Nông dân ĐBSCL đua nhau đào ao nuôi cá tra: Mạo hiểm hơn… đánh bạc!

Thứ Bảy, 28/04/2018 12:48  | Nguyễn Nhân

|

(CAO) Tình trạng nông dân ồ ạt đào ao nuôi cá tra không chỉ diễn tại tỉnh Long An – nơi có khoảng 800 ha đất lúa bị chuyển đổi, mà còn xảy ra ở Đồng Tháp.

Rầm rộ đào ao không chỉ băm nát vùng lúa, mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro về giá, đầu ra, bởi từng xảy ra hệ lụy cung vượt cầu, nhiều gia đình lâm cảnh nợ nần.

Những cánh đồng lúa bị xóa sổ

Tại nhiều địa phương ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long từng rộ lên phong trào nuôi cá tra giống, nhưng sau đó nhanh chóng xẹp xuống, do nhiều hộ nuôi cá tra thương phẩm treo ao vì rớt giá. Vài tháng trở lại đây, hoạt động nuôi cá tra giống tại Đồng Tháp lại bùng phát do cá tra thương phẩm tăng trở lại. Tại địa phương này, các huyện, thị xã có diện tích bỏ lúa nuôi cá nhiều nhất là Tân Hồng và Hồng Ngự.

Những ngày cuối tháng 4, phóng viên có chuyến đi thực tế dọc theo quốc lộ 30, tỉnh lộ 842, 844… Đứng đầu kênh Tân Thành – Lò Gạch (thuộc xã Bình Thạnh, TX.Hồng Ngự) nhìn vào, một khu vực rộng hàng chục héc-ta đang được các máy kobe thay nhau đào xới cánh đồng lúa rộng bạt ngàn. Một số ao đã nuôi cá trước đó gần như không có hệ thống xử lý nước thải. Nguồn nước trong ao nuôi đều được người xả trực tiếp ra các kênh.

Hàng trăm ao nuôi cá đang được đào dọc kênh Tân Thành – Lò Gạch

Có nhà cất đối diện với hàng chục chiếc ao được đào dở dang, bà Võ Thị Mè (61 tuổi, ngụ ấp Bình Chánh, xã Bình Thạnh) cho biết: “Tình trạng đào ao nuôi cá ở tuyến kênh Tân Thành – Lò Gạch diễn ra rầm rộ khoảng hơn 1 tháng nay. Việc này khiến gia đình tôi không khỏi lo lắng, bởi sau này nước thải được xả trực tiếp ra kênh, trong khi dựa vào nó để sinh hoạt hàng ngày. Việc đào ao diễn ra hàng cây số từ đầu kênh đến cuối kênh chứ không riêng gì đoạn này”.

Từ đầu kênh Tân Thành – Lò Gạch đến trung tâm huyện Tân Hồng ngoài hàng trăm chiếc ao được mới đào còn có khu vực người dân đã thả cá. Tại đây, một chủ ao cho biết: “Năm vừa rồi, tôi nuôi 1 ao hơn 1 héc-ta trừ hết chi phí còn lợi nhuận gần 400 triệu đồng. Việc nuôi cá công lao động như trồng lúa, nhưng lợi nhuận cao hơn cả chục lần. Chẳng hạn 1 héc-ta ruộng nếu đạt cũng chỉ thu lợi khoảng 60 triệu đồng/năm. Do vậy thấy gì có lợi mình làm còn mọi chuyện tính sau”.

Theo nhiều hộ nuôi cá tra giống tại tuyến kênh này cho biết, mỗi héc-ta tiền công đào ao, lắp đặt hệ thống xử lý nước khoảng 100 triệu đồng. Thời gian từ thả nuôi đến thu hoạch gần 3 tháng. Cá bột thả xuống nuôi cho đến khi thành con giống (ký từ 30 - 40 con) sẽ có người đến tận ao thu mua. Hơn năm nay, giá cá tra giống luôn dao động ở mức từ 45 – 60 ngàn đồng/kg, đem lại nguồn lợi nhuận hấp dẫn.

Ông Lê Thanh Tuấn - Chủ tịch UBND xã Bình Thạnh, TX.Hồng Ngự: “Xã có 2 vùng quy hoạch nuôi thủy sản là Tân Thành - Lò Gạch và Hồng Ngự - Vĩnh Hưng. Đến nay diện tích nuôi cá tra thịt và giống tại địa phương là 120 ha; trong đó từ đầu năm đến nay tăng 40ha. Để tránh tình trạng cung vượt cầu, rơi vào cảnh nợ nần địa phương có tuyên truyền cho người dân hiểu để không chuyển đổi ồ ạt”.

Việc nông dân ồ ạt đào ao trên cánh đồng chuyên canh lúa 3 vụ không chỉ diễn ra ở TX.Hồng Ngự, huyện Tam Nông mà ở Tân Hồng. Theo ghi nhận tại đây, dù cánh đồng lúa đang xanh tốt nhưng máy xúc vẫn hì hục băm nát mặt ruộng. Trao đổi với phóng viên, một nam thanh niên cho biết: “Từ Tết Nguyên đán đến nay máy móc hoạt động hết công sức, dân kêu làm không kịp. Nhờ vậy mà em sống khỏe, bởi trước đây làm ít chỉ được chủ trả lương 5 triệu đồng, nay tăng lên gần 10 triệu. Ao đào ít cũng vài công còn nhiều lên đến vài héc-ta”.

Mạo hiểm còn hơn… đánh bạc!

Thời điểm này, ngay tại huyện Tân Hồng - nơi đang có nhiều diện tích ao mới đào vẫn còn đó nhiều ao nuôi cá tra bị bỏ hoang. Nguyên nhân chủ ao không còn vốn để tái sản xuất vì thua lỗ từ nhiều năm trước. Anh Lê Văn Nhớ (ngụ xã Tân Thành B) cho biết: “Trước thấy cá có giá nên tôi làm theo. Năm 2015, tôi đào 3 công đất nuôi cá tra giống. Nào ngờ từ mẻ cá đầu tiên xuất bán lỗ 20 triệu đồng, dẫn đến bỏ ao đến nay”.

Tương tự anh Trần Văn Thanh kể: “Năm 2005, nghề nuôi cá tra thịt đang mang lại lợi nhuận lớn, tôi tự đào đất lúa của mình thành ao để nuôi. Chỉ sau vài vụ, giá cá rơi ở mức thấp, kêu thương lái bán rất khó khăn cũng như không hợp đồng được với công ty, dẫn đến thua lỗ hơn 1 tỷ đồng. Đâu phải tôi mà còn rất nhiều người ở đây lâm cảnh nợ nần. Đến nay, cá có giá trở lại nhưng mình đâu còn vốn mà tham gia”.

Vì lợi nhuận nuôi cá hấp dẫn nên người dân bất chấp chuyển đổi

Theo nhiều hộ dân có ao bỏ hoang cho biết, ao đào tự phát nằm ngoài vùng quy hoạch, nên khi hết vốn tái sản xuất muốn tìm người thuê cũng khó, còn bán chẳng ai mua. Việc nuôi cá tra giống đang trở thành phong trào tự phát, nhưng nông dân rất mù mờ về kỹ thuật, nguy cơ thất bại trắng tay rất dễ xảy ra.

Ông Phan Văn Đol (ngụ ấp Rọc Muống, xã Tân Công Chí, H.Tân Hồng) có ao nuôi rộng hơn 2.500 m2 cho biết: “Đợt vừa rồi thả xuống nuôi chừng nửa tháng không biết bị bệnh gì mà chết hết. Tôi nuôi cá giống đến nay đã hơn 6 năm rồi. Từ năm 2017 đến nay còn đỡ chứ trước là không có đồng lời.

Nuôi cá còn hơn đánh bạc, bởi đánh bạc mở ra biết liền, còn này nằm ở dưới nước rất khó phát hiện. Việc nuôi cá không ít người lâm nợ, bán nhà, do vậy càng ào ạt càng chết lớn”.

Được biết, toàn huyện Tân Hồng hiện diện tích nuôi cá tra ngoài vùng quy hoạch khoảng 150ha, tăng 100ha kể từ đầu năm 2018. Con số này sẽ còn tăng nữa do nhiều người vẫn đang tiếp tục đào ao.

Nếu cứ tiếp tục đua nhau nuôi cá giống, khi cung vượt cầu hay cá thương phẩm rớt giá, người nuôi sẽ gặp nhiều khó khăn, thua lỗ. Các ngành chức năng khuyến cáo bà con cần thận trọng…

Bình luận (0)

Lên đầu trang