Phụ nữ Lào địu con hàng chục cây số để được khám bệnh

Thứ Bảy, 26/05/2018 19:30  | Ngô Đồng

|

(CAO) Hình ảnh những bà mẹ địu con đi trên đường làng, trên nương rẫy và cả ở bệnh viện là những hình ảnh rất dễ bắt gặp ở miền quê nước Lào.

Người dân Lào ở huyện Thà Tèng, tỉnh Sê Kông phần lớn làm nương rẫy, đời sống vật chất còn nhiều khó khăn, thu nhập thấp. Người phụ nữ khi đã lấy chồng, chỉ quay cuồng quanh việc chăm sóc chồng con - gia đình, ruộng nương.

Theo các bác sĩ Trung tâm y tế huyện Thà Tèng, do sống cách xa trung tâm nên người dân ở đây cũng rất ít có điều kiện để khám chữa bệnh, điều kiện chăm sóc y tế thiếu thốn cũng như thiếu kiến thức về chính sách kế hoạch hóa gia đình nên các gia đình ở đây đều đông con. Trung bình các gia đình ở đây đều có từ 4-5 con nhỏ, độ tuổi các bé cách nhau không nhiều.

Do phụ nữ sinh đẻ nhiều, nên đến huyện Thà Tèng, không khó để bắt gặp những đứa trẻ say giấc nồng trên lưng mẹ. Phụ nữ ở đây có thói quen địu con trước ngực, cõng con trên lưng. Hình ảnh này cũng thường được thấy ở những miền dân tộc vùng cao ở Việt Nam. Những đứa trẻ được bọc trong chiếc địu bằng vải ngoan ngoãn ngủ yên trên lưng mẹ. Tấm khăn nhỏ bề ngang, đủ chiều dài ấy có nhiều công dụng, và công dụng phổ thông nhất là để địu con.

Em bé như một phần cơ thể của mẹ, gắn với mẹ trên mọi bước đường, trong mọi công việc. Em theo mẹ xuống chợ, cùng mẹ lên nương. Em tự chơi với mình, tự cười, và gà gật ngủ khi mẹ mải miết làm việc...

Những em bé ấy lớn dần trên lưng mẹ. Em cùng mẹ chịu vất vả tảo tần. Cơ thể em cùng chung nhịp bước với mẹ, ủ bằng hơi ấm mẹ, cảm nhận giọt mồ hôi lưng mẹ và tình thương mênh mông mẹ dành cho em.

Những gia đình sống trong các buôn làng tại núi Phu Chôm, huyện Thà Tèng cách xa Trung tâm y tế huyện hàng chục cây số. Để đến được bệnh viện khám bệnh, nhiều phụ nữ cho biết họ phải địu con đi bộ hơn 15km mới đến được. Hình ảnh những phụ nữ tuổi còn trẻ dắt díu đàn con nheo nhóc ngồi trước sân chờ khám bệnh để lại nhiều cảm xúc.

Được biết, chính phủ Lào đã đề ra mục tiêu tăng tỷ lệ người dân sử dụng các biện pháp tránh thai lên 65% dân số vào năm 2020.

Một số hình ảnh người mẹ Lào địu con rất đỗi dịu dàng mà chúng tôi ghi được trong dịp cùng đoàn y bác sĩ Bệnh viện quận 2 TP.HCM sang khám bệnh, phát thuốc và tặng quà cho người dân nơi đây:

Phụ nữ ở đây có thói quen địu con trước ngực, cõng con trên lưng.
Những đứa trẻ được bọc trong chiếc địu bằng vải ngoan ngoãn ngủ yên trên lưng mẹ.
Vì ở trên núi cao, đời sống còn khó khăn khiến trẻ ở đây còi cọc, suy dinh dưỡng và dễ mắc các bệnh về hô hấp, bệnh đường tiêu hóa,...
Em bé như một phần cơ thể của mẹ, gắn với mẹ trên mọi bước đường, trong mọi công việc.

Theo các bác sĩ Trung tâm y tế huyện Thà Tèng, người dân ở đây sống trong tình trạng xa thị trấn, xa bệnh viện, không có điều kiện chăm sóc sức khỏe cũng như hiểu biết về chính sách kế hoạch hóa gia đình nên các gia đình ở đây đều đông con
Hình ảnh những phụ nữ tuổi còn trẻ dắt díu đàn con nheo nhóc ngồi trước sân chờ khám bệnh để lại nhiều cảm xúc.
Trung bình các gia đình ở đây đều có từ 4-5 con nhỏ, độ tuổi các bé cách nhau không nhiều.
Những gia đình sống trong các buôn làng tại Phu Chôm cách xa Trung tâm y tế huyện hàng chục cây số. Để đến được bệnh viện khám bệnh, nhiều phụ nữ phải địu con đi bộ đến khiến các bác sĩ vô cùng cảm động.
Chăm sóc sức khỏe đối với người dân nơi đây còn là điều xa xỉ
Tranh thủ khám cả mẹ lẫn con khi có đoàn khám bệnh từ Việt Nam sang.
Các bé được bác sĩ Việt Nam tham khám.
Để đến được Trung tâm y tế huyện Thà Tèng khám bệnh, có gia đình phải dậy từ sớm, vượt quãng đường dài đi bộ hơn 15km.

Người dâ n rất vui khi được khám bệnh, phát thuốc miễn phí
Vượt những đoạn đường đèo dốc hiểm trở, heo hút gần 1.000 cây số mới đến được Thà Tèng, nhưng đoàn y bác sĩ BV Quận 2 ai nấy đều cảm thấy ấm lòng, mệt mỏi tan biến khi chứng kiến cảnh người dân phải đi bộ hàng chục cây số đến chờ khám bệnh. Hơn cả những sự gian truân của đường sá là tình thương không biên giới của các y bác sĩ Việt Nam khi đến với người dân nước bạn Lào xa xôi, vì một công việc thiện nguyện hết sức ý nghĩa, mang lại lợi ích cho người dân.

Bình luận (0)

Lên đầu trang