Sức sáng tạo của nữ Trung tá được tặng Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam 2021

Thứ Hai, 07/03/2022 17:11

|

(CAO) Trung tá Nguyễn Thị Xuân Huệ, Trưởng phòng Công nghệ thông tin và Quản lý hồ sơ xuất nhập cảnh (Phòng 7), Cục Quản lý xuất nhập cảnh là một trong những gương mặt nữ tiêu biểu của Bộ Công an, được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tặng “Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm 2021”.

Đổi mới, sáng tạo để đi trước một bước

Trước thềm ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3,  chúng tôi có hẹn với Trung tá Nguyễn Thị Xuân Huệ, Trưởng phòng 7, Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an. Ấn tượng đầu tiên của tôi với chị đó là sự dịu dàng, đằm thắm của một cô gái Huế, nhưng vẫn toát lên sự cương nghị, mạnh mẽ và quyết đoán.

Trung tá Nguyễn Thị Xuân Huệ giải quyết công việc hàng ngày

Giữa năm 2021, Trung tá Nguyễn Thị Xuân Huệ được lãnh đạo Bộ điều động, giữ chức vụ Trưởng phòng 7. Nhận nhiệm vụ tại một đơn vị mới, với một lĩnh vực công tác đặc thù, ban đầu chị cũng không khỏi lo lắng…

Phòng 7 phụ trách việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý xuất nhập cảnh, được xác định là huyết mạch, đầu não của lực lượng quản lý xuất nhập cảnh từ Trung ương đến địa phương.

Ngoài việc bảo đảm, duy trì hoạt động ổn định, hiệu quả, an ninh, an toàn của toàn bộ hệ thống từ Trung tâm Cục tới các cửa khẩu và các phòng quản lý xuất nhập cảnh của Công an các địa phương, phục vụ hiệu quả công tác của đơn vị thuộc Cục nói riêng, của toàn lực lượng quản lý xuất nhập cảnh nói chung; đơn vị còn quản lý hồ sơ xuất nhập cảnh, công tác cơ yếu và công tác đăng ký đối tượng tạm hoãn xuất cảnh, chưa cho nhập cảnh…

Từ khi nhận nhiệm vụ Trưởng phòng 7, tác phong cùng phương pháp làm việc tỉ mỉ, thận trọng của người nữ trưởng phòng đã khiến cán bộ và đồng đội yêu mến, tin tưởng.

Chị tâm sự: Khi đã bắt tay vào việc thì phải làm một cách khoa học, có trách nhiệm. Vì đổi mới công nghệ thông tin không thể dừng lại, phải đi trước, nhanh và chính xác... Tôi may mắn khi được Đảng uỷ, lãnh đạo Phòng ủng hộ và cùng thực hiện với phương châm “Đổi mới, sáng tạo, hiệu quả và đi trước một bước”.

Trung tá Nguyễn Thị Xuân Huệ trao đổi công việc với đồng đội

Nói như vậy, không có nghĩa là công việc ở đơn vị mới lúc nào cũng “thuận buồm, xuôi gió”. Thời điểm khi chị và đồng đội bắt tay vào việc triển khai thực hiện phần mềm ứng dụng IGOVN trên thiết bị di động. Để có phần mềm trình chiếu, thời gian đó chị cùng lãnh đạo đơn vị và những cán bộ am hiểu về công nghệ thông tin, thức nhiều đêm để xây dựng một slight trình chiếu. Thế nhưng sáng kiến đưa ra lúc đó lại không nhận được sự đánh giá cao.

Nhiều cán bộ tham gia khi đó đã nản lòng. Lúc ấy, chị đã chủ động gặp gỡ và thuyết phục các đồng chí trong Đảng uỷ, lãnh đạo Cục, đồng thời, động viên anh em, không có cái gì đến với chúng ta một cách dễ dàng, muốn thành công phải cố gắng, kiên trì, bởi vì sự đổi mới, sự thay đổi không phải ngay một lúc có thể được chấp nhận…

Từ đó, cán bộ, chiến sỹ của đơn vị đã đồng lòng, quyết tâm đưa ra một đề tài khoa học chuyên sâu và đột phá. Và rồi sự nỗ lực của chị và đồng đội đã được đền đáp một cách xứng đáng, đề tài vừa được Hội đồng khoa học của Bộ thông qua.

Nữ cán bộ giàu lòng nhân ái

Năm 1998, Trung tá Nguyễn Thị Xuân Huệ vào ngành Công an. Sau đó, có 10 năm làm công tác trinh sát tại một đơn vị mũi nhọn của Công an tỉnh Thừa Thiên Huế là Phòng CSĐT tội phạm về ma tuý. Công việc đối với một người nam giới vốn không dễ dàng, với người phụ nữ cùng lúc vừa phải đảm nhận thiên chức của người vợ, người mẹ thì càng thêm khó khăn.

Song chính những năm tháng tuổi trẻ, được cống hiến, cọ xát với thực tiễn ấy lại là quãng thời gian để lại cho chị nhiều kỷ niệm khó quên; đồng thời cũng giúp nhiều cho chị trong công tác chỉ huy sau này.

Đó là những ngày nắng cháy da hay những đêm đông buốt giá, lăn lộn ở những cung đường lần theo dấu vết của các đối tượng nghi vấn… Có những hôm đến 4-5 giờ sáng mới trở về nhà. Niềm vui lớn nhất của chị khi ấy là được cùng đồng đội góp phần vào phá thành công các chuyên án, giữ bình yên cho Cố đô thân yêu.

Với chị, những chuỗi ngày gắn bó với Công an tỉnh Thừa Thiên Huế để lại những kỷ niệm khó quên. Đặc biệt là vào thời điểm đại dịch COVID-19 lây lan trong các tỉnh, thành. Ở một thành phố du lịch mũi nhọn, công tác quản lý còn khó khăn hơn nhiều khi cùng lúc vừa phải triển khai các biện pháp phòng chống dịch; đồng thời, còn phải nắm chắc địa bàn, quản lý di biến động của người nước ngoài xuất nhập cảnh, lưu trú để kịp thời truy vết, cách ly, dập dịch.

Với cương vị là Trưởng phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh Thừa Thiên Huế, chị đã cùng đồng đội tham mưu với cấp uỷ, chính quyền các phương án giải quyết phù hợp với Luật pháp quốc tế, bảo đảm giữ vững quan hệ đối ngoại giữa Việt Nam và các đối tác.

Không dừng lại đó, phát huy kinh nghiệm của một trinh sát công tác nhiều năm trong lĩnh vực ma tuý, dưới sự chỉ đạo của Trung tá Nguyễn Thị Xuân Huệ, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh đã phối hợp với các đơn vị phát hiện nhiều vụ án liên quan đến người nước ngoài lợi dụng việc lưu trú và tình hình dịch bệnh để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật tại Thừa Thiên Huế. Điển hình là việc phát hiện một nhóm đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Với thành tích này, chị đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba.

Không chỉ thực hiện công tác chuyên môn, chị còn tích cực tham gia xây dựng các phong trào thiện nguyện. Nhiều người dân ở địa bàn vùng sâu, vùng xa của tỉnh Thừa Thiên Huế biết đến Trung tá Nguyễn Thị Xuân Huệ từ những chương trình chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho các cựu chiến binh, người có công; tặng quà cho các gia đình chính sách, hộ nghèo…

Qua những hoạt động nhân văn, đầy nghĩa tình ấy, hình ảnh của cán bộ Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh Thừa Thiên Huế càng in dấu sâu đậm.

Trung tá Nguyễn Thị Xuân Huệ và các hoạt động thiện nguyện, khi chị còn công tác tại Công an tỉnh Thừa Thiên Huế

Khi được điều động về làm Trưởng phòng 7 - Cục Quản lý xuất nhập cảnh, chị vẫn tiếp tục tổ chức thực hiện các hoạt động thiện nguyện. Trong năm qua, chị đã phối hợp cùng các đoàn thể trong đơn vị tặng quà cho các bệnh nhi có hoàn cảnh đặc biệt, giúp đỡ các trường hợp khó khăn do đại dịch COVID-19…

Chúng tôi chia tay Trung tá Nguyễn Thị Xuân Huệ khi chị và đồng đội lại đang bắt tay vào nhiệm vụ, với nhiều dự định mới. Trong đó, có việc đổi mới công nghệ thông tin để đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính và xây dựng Chính phủ điện tử.

Vào thời điểm này, đơn vị đã và đang tiến hành hoàn thiện 35 dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3 và mức độ 4, nhằm giảm thời gian, chi phí đi lại cho việc gửi hồ sơ, nhận kết quả của các tổ chức, cá nhân, tăng tính minh bạch của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh, cũng như giúp tăng hiệu quả kinh tế cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ...

Bình luận (0)

Lên đầu trang