Đau đầu với rác thải nhựa mùa dịch

Thứ Sáu, 04/09/2020 18:19  | Xuân Tình

|

(CATP) Trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19, các biện pháp phong tỏa hay giãn cách xã hội được tăng cường nhằm ngăn chặn sự lây lan cũng như bùng phát dịch trong cộng đồng. Thời gian này, người tiêu dùng (NTD) có nhu cầu đặt hàng, nhất là thực phẩm, trên các ứng dụng trực tuyến (online) tăng cao và đây cũng là nguyên nhân khiến rác thải nhựa (RTN) tăng vô tội vạ thời gian qua.

Hệ lụy xuất phát từ thói quen

Dịch vụ đặt món và giao đồ ăn tận nơi tại TPHCM khá phổ biến những năm gần đây. Từ thời điểm dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, dịch vụ này càng trở nên thông dụng. Nếp sống "không rác thải" từng được triển khai nhưng dường như không được người dân tuân thủ nghiêm ngặt như trước.

Kéo theo đó là hàng loạt cửa hàng, quán ăn, tiệm giải khát mở trang bán hàng online để kinh doanh. Hàng được vận chuyển nhanh qua các dịch vụ shiper công nghệ: Grab, GoViet, Lazada, Now... rất tiện lợi. Đáng chú ý là quy trình đóng gói phục vụ thói quen NTD một lần đang khiến lượng RTN tăng đáng kể. Hầu hết mọi người đều tập trung vào phòng chống dịch, khắc phục tình thế trước mắt mà không nhận thấy những hậu quả để lại cho môi trường (MT) vô cùng nghiêm trọng.

Hàng loạt cửa hàng thời trang, mỹ phẩm cũng được nhiều NTD lựa chọn phương thức mua sắm trực tiếp trên mạng... Vì thế, bất cứ thứ gì cũng được đóng gói vận chuyển, khiến RTN xả ra MT mỗi ngày khó thể kiểm soát.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là bề nổi của vấn đề. Trong đại dịch Covid-19, khẩu trang, găng tay cao su cũng được sử dụng nhiều và thói quen gây mất mỹ quan, ảnh hưởng đến MT sống do tình trạng vứt rác bừa bãi trên vỉa hè, lề đường..., từ hộp nhựa đựng thức ăn, ly nhựa chứa nước, ống hút, khẩu trang y tế vứt khắp nơi, trông rất phản cảm... Hộp xốp, túi nylon, chai nhựa còn trôi nổi trên những con sông và các kênh rạch.

Hộp xốp, túi nylon và đủ loại rác thải trôi dập dềnh trên sông

Cần giải pháp thiết thực

Trên thực tế, khủng hoảng RTN không phải chỉ có ở Việt Nam, mà rất nhiều quốc gia trên thế giới cũng đang nỗ lực tìm cách khống chế. Tuy nhiên, thói quen của NTD được hình thành trong đại dịch Covid-19 đang trở thành mối họa cho MT. Việt Nam là một trong những nước có lượng RTN lớn trên thế giới, với 1,8 triệu tấn mỗi năm, vì vậy nếu phong trào chống RTN chựng lại thì tác hại đối với MT sẽ rất lớn. Thực tế cho thấy việc chống RTN không thể chỉ là chiến dịch cao điểm, mà phải là nhiệm vụ vừa cấp thiết vừa thường xuyên, lâu dài.

Khi ban hành Kế hoạch 3098/KH-UBND chống RTN trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2019 - 2021, UBNDTP đã đề ra các biện pháp đồng bộ, khả thi nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng, thay đổi hành vi và hạn chế sử dụng sản phẩm (SP) nhựa dùng 1 lần cùng loại túi nylon khó phân hủy.

Khẩu trang vứt bừa bãi trên đường được thu gom lại

Cụ thể: cùng với việc vận động, giáo dục nhận thức bảo vệ MT, nên có biện pháp đòn bẩy khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất (SX) túi nylon khó phân hủy chuyển sang SX bao bì thân thiện MT và yêu cầu các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ, cửa hàng tiện lợi, nhà sách... và người dân sử dụng thay thế cho túi nylon khó phân hủy; ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích việc thực hiện hoạt động thu gom, tái chế các loại chất thải từ nhựa, túi nylon và các cơ sở SX sản phẩm thân thiện MT thay thế túi nylon...

Bên cạnh đó nên tăng thuế đối với SP nhựa dùng 1 lần, từ đó các SP thân thiện MT mới có điều kiện thay thế. Việc phân loại rác tại nguồn để tái chế RTN và các phế liệu khó phân hủy khác rất cần thiết, cần sự đầu tư lớn đưa ngành tái chế RTN thành mô hình kinh tế tuần hoàn đồng thời cấm nhập nhựa, nylon phế liệu từ nước ngoài để tái chế, chỉ cho phép nhập các loại nhựa có giá trị tái chế cao.

Bình luận (0)

Lên đầu trang