Nhức óc với những khu chợ "loạn nhịp" vì tiếng ồn

Chủ Nhật, 13/03/2022 19:44  | Hải Văn

|

(CATP) Bên cạnh việc phải hứng chịu tiếng ồn từ xe cộ, loa quảng cáo (QC) của nhiều cửa hàng điện tử, shop quần áo, giày dép…, nhiều người dân còn bị "tra tấn" bởi đủ loại âm thanh của những chiếc loa di động từ các khu chợ tự phát. Mỗi khi chợ họp, dàn tạp âm này đồng loạt ra rả "phát sóng" khiến bà con muốn "loạn não". Tình trạng "ô nhiễm tiếng ồn" tràn lan tại cộng đồng dân cư đang trở thành vấn nạn đô thị, ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng sống của người dân.

Khổ sở vì tiếng loa bán hàng

Mặc dù cơ quan chức năng xã Xuân Thới Đông (H.Hóc Môn) thường xuyên tuần tra kiểm soát, nhưng từ sáng sớm nhiều tuyến đường xung quanh Chợ đầu mối nông sản (CĐMNS) Hóc Môn (xã Xuân Thới Đông) như các tuyến đường số (ĐS) 10, số 12, Quốc lộ 22, Nguyễn Thị Sóc... có hàng trăm hàng rong, xe đẩy vô tư lấn chiếm lòng lề đường (LLĐ) để buôn bán.

Nhộn nhịp nhất là ĐS4 nằm bên hông ngôi chợ này, mỗi ngày tại đây có hàng trăm người lấn chiếm LLĐ để kinh doanh, khiến tình trạng kẹt xe xảy ra thường xuyên. Để thu hút khách, người bán sử dụng hàng chục chiếc loa đi động thu sẵn lời rao rồi phát oang oang ra xung quanh, âm thanh chát chúa này cộng hưởng với tiếng gọi nhau í ới của người bán kẻ mua cùng tiếng xe cộ nườm nượp qua lại làm cho ĐS4 trở nên "loạn nhịp"! "Ô nhiễm tiếng ồn" chưa đủ, nhiều người còn đổ nước thải, cặn bẩn và vứt hàng đống rác thải ra xung quanh, gây ô nhiễm môi trường.

Tương tự, nhiều tuyến đường xung quanh CĐMNS Thủ Đức (P.Tam Bình, TP.Thủ Đức) như: Ngô Chí Quốc, Tỉnh lộ (TL) 43, hai bên cầu Bình Đức... cũng có hàng trăm người bán hàng rong, xe đẩy lấn chiếm LLĐ buôn bán, nhiều nhất là từ cổng chính khu chợ này đến chân cầu vượt Bình Phước.

Ngoài gây kẹt xe, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường, nhiều người còn sử dụng hàng chục chiếc loa cầm tay để QC, rao gọi bán hàng. UBND P.Tam Bình thường xuyên kiểm tra, xử lý chợ tự phát này, nhưng khi thấy lực lượng chức năng, chủ hàng lập tức trốn vào 2 bên đường hoặc các con hẻm cạnh đó "ghim" hàng, đợi lực lượng chức năng rời đi, họ lại bày ra buôn bán tiếp. Việc dẹp bỏ các chợ tự phát này vì thế gặp không ít khó khăn.

Người đi đường bị "tra tấn" bởi hàng chục loa di động bên hông Chợ đầu mối nông sản Hóc Môn

Vào giờ cao điểm, nhiều đoạn đường trước cổng Khu chế xuất Linh Trung 2 (P.Bình Chiểu, TP.Thủ Đức) trở nên ồn ào bởi tiếng máy móc từ các xí nghiệp, tiếng xe cộ và nhất là tiếng rao mời gọi mua hàng phát ra từ những chiếc loa di động. Anh Tùng, người bán trái cây trước cổng Khu chế xuất Linh Trung 2 cho biết, trước đây mỗi lần đi bán hàng, vợ chồng anh thường rao bằng miệng đến khản cổ họng; còn giờ chỉ cần bỏ ra vài trăm ngàn mua chiếc loa di động, thu âm lại lời rao của mình là có thể vô tư phát cả ngày mà không cần mở miệng mời chào.

Nằm giao nhau giữa các tuyến TL27 và TL19 (P.Thạnh Lộc, Q12) là khu chợ "chồm hổm" nhóm họp nhộn nhịp. Nhiều người bán hàng tại đây cũng sử dụng hàng chục chiếc loa di động phát om sòm ra xung quanh khiến người đi chợ và bà con sống xung quanh nhiều phen nhức óc. Cách đó không xa, tại "mũi tàu" đường Bùi Công Trừng - Hà Huy Giáp (giáp ranh giữa P.Thạnh Xuân và P.Thạnh Lộc, Q12) có khu "chợ cóc" nhóm họp xôm tụ, trở thành "điểm đen" về kẹt xe. Một cửa hàng Bách Hóa Xanh tại chợ "chồm hổm" này còn góp âm bằng chiếc loa "khủng" QC nhiều mặt hàng rau củ quả giảm giá khiến bà con chịu không thấu.

Một chợ tự phát khác trên Hương lộ 80B - đoạn trước cổng Khu công nghiệp Tân Thới Hiệp (Q12) hoạt động rất nhộn nhịp. Để chèo kéo khách, nhiều người bán sử dụng đủ loại loa di động, cầm tay phát ầm ĩ ra xung quanh.

Cần sớm dẹp bỏ

Nhiều tuyến đường xung quanh Khu công nghiệp Tân Tạo (Q.Bình Tân) như: ĐS54, xa lộ Đại Hàn, đường Song Hành, hầm chui cầu vượt Tân Tạo, trước mặt Công ty Pouyuen Việt Nam... có hàng trăm tiểu thương, người bán hàng rong, xe đẩy, xe kéo nhóm họp xôm tụ. Người bán vô tư tràn ra LLĐ, hầm chui cầu vượt để "xí chỗ" và đặt hàng chục chiếc xe ba gác, xe lôi, sạp hàng di động giữa lòng đường, gây kẹt xe nghiêm trọng. Cũng giống như các chợ tự phát khác, không ít tiểu thương tại đây sử dụng những chiếc loa di động phát đủ loại tiếng rao khiến cả khu vực như ong vỡ tổ. Để "dìm hàng" đối phương, người bán đua nhau vặn volum hết cỡ khiến cả một góc phố trở nên ầm ĩ.

Tiếng ồn do loa di động gây ra ở chợ "chồm hổm" Thạnh Lộc khiến nhiều người bức xúc

Anh Trần Mạnh Kha - nhân viên văn phòng - phàn nàn rằng, vợ chồng anh mới thuê căn nhà gần ngã ba Nguyễn Khoái - Tôn Thất Thuyết (Q4). Dọn về ở được hơn tháng, vợ chồng anh phải tức tốc chuyển nhà đi chỗ khác, vì ngay nơi anh thuê có khu chợ tự phát rất ồn ào. "Từ 4 giờ 30 - 5 giờ sáng, hàng chục người bán rong, xe đẩy tụ tập hai bên ngã ba này bày bán đủ loại thịt cá, rau củ, trái cây... Để thu hút khách, có người dùng miệng rao hàng, nhưng đa số sử dụng loa di động phát ra rả làm nhiễu loạn âm thanh. Tiếng rao khiến con nít đang ngủ cũng phải bật dậy khóc ré lên", anh Kha ngao ngán cho biết.

Không chỉ đứng phát một chỗ, người bán hàng rong còn len lỏi vào các con đường, ngõ hẻm mở loa om sòm. Anh Nguyễn Văn Bình (ở trọ tại P.Bình Chiểu, TP.Thủ Đức) than thở: "Mấy bữa nay em làm ca đêm, buổi sáng phải ngủ bù để lấy sức chiều đi "cày" tiếp. Ai dè từ tờ mờ sáng, hết người bán bánh mì, xôi, bắp nấu, đến người thu mua ve chai, ép dẻo, mài dao, mài kéo... gắn những chiếc loa di động rao oang oang, chẳng tài nào chợp mắt nổi. Ngày nào cũng bị những thứ âm thanh hỗn tạp này "khủng bố" không loạn não mới lạ!".

Bác sĩ Trần Việt Anh cho biết, tiếp xúc với tiếng ồn cao lâu ngày sẽ dẫn tới ù tai, điếc, dây thần kinh thính giác sẽ teo lại, bị stress, cáu giận, chóng mặt, đau đầu và có nguy cơ cao về rối loạn tiền đình, đãng trí. Tiếng ồn có thể khiến trẻ mất tập trung, ảnh hưởng đến hiệu quả học ngôn ngữ. Rối loạn thần kinh thực vật, suy nhược thần kinh, nhức đầu, khó ngủ, khó tập trung, hồi hộp... cao hơn so với những người sống ở khu vực khác.

Theo quy định tại tiêu chuẩn Việt Nam TCVN-5949, mức âm thanh trong khu dân cư được phép dao động đến 75dB (decibel) trong thời gian từ 6 giờ - 18 giờ, dao động 70dB từ 18 giờ - 22 giờ, từ 22 giờ hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau phải dưới 50dB. Tuy nhiên, ở hầu hết các thành phố lớn tiếng ồn luôn vượt hàng chục lần so với quy định. Nghị định 117/2009/NĐ quy định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường với hành vi gây tiếng ồn vượt chuẩn 1,5 lần trở lên trong khoảng từ 6 giờ đến trước 22 giờ sẽ bị phạt 30 - 50 triệu đồng; trong khoảng thời gian từ 22 giờ đến 6 giờ ngày hôm sau sẽ bị phạt 70 - 100 triệu đồng.

Đầu năm 2022, UBND TPHCM đã có văn bản gửi các sở, ngành, quận huyện và TP.Thủ Đức yêu cầu tiếp tục chủ động thực hiện hiệu quả các giải pháp, biện pháp xử lý nghiêm nhóm hành vi vi phạm có mối liên hệ với nhau: tiếng ồn - phòng chống dịch bệnh - an ninh trật tự. UBND TPHCM cũng giao các cơ quan chức năng: Sở Tư pháp, Sở Công thương, Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Y tế... tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm xử lý hiệu quả vấn nạn này. Ở địa phương, cấp huyện, xã nào để xảy ra vi phạm về tiếng ồn do buông lỏng quản lý, ảnh hưởng tiêu cực đến công tác phòng chống dịch bệnh hoặc an ninh trật tự thì tiến hành xem xét trách nhiệm, xử lý người đứng đầu, cán bộ, công chức, viên chức.

Bình luận (0)

Lên đầu trang