon, hết phần ăn chứ không bỏ bữa như hồi trước. Tôi rất mừng", chị Thương chia sẻ thêm.

Chị Phan Tuyết Trinh (ngụ ở Bình Thạnh), hào hứng chia sẻ, con trai chị năm nay lên lớp 3. Từ nhỏ cháu chỉ ăn thịt, trứng mà không ăn rau củ. Trong năm học vừa qua, nhà trường đã cải thiện bữa ăn với nhiều món mới lạ, ngon miệng nên cháu đã ăn được rau, củ và những món canh mà hồi trước cháu không bao giờ đụng vào.

“Nghe con nói nhà trường đang dành nhiều thời gian giảng dạy về dinh dưỡng, cách thay đổi nhận thức dinh dưỡng này đang phát huy hiệu quả ngay với đứa con trai của mình. Là cha mẹ, nói thật không có gì vui hơn khi nhìn thấy con ăn ngon miệng, con lại hiểu về dinh dưỡng nữa. Vừa rồi đọc báo tôi mới biết là nhà trường đang triển khai dự án Bữa ăn học đường, tôi đã vào trang web của dự án và đang cố gắng học thêm từ bộ thực đơn phong phú của chương trình này. Tôi rất hài lòng với cách làm mới này", chị Trinh vui vẻ cho biết.

“Dự án “Bữa ăn học đường” do Ajinomoto đề xướng là một dự án ý nghĩa không chỉ cải thiện dinh dưỡng cho học sinh, giáo dục cho học sinh về thói quen ăn uống lành mạnh mà qua đó còn góp phần thay đổi nhận thức của cả đội ngũ giáo viên, phụ huynh học sinh. Qua đó, dự án đã góp phần đáng kể trong nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo của thành phố”, Ông Nguyễn Minh, Trưởng phòng Công tác học sinh sinh viên, Sở GD-ĐT TP HCM chia sẻ.

Bình luận (0)

Lên đầu trang