TP.Thủ Đức: Hỗ trợ nhà trọ cho người về quê 'mắc kẹt' trên đường

Thứ Ba, 17/08/2021 09:01

|

(CAO) ​Sau khi hay tin TPHCM thực hiện giãn cách xã hội thêm 1 tháng, người đàn ông làm bảo vệ 3 tháng qua chưa được trả lương, đã ôm balo đi bộ từ TPHCM về quê Bình Thuận. Hai người quê Thanh Hóa sau nhiều tháng lao đao vì thất nghiệp, cũng quyết định chạy xe máy về quê...

Vác balo đi bộ từ TPHCM để về Bình Thuận
Chiều tối 16/8, PV có mặt tại dãy nhà trọ trên đường số 6, phường Long Bình, TP.Thủ Đức, TPHCM, căn nhà trọ rộng hơn 10m2 trở thành nơi nương tựa của 3 người đàn ông không quen biết nhau.
Cả 3 người đều trong nhóm hơn 500 người dân về quê tự phát bị 'mắc kẹt' trên xa lộ Hà Nội, TP.Thủ Đức vào sáng 15/8 do không thể qua chốt kiểm soát, được UBND phường Long Bình tiếp nhận và hỗ trợ vào phòng trọ trên để sinh sống tạm trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.
Khi hay tin TPHCM thực hiện giãn cách xã hội thêm một tháng, ông Đỗ Viết Sau (55 tuổi, quê Bình Thuận) làm bảo vệ công trình ở quận 3, hơn 3 tháng nay ông không nhận được lương, nên ông đã gom đồ đạc vào ba lô đi bộ về quê.
“Không người thân tích, bây giờ chỉ có quê hương là nơi để tôi nương tựa, không có xe máy… nên tôi đi bộ về quê. Đi qua nhiều chốt kiểm soát dịch, tôi năn nỉ, một số cán bộ thông cảm cho tôi qua chốt”, ông Sau nói.
Gia đình có 6 người, thu nhập cả năm chỉ hơn 16 triệu đồng từ việc trồng điều. Số tiền đó không đủ để vợ chồng ông trang trải cuộc sống và thuốc thang cho vợ bị viêm xoang.
“Được giới thiệu vào TPHCM làm bảo vệ, công việc nhàn nhã, được lo ăn ở, lương tháng 6 triệu đồng nên ông đã khăn gói, bắt xe vào TPHCM làm.
Vào làm việc chưa được bao lâu, dịch bùng phát, chủ công trình "tháo chạy", tôi phải giữ tài sản tại công trình, 3 tháng nay tôi chưa được trả tiền lương”, ông Sau khóc nói.
Người dân về quê vào sáng 15/8, sau đó được công an, ngành chức năng vận động quay lại nơi tạm trú

4 giờ sáng 15/8, ông Sau ôm balo lội bộ qua các chốt kiểm soát dịch, len lỏi hỏi thăm đường.

Trong balo của ông Sau mang theo có hai bộ áo quần dài tay, hai bộ đồ bảo vệ, ít thuốc men, mùng mền và tấm ni lông quơ vội trên mái nhà để dừng chân khi trời đổ mưa, cùng 600 nghìn đồng.

Đi đến cầu vượt Linh Xuân, TP.Thủ Đức, ông nhìn thấy nhiều người chạy xe máy lỉnh kỉnh đồ đạc. Biết họ cũng về quê như mình nên ông xin quá giang.

Nhưng chạy đến trước khu du lịch Suối Tiên thì bị lực lượng chức năng chặn lại...

Về Thanh Hóa khi không một đồng dính túi

Thấy lực lượng chức năng đến hỏi thăm, anh Nguyễn Đình Huệ (26 tuổi, quê Thanh Hóa) vui mừng cảm ơn đã quan tâm, giúp đỡ và tạo điều kiện cho anh có nơi ăn, ở thật tốt.

Anh Huệ cho biết, thông qua nhóm Hội đồng hương Thanh Hóa tại TPHCM, anh cùng Lê Xuân Nam (15 tuổi, cùng quê Thanh Hóa) quen biết và cả hai cùng xin việc phụ container tại TPHCM

Khoảng tháng 5/2021, cả hai xin việc ở quận 12 và được công ty đưa lên Tây nguyên làm việc. 20 ngày sau, cả hai được đưa về lại TPHCM.

Trong giai đoạn này, dịch bệnh ở TPHCM diễn biến phức tạp nên cả hai xin về An Giang để làm việc.

Ông Phạm Ngọc Lượng, Chủ tịch UBND phường Long Bình, TP.Thủ Đức khẳng định tạo mọi điều kiện cho người dân có việc làm, ổn định cuộc sống.

Về An Giang, làm được vài tháng thì khu vực có dịch nên cả hai thất nghiệp. Trụ không nổi, cả hai đi xe máy để về quê Thanh Hóa, trong túi không còn “một đồng dính túi”.

“Tôi đi trên đường ai thương tình thì cho, có người cho tôi 200 nghìn, rồi 100 nghìn, vài chục nghìn, tôi cảm ơn. Có người cho tôi vài lít xăng, bánh, kẹo… để đi đường.

Qua các chốt, mấy anh cán bộ thông cảm, đưa đi test Covid-19 rồi tạm ở lại vài tiếng tại chốt. Sau đó, tôi được mấy anh cho qua vì âm tính”, anh Huệ kể lại.

Đến ngày thứ 8 (tức 15/8) cả hai lên đến TPHCM, theo Quốc lộ 1 để về nhà. Đến khu vực Bến xe Miền đông mới, TP.Thủ Đức thì bị chặn lại.

Sau nhiều giờ công an và ngành chức năng tuyên truyền vận động, hơn 500 người bị trong đoàn về quê được lực lượng chức năng hỗ trợ quay về nơi tạm trú.

Căn nhà trọ nhỏ trở thành nơi nương tựa của 3 người

Riêng trường hợp của anh Huệ, ông Sau và Nam do không có phòng trọ, khó khăn… nên được UBND phường Long Bình, TP.Thủ Đức bố trí ở tạm tại địa phương, chờ dịch bệnh ổn định và địa phương có đợt đưa người dân về quê, phường sẽ đăng ký để mọi người về đoàn tụ với gia đình.

Trao đổi với PV, ông Phạm Ngọc Lượng, Chủ tịch UBND phường Long Bình cho hay, đây là những trường hợp có hoàn cảnh hết sức khó khăn, không còn nơi nương tựa nên chính quyền đã bố trí chỗ ở tạm, cung cấp lương thực và tiền mặt để họ sống tạm qua dịch.

“Nếu họ có nhu cầu ở lại địa phương chúng tôi sẵn sàng tạo điều kiện việc làm, nơi ở để họ có sinh kế”, ông Lượng nói.

Bình luận (0)

Lên đầu trang