Các tỉnh, thành miền Trung khẩn trương ứng phó bão số 9

Thứ Hai, 26/10/2020 15:43

|

(CAO) Để ứng phó với bão số 9 dự báo rất mạnh, đang hướng vào miền Trung, các tỉnh, thành khu vực này đang khẩn trương thực hiện công tác phòng chống.

Đà Nẵng: Hoãn họp, tập trung chống bão

Ngày 26/10, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã ban hành Công điện khẩn số 07/CĐ-UBND về việc ứng phó với cơn bão số 9. Theo đó, tất cả học sinh, sinh viên được nghỉ học từ chiều 27/10 và cả ngày 28/10; TP tạm dừng tất cả các cuộc họp, hội nghị, hội thảo không cần thiết để ứng phó với bão.

Theo Công điện, UBND các quận, huyện tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão lũ, di dời các hộ dân ở vùng nguy hiểm đến nơi an toàn; bảo vệ lồng bè thủy sản và nghiêm cấm người dân ở trên lồng bè khi có thiên tai; tổ chức neo đậu tàu thuyền đúng quy định và đưa thuyền thúng, thuyền nhỏ lên bờ tránh bão. Các sở, ngành, đơn vị, địa phương kiểm tra các công trình xây dựng và yêu cầu dừng hoạt động, phải hạ thấp cần cẩu, trục tháp, hạ hoặc neo giữ giàn giáo chắc chắn... hoàn thành trước 15 giờ ngày 27/10.

Bộ chỉ huy Quân sự thành phố, Bộ đội Biên phòng, Công an thành phố triển khai phương án phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; phối hợp cùng UBND các quận, huyện sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là những khu vực có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu (ven sông Cu Đê, Túy Loan, các xã Hòa Sơn, Hòa Ninh, Hòa Bắc, Hòa Phú, các tuyến đường ĐT60, Quốc lộ 14G, đường lên bán đảo Sơn Trà, Hải Vân, Bà Nà...).

Đồng thời, UBND các quận, huyện duy trì liên lạc thường xuyên với Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố để theo dõi chặt chẽ diễn biến của thiên tai; liên tục báo cáo công tác ứng phó và tình trạng thiệt hại cho UBND thành phố trước 8 giờ và 14 giờ hàng ngày.

Thừa Thiên – Huế: Hoàn thành di dời dân trước 15 giờ ngày 27/10

Ngày 26/10, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế tổ chức họp với các địa phương, sở, ban, ngành về công tác ứng phó với cơn bão số 9.

Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế Phan Ngọc Thọ yêu cầu các cấp,các ngành theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 9; khẩn trương triển khai các giải pháp để ứng phó, trong đó lưu ý đến việc đảm bảo phương châm "4 tại chỗ", di dời người dân vùng xung yếu nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương rà soát những trụ sở cơ quan, nơi đóng quân có nguy cơ sạt lở để di dời người đến nơi an toàn. Trước 15 giờ ngày 27/10, các địa phương phải hoàn thành việc di dời những hộ dân ở vùng xung yếu, vùng nguy cơ sạt lở đất, vùng có nguy cơ chia cắt, ven sông suối.

Ngày 25/10, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ thị sát tại các vùng sạt lở bờ biển ở Huế, đốn đốc công tác khắc phục và phòng chống bão số 9

Ngành chức năng tăng cường cập nhật, nắm bắt thông tin để truyền đạt, tuyên truyền đến người dân sớm, chính xác để có phương án chủ động phòng chống bão lũ; phân công cán bộ chủ chốt cùng lực lượng về cơ sở giúp dân phòng chống bão; tiếp tục hướng dẫn neo đậu và có phương án đảm bảo an toàn cho tàu, thuyền.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các chủ công trình hồ chứa nước thuỷ lợi, thuỷ điện tổ chức theo dõi diễn biến của mưa lũ, thực hiện nghiêm túc Quy trình vận hành đã được phê duyệt đảm bảo vận hành an toàn công trình và an toàn vùng hạ du; thực hiện nghiêm túc vận hành các hồ chứa nước để đưa dần về mực nước đón lũ theo quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Ngoài ra, các địa phương tiếp tục khắc phục hậu quả lũ lụt, giúp nhân dân sớm ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất. Ngành y tế thực hiện công tác tiêu độc khử trùng tại các khu vực công cộng như trường học, cơ sở y tế, chợ; xử lý tiêu hủy xác động vật đảm bảo không để dịch bệnh bùng phát sau bão lụt; chú trọng công tác an toàn khám chữa bệnh và phòng chống dịch COVID-19.

Quảng Nam: Cho học sinh nghỉ học ngày 27-28/10

Sáng 26/10, Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Nam gửi thông báo đến Trưởng phòng GD-ĐT huyện, thị xã, thành phố; hiệu trưởng các trường THPT, Phổ thông Dân tộc nội trú; Giám đốc Trung tâm GDTX tỉnh về việc cho học sinh nghỉ học để phòng tránh bão số 9.

Để chủ động ứng phó với bão số 9, Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Nam yêu cầu thủ trưởng các đơn vị khẩn trương thông báo cho học sinh mầm non, tiểu học, THCS, THPT và học viên giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh nghỉ học 2 ngày (27-28/10).

Triển khai thực hiện chằng chống trường lớp, nhà làm việc, nhà kho, hệ thống cây xanh và các công trình xây dựng khác để phòng tránh gió bão làm tốc mái, ngã đổ; di chuyển tài liệu, sách vở, thiết bị và các phương tiện kỹ thuật khác của đơn vị đến nơi an toàn để tránh ướt, hư hỏng; tắt hết các thiết bị điện khi phòng không có người làm việc để đề phòng chập mạch điện nhằm đảm bảo an toàn trường học trong mưa bão...

Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, tính đến 6 giờ sáng nay Quảng Nam có 60 tàu/2.309 lao động hoạt động tại khu vực Trường Sa, hiện đã tránh trú an toàn tại các đảo.

Sáng nay, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị biên phòng trên 2 tuyến biên giới và biển đảo của tỉnh khẩn trương triển khai công tác phòng chống, ứng phó.

Đại tá Nguyễn Bá Thông – Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh cho biết, đáng chú ý hiện nay trên khu vực biển, nhất là khu vực biển Cù Lao Chàm đã đưa số tàu về các vị trí an toàn và Bộ Chỉ huy cũng chỉ đạo Đồn Biên phòng Cù Lao Chàm phối hợp với địa phương dự kiến vận động di dời 130 hộ dân ở trên đảo có khả năng ảnh hưởng trực tiếp của bão về nơi tránh trú an toàn.

Riêng đối với tuyến biên giới, Bộ Chỉ huy chỉ đạo các đơn vị tiếp tục thực hiện công tác đề phòng sạt lở; các đơn vị phối hợp với địa phương di dời người dân từ nơi có khả năng sạt lở đến những vị trí an toàn.

Phú Yên: Chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng phó

Nhằm ứng phó với bão số 9, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên có công điện gửi các ngành chức năng, chính quyền các địa phương khẩn trương triển khai các phương án phòng, chống cơn bão được Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cảnh báo là rất mạnh và có tầm ảnh hưởng rộng này.

Chủ tịch UBND Phú Yên yêu cầu lực lượng chức năng triển khai các biện pháp rà soát, kiểm đếm tàu thuyền, thông báo, hướng dẫn tránh trú an toàn, tổ chức sắp xếp, neo đậu để hạn chế thiệt hại tại nơi neo đậu; triển khai các biện pháp gia cố đảm bảo an toàn đê kè, hồ đập, công trình xây dựng đang thi công dở dang, nhất là các tuyến đê kè biển, cửa sông, các hồ chứa thủy lợi, thủy điện có nguy cơ mất an toàn.

Các địa phương trên địa bàn tỉnh cần chủ động sơ tán người dân tại các khu vực nguy hiểm, nhất là trên tàu thuyền, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản, vùng ven biển, cửa sông có nguy cơ bị sóng biển tàn phá, ngập sâu, nhà ở có cấu trúc yếu không bảo đảm an toàn, khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét... Thời gian di dời hoàn thành trước 18 giờ ngày 27/10.

Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên yêu cầu các địa phương sẵn sàng chuẩn bị lực lượng, phương tiện ứng phó khi có sự cố xảy ra, tạm hoãn các cuộc họp không thật sự cấp thiết, tập trung triển khai tổ chức đi kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo công tác ứng phó theo địa bàn, lĩnh vực đã được phân công quản lý; đồng thời, tổ chức triển khai ngay các biện pháp tuyên truyền vận động người dân chằng chống nhà cửa, trụ sở làm việc, kho tàng, các trường học, cơ sở y tế, công trình khác..., đảm bảo an toàn, hạn chế thiệt hại do bão, mưa lũ gây ra.

Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Phú Yên có 227 tàu cá/1.322 lao động đang hoạt động trên các vùng biển, trong đó hoạt động xa bờ 163 tàu cá/962 lao động (khu vực giữa biển Đông và đông nam quần đảo Trường Sa), hoạt động gần bờ 124 tàu cá/570 lao động (từ Quảng Ngãi - Bình Thuận). Nuôi trồng thủy sản, hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 74.660 ô lồng/1.861 bè, các địa phương đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó với bão và mưa lũ.

Bình Định: Người dân tích trữ lương thực đảm bảo ít nhất trong 3 ngày

Ngày 26/10, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng đã ký lệnh cấm tàu thuyền trong tỉnh Bình Định xuất bến.

Theo đó, ông Hồ Quốc Dũng yêu cầu Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn vận động 78 tàu vận tải trên vùng biển Quy Nhơn chờ làm hàng tại cụm cảng Quy Nhơn đi tránh trú bão tại các khu vực biển an toàn.

Tỉnh Bình Định hiện có 139 tàu thuyền đang hoạt động trên biển, trong vùng biển nguy hiểm; đã kiểm soát được 5 tàu đang hoạt động ở khu vực Hoàng Sa, 256 tàu ở khu vực Trường Sa, 62 tàu ở khu vực giữa Hoàng Sa - Trường Sa.

Ông Hồ Quốc Dũng yêu cầu thường trực Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định giữ liên lạc liên tục; hướng dẫn tàu thuyền ra khỏi vùng nguy hiểm đến nơi tránh trú an toàn gần nhất.

Tỉnh Bình Định cũng có nhiều điểm dân cư dễ bị sạt lở, triều cường tại cả khu vực miền biển và miền núi thuộc các huyện Hoài Ân, An Lão, Vĩnh Thạnh, Tuy Phước, Phù Cát, thị xã Hoài Nhơn. Ông Hồ Quốc Dũng chỉ đạo các địa phương sẵn sàng mọi phương án di dời dân xong trong chiều 27/10. Các địa phương hướng dẫn người dân tích trữ lương thực đảm bảo dùng được ít nhất trong vòng 3 ngày nếu xảy ra lũ.

Tỉnh Bình Định cho học sinh nghỉ học từ chiều 27/10 cho đến khi bão tan và có thông báo đi học lại.

Quảng Ngãi: Khẩn trương đưa lương thực, nhu yếu phẩm lên các huyện miền núi

Xác định những ngày tới, mưa, bão còn diễn biến bất thường, tình trạng sạt lở gây tắc đường, nước dâng cao gây cô lập, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh đã đi kiểm tra thực tế một số vị trí xung yếu; đồng thời chỉ đạo các sở, ngành, địa phương và người dân phải dự trữ đầy đủ hàng hóa thiết yếu.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Công thương chỉ đạo các DN, siêu thị và đại lý, cửa hàng... tập trung trữ hàng hóa, đảm bảo phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân; tổ chức kiểm tra không để tình trạng lợi dụng thiên tai gây khan hiếm hàng hóa, đẩy giá lên cao, trục lợi bất chính; ngăn chặn tình trạng đưa hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vào tiêu thụ trong thời điểm xảy ra mưa lũ. Ngành giao thông cần tập trung kiểm soát, giải tỏa ách tắc giao thông để thông đường, đưa hàng về các địa phương trong tỉnh, không để xảy ra cô lập, gây khan hiếm hàng hóa.

Hiện các địa phương đang tích cực chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm đảm bảo không chỉ 7 ngày, mà có thể đủ dùng trong 20 ngày đến cả tháng nếu mưa, lũ kéo dài. Một số vùng cô lập ở các huyện miền núi Ba Tơ, Sơn Tây, chính quyền đã tăng cường đưa gạo và mì tôm, mắm, muối... tập kết về địa bàn, đảm bảo người dân không bị thiếu ăn trong suốt thời gian xảy ra sạt lở, tắc đường, trôi cầu gây cô lập.

Theo nhận định của Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cơn bão số 9 là một cơn bão nguy hiểm với mưa dông, gió mạnh. Từ chiều 27/10, vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Đà Nẵng đến Phú Yên có gió mạnh cấp 8-10, sau tăng lên cấp 11-12, giật cấp 15; biển động dữ dội; sóng biển cao từ 6-8 m.

Vịnh Bắc Bộ và vùng biển từ Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế ảnh hưởng của hoàn lưu phía Bắc cơn bão kết hợp với không khí lạnh nên có gió Đông Bắc cấp 8-9, giật cấp 11; biển động rất mạnh; sóng biển cao từ 4-6 m. Vùng biển từ Khánh Hòa đến Bình Thuận có gió mạnh cấp 7, giật cấp 10; biển động mạnh; sóng biển cao từ 3-5 m.

Khu vực ven biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bình Định có khả năng xảy ra nước dâng do bão cao từ 0,5-1,5m. Nguy cơ ngập úng ở các vùng trũng, cửa sông, đầm phá ven biển từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi.

Bình luận (0)

Lên đầu trang