Những hành động 'bộc phát' không giống ai của giới trẻ Việt (Kỳ II)

Thứ Bảy, 29/10/2016 01:37  | Đồng Thần

|

(CAO) Giới trẻ là một bộ phận năng động, góp phần xây dựng tương lai của nước nhà. Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp những hành động "bộc phát" không giống ai của giới trẻ Việt không chỉ khiến người lớn cảm thấy khó hiểu mà còn khiến cả nhiều bạn trẻ khác phải lắc đầu ngao ngán.

Chụp hình tự sướng không đúng chỗ

Thói quen chụp hình “tự sướng” vốn không xấu nhưng nhiều bạn trẻ lại quá lạm dụng nó, khiến người khác nhìn vào đôi khi tạo thành ác cảm.

Thay vì để người ngồi sau cầm gậy tự sướng chụp hình, người thanh niên này một tay cầm lái một tay tự chụp hình

Chẳng hạn, một nhóm bạn trẻ khi đi vào Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh lại vô tư tạo dáng trước những hiện vật trưng bày, trong khi nơi đây vốn được xem là chỗ tôn nghiêm, không ít hiện vật còn gắn liền với giai đoạn lịch sử của dân tộc nên việc chụp hình “tự sướng” là rất không phù hợp.

Không ít bạn trẻ thích chụp hình "tự sướng" ở bất cứ đâu và hầu chư chẳng cần để ý đến xung quanh

Hay khi đi với nhóm bạn vào quán ăn, nhân viên vừa bưng món đặt lên bàn thì một vài thành viên trong bàn vội nói “khoan”, rồi lấy điện thoại ra chụp hình, hệt như một “nghi thức” trước khi ăn.

Thiếu nữ này thậm chí còn vào nhà vệ sinh nam để chụp hình "tự sướng"

Không ít người còn có sở thích kì quái hơn là vào nhà vệ sinh của các nhà hàng, khách sạn đắt tiền để chụp hình “tự sướng” theo kiểu chứng tỏ, mình đã tới tận từng ngõ ngách của khu vực sang chảnh này.

Thích lối sống ảo

Cách đây không lâu, cộng đồng mạng lại gặp phải một trường hợp “sống ảo” khó ngờ. Đó là một thanh niên đặt mua một chiếc đồng hồ hàng hiệu trị giá 4,5 triệu đồng nhưng rốt cuộc chỉ đeo để chụp hình rồi trả lại.

Người đăng bài viết tố cáo việc này không ai khác hơn ngoài chủ shop bán đồng hồ cho người thanh niên nêu trên:

“Ông này có mua đồng hồ bên mình. Giá bên mình bán 1 chiếc đồng hồ là 4,5 triệu. Khi hàng về thì ông này bóc hàng ra kiểm tra hàng. Nhưng sau đó trả lại hàng luôn cho nhân viên giao hàng.

Chủ shop đồng hồ lên tiếng tố cáo thanh niên có lối "sống ảo"

Ban đầu mình cũng tưởng hàng mình bị làm sao mà khách lại trả lại chuyển phát, nhưng rồi vô trang cá nhân thì thấy anh ta đã tranh thủ chụp cái đồng hồ kèm biên lai post lên mạng để khoe với bạn bè, và nói vừa mua đồng hồ bằng sức lao động chân chính. Mọi người nên cẩn thận với ông này nhé!”.

Khi khách hàng từ chối nhận hàng chủ shop nói trên đã hết sức ngạc nhiên nên tìm cách liên lạc với khách hàng để hỏi thì máy không liên lạc được. Kiểm tra trang cá nhân của khách thì thấy anh ta chụp ảnh với chiếc đồng hồ với dòng trạng thái khoe mẽ: “Lại có thêm em về đội. Đúng là tự tay làm ra, mua cái gì cũng thoải mái, cũng thích. Chứ không giống mấy công tử bố mẹ mua cho”…

Thanh niên "sống ảo" tự post lên trang cá nhân việc "mua" đồng hồ xịn

Rõ ràng, với hành động “sống ảo” không giống ai này, chành thanh niên mua đồng hồ đã nhận không ít gạch đá từ dư luận. Thế nhưng hiện tại quả không hiếm trường hợp bạn trẻ cũng bất chấp để thực hiện lối sống ảo như khoe đồ hiệu mà thực chất là đồ mượn, hàng trả góp,...

Chạy theo lối sống vật chất

Nhiều người dù thu nhập thấp nhưng lại có sở thích dùng hàng hiệu. Điển hình là trường hợp của một anh chàng có tên B.P.A.D., tuy lương tháng chỉ có 5 triệu nhưng hễ các thương hiệu lớn bán hàng giảm giá là anh chàng lại một mực gom hết tiền để dành đi mua đồ.

Không ít người bạn ngạc nhiên khi thấy D. đi làm mang trong mình ví da cá sấu (2 triệu), dây nịt da cá sấu (1,5 triệu), iPad Mini (15 triệu), cặp da bò (2 triệu), áo khoác (3 triệu),... và hàng loạt các đồ hiệu khác. Tuy vậy, D. thường trong ví mang không quá 2 triệu đồng.

Không ít trường hợp lấy bạn trẻ khoe mẽ những món đồ đắt tiền, nơi ăn uống sang chảnh nhưng kì thực chỉ là "chém gió"

Không ít bạn trẻ chấp nhận lâu lâu bỏ tiền ra ăn một bữa sang chảnh hay chọn một khu nghỉ dưỡng đắt tiền sau cản năm dài lao động miệt mài. Đó là một trong những cách hưởng thụ hết sức lành mạnh, đặc biệt là khi so sánh nó với việc tiêu dùng không có mục đích và đuổi theo trào lưu.

Đi du lịch không kế hoạch

“Đu” theo trào lưu xê dịch, nhiều bạn trẻ cứ việc dùng câu cửa miệng “xách ba lô lên và đi” nhưng không chuẩn bị hành trang cần thiết. Đôi khi chỉ đọc xong vài cuốn sách viết về du lịch do một số bạn trẻ viết theo kiểu hoang đường, đại loại như: vi vu Thái Lan chỉ với 5 triệu đồng, xuyên Đông Nam Á trong túi có 15 triệu,...

Rốt cuộc hành trình du lịch không như mơ mà xoay quanh vòng xoáy: tìm hiểu qua loa, mua vé máy bay, đến nơi, mọi thứ không theo kế hoạch,... kết quả cuối cùng ai cũng hiểu là sự thất vọng, chán chường.

Cá biệt có trường hợp đi du lịch không tham quan được bất kì địa danh nào, suốt cả hành trình chỉ có ăn uống và mua sắm nhưng đến khi được hỏi lại nói thao thao bất tuyệt về các địa danh, các cảnh đẹp,... đồng thời tự hứa có ngày... quay lại.

Không phải cứ xách ba lô lên và đi là... ngon

Thê thảm nhất là trường hợp của bạn T.T.L., nhân viên văn phòng làm việc tại quận 6. Sau khi tìm hiểu thông tin du lịch Malaysia trên các diễn đàn, dù không kiếm được người đi cùng và chưa hề có kinh nghiệm du lịch qua bất kì nước nào nhưng vì đọc nhiều sách, tham khảo qua các diễn đàn,... thấy có không ít các bạn nữ cũng một mình đi du lịch được nên mạnh dạn đặt vé.

Tuy nhiên, khi thấy hộ chiếu của L. trắng xóa, chưa có dấu của bất cứ quốc gia nào, nhân viên hải quan Malaysia đã mời L. vào phòng hỏi chuyện. Dĩ nhiên, khi đã thuộc diện nghi vấn bạn phải trả lời hết sức cẩn thận nhưng L. thì không hề có kinh nghiệm trong chuyện này.

Cô không nhớ rõ hết những câu hỏi nhưng cô nhớ rằng khi nhân viên hải quan Malaysia hỏi: “Bạn có đặt trước khách sạn nào chưa?”, thì cô trả lời rất thật: “Tôi chưa biết khách sạn nào hết, có thể tôi sẽ tìm nơi nào có phòng dorm (phòng ngủ tập thể) để ở”.

Không chỉ riêng Malaysia, mà ở bất kì quốc gia nào nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng bạn cũng sẽ đối mặt với rất nhiều khó khăn

Dĩ nhiên, L. không được phép nhập cảnh dù cô mang theo 15 triệu tiền mặt và tấm vé máy bay khứ hồi. Tất cả chỉ đơn giản là vì một chuyến du lịch không đơn giản chỉ là đọc, rồi làm theo mà không hề có kế hoạch hay sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Đôi khi, hậu quả của việc này còn nguy hiểm hơn cả việc bị trục xuất.

Không ai ngăn cản sự phát triển của giới trẻ, thừa nhận để tiếp thu và thay đổi cũng là một hình thức cần ở thế hệ trẻ. Những việc làm mang tính “bộc phát” về lâu dài có thể sẽ dẫn đến sự hối hận nhưng đôi khi nó còn đi kèm cả kinh nghiệm. Quan trọng là giới trẻ đôi khi phải sống chậm hơn một chút để suy nghĩ và tìm ra hướng đi đúng đắn cho bản thân.

Bình luận (0)

Lên đầu trang