Những phụ nữ làm "cách mạng xanh", thay đổi môi trường vùng ngoại ô

Thứ Ba, 08/03/2022 10:43

|

(CAO) Từ vùng quê ngập trong rác, đối diện các nguy cơ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; khi đội nòng cốt chuyên xử lý rác thành phân bón hữu cơ đi vào hoạt động, thôn Nghĩa Vũ đã biến rác thải thành thứ tài nguyên quý giá phủ lên các cánh đồng, những luống rau, cây trái… 

Nghĩa Vũ giờ đây trở thành thôn đầu tiên của Hà Nội biến rác thành rau xanh và hoa.

"Biệt đội" những thành viên nòng cốt

Về thôn Nghĩa Vũ, xã Dục Tú, huyện Đông Anh, Hà Nội sau một năm đội nòng cốt gồm hơn 10 người đứng đầu là trưởng thôn Lê Thị Huế làm cuộc “cách mạng xanh” đã khiến vùng quê ngoại thành Hà Nội thay da đổi thịt, từ nếp sinh hoạt, môi trường xung quanh và đặc biệt khắp thôn rau, hoa, cây cối phủ một màu xanh, nhiều loại hoa khoe sắc trong nắng xuân.

Với những thùng đặt trong nhà và đầu ngõ, người dân Nghĩa Vũ có thể “tích rác” biến thành phân bón

Chị Huế cho biết, cuộc “cách mạng” của chị và những thành viên nòng cốt ban đầu xảy ra tranh cãi của những người trong thôn bởi cách làm không giống ai của nhóm người “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”.

Rác thải trước đây là câu chuyện không mấy ai ở thôn quan tâm, nhưng từ khi chị Huế và thành viên nhóm xắn tay vào với mục đích biến rác thành rau và hoa đã tạo ra nhiều hoài nghi, ý kiến trái chiều và cả thêm những phiền phức không đáng có đối với gia đình.

Bà Hạt nói về quy trình xử lý rác

Nữ trưởng thôn cho hay, năm 2021, thôn là địa phương đầu tiên thí điểm đẩy lùi rác thải bằng xử lý vi sinh. Ban đầu, việc áp dụng gặp nhiều khó khăn, bởi hiệu quả thực tiễn không cao do cách làm chưa đúng.

“Có gia đình khi thực hiện phân loại rác xong, ủ không đúng quy trình nên mùi hôi thối, ruồi nhặng… Họ làm ầm lên, đòi trả lại dụng cụ. Lúc ấy, chúng tôi lại phải nhẹ nhàng động viên, chủ động làm lại để họ theo dõi cho đúng”, chị Huế nói.

Nhờ có đội nòng cốt là những phụ nữ trong thôn, ý thức phân lại rác ở Nghĩa Vũ đã được nâng cao.

Thùng rác xử lý lỗi bị người dân phản ánh đã được chị em trong đội nòng cốt xắn tay khắc phục bằng việc cho thêm trấu, mùn đất vào thêm vi sinh…chỉ vài ngày sau, mùi hôi thối bị “thổi bay” và tiết ra loại nước màu trong. Rau củ và thức ăn thải loại, lá cây… dần ngả màu thành phân bón trước sự ngỡ ngàng của người dân.

Còn chị Hà, một người phụ nữ khác trong tổ xử lý rác thải chia sẻ, dù đã chuẩn bị kỹ tâm lý, nhưng khi triển khai vẫn không ít những ánh mắt dị nghị nhắm vào nhóm. Để thay đổi thói quen của người dân trong việc thu gom, phân loại rác thải rất khó vì trước đây người dân tiện đâu để rác đó phó mặc cho công nhân môi trường dọn dẹp.

Đội nòng cốt là những người phụ nữ đã làm thay da đổi thịt thôn Nghĩa Vũ.

Bên cạnh đó, do mới làm, kỹ thuật của người dân chưa thuần thục, sản phẩm làm ra hay bị lỗi dẫn tới một số người dân có tâm lý bức xúc, thậm chí cả người thân trong nhà cũng buông lời khó nghe.

Đã có thời điểm, tổ nòng cốt bị cho là “vô công rồi nghề”, cứ đến bữa cơm tối là lại “bỏ” gia đình đi lang thang khắp thôn xóm kiểm tra các thùng rác xem người dân đã làm đúng kỹ thuật hay chưa. Nếu chưa đúng thì lại phải xử lý lại.

Rác sau khi xử lý thành phân bón cho cây cối

“Thời gian đầu, chúng tôi cứ rủ nhau đi làm vào lúc chuẩn bị cơm tối, các ông chồng hỏi: “Lại đi ăn rác?”. Ban đầu, những câu hỏi ấy cứ tới tấp với giọng điệu không mấy thiện cảm. Sau này, khi việc xử lý thành công sâu rộng, mỗi lần đi các ông ấy lại hỏi: “Các bà lại đi ăn rác à?” với giọng điệu vui vẻ, thông cảm cho công việc không lương, khiến chúng tôi vui, yêu hơn cái việc mỗi buổi chiều về.

Giờ ở thôn, người ta gọi chúng tôi là đội “ăn rác” với giọng điều hồ khởi”, chị Hà nở nụ cười tươi nói về những kỷ niệm đáng nhớ của tổ.

Nhiều người dân ở Nghĩa Vũ sau đã sử dụng rác ủ thành phân hữu cơ để phủ lên cánh đồng.

Theo chị Hà, khi gặp áp lực, các chị đã bỏ ngoài tai những dị nghị, tổ nòng cốt vạch ra chương trình hành động bằng việc đi từng ngõ, gõ từng nhà, tỉ mỉ hướng dẫn cách xử lý vi sinh, hỗ trợ cách phân loại rác và biến nó thành phân bón cho cây trồng. Khi thành công, nhóm mạnh dạn huy động xã hội hóa, mua các thùng nhựa rồi tự chế thùng chứa rác đặt ở mỗi đầu ngõ để người dân thuận tiện trong việc “tích rác”.

Lan tỏa không ngừng...

Trước đây, những loại rác như nước cơm thừa, rau củ bỏ đi, xương, lá cây… được người dân gom chung với các loại rác khác để đầy đường khiến Nghĩa Vũ nhếch nhác. Từ ngày triển khai cho các thùng chứa ở khắp các ngõ ra vào, ý thức phân loại rác của người dân được nâng cao. Việc phân loại rác và xử lý rác sẽ giúp người dân có phân bón cây, một số rác tái chế có thể đem bán.

Việc phân loại, tích rác đã đem lại hiệu quả lớn trong việc bảo vệ môi trường

Do đó, lượng rác giảm đi nhiều, vài ngày công nhân mới phải đi gom một lần. Giờ đây các con hẻm, ngõ ra vào ở Nghĩa Vũ sạch bóng, không còn cảnh những bịch rác ném lề đường hôi thối kèm ruồi nhặng, nước rỉ rả đen ngòm… Từ những thành công ban đầu, mô hình biến rác thành phân bón nhân ra khắp thôn, đến cả các trường học.

Việc xử lý rác lan tỏa, tạo giá trị nhân bản. Ở các trường học, các con được học phân loại rác.

“Do ảnh hưởng của dịch bệnh, hoạt động này mới triển khai được ở các trường học thì bị đứt quãng do các trường đóng cửa. Tuy nhiên, học sinh ở trường bán trú đón nhận rất hồ khởi. Nhiều trẻ ở trường mầm non đã biết phân loại rác. Trước đây, các con uống sữa, ăn bánh con cho hết vào thùng rác thì bây giờ con đã biết phân loại để vào đâu, vỏ hoa quả, vỏ chuối con vứt vào đâu.

Cứ như thế, tạo sự lan tỏa và hình thành thói quen cho các bé ý thức phân loại rác, bảo vệ môi trường ngay từ những bước đầu đời. Con gái của tôi mỗi lần đi ra ngoài về đều mang theo bịch rác đã phân loại. Tôi có hỏi sao lại mang rác về nhà thì cháu chỉ trả lời: Vì mẹ đang đi làm phân loại rác nên con mang về nhà sẽ giảm bớt phần việc cho các mẹ. Phân loại rác đối với trẻ rất có ý nghĩa nó mang tính nhân bản, nếu các cháu cứ duy trì được như vậy thì môi trường sẽ tốt lên”, chị Hà chia sẻ.

Nhờ "tích rác", nhà chị Tuyết có vườn rau sạch, không phải mua bên ngoài.

Chị Nguyễn Thị Tuyết – giáo viên trường mầm non Hoa Sữa dẫn chúng tôi ra vườn rau trước sân cho hay, từ ngày biết phân loại, xử lý rác thải, gia đình chị có thêm vườn rau sạch ngay trong sân mà không phải mua ở bên ngoài.

Ngoài ra, chị đã đưa vấn đề xử lý rác áp dụng đối với trẻ trong trường mầm non, chỉ trong thời gian ngắn, các con nơi mình dạy dỗ đã biết phân loại rác thuần thục. Những cháu nhỏ ở xung quanh cũng được chị hướng dẫn trực tiếp tại nhà và đem đến một giá trị nhân văn về vấn đề bảo vệ môi trường ngay từ lớp “măng non”.

Vườn đu đủ nhà bà Hạt được 'ăn' nước rác xanh tươi, trĩu quả.

Nhìn vườn đu đủ trĩu quả của bà Hạt ở thôn Nghĩa Vũ không ai nghĩ vườn cây này từng bị bỏ đi khi cây đã cằn cỗi, không thể phát triển. Thế nhưng, từ khi được “ăn nước rác”, cây trái trong vườn như “thay da đổi thịt”, đơm hoa kết trái trĩu cây khiến ai nhìn cũng thích.

Bình luận (0)

Lên đầu trang