TP.Hồ Chí Minh: Rất nhiều gầm cầu bị chiếm dụng

Thứ Hai, 03/04/2023 10:08

|

(CATP) Trên địa bàn TPHCM có khoảng 200 cây cầu lớn nhỏ, trong đó có rất nhiều gầm cầu đang bị chiếm dụng để làm nơi chất hàng hóa, đậu xe máy…, gây mất mỹ quan đô thị. Đặc biệt mới đây, người dân còn đốt rác bên dưới, khiến gầm cầu Rạch Lăng (Q.Bình Thạnh) bị ám khói đen. Hay sự cố cháy bên dưới gầm cầu Bình Triệu 1 do chập điện, gây đứt bó cáp dự ứng lực cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo.

Đủ kiểu chiếm dụng

Dưới gầm cầu vượt Nguyễn Kiệm (P3Q.Gò Vấp) hướng Q.Phú Nhuận đến Q.Gò Vấp, gầm cầu bị chiếm dụng làm nơi để xe máy của người dân gần đó và chất hàng hóa của 2 tiệm đồ gỗ. Tại cầu Hoàng Hoa Thám (P3Q.Bình Thạnh) hướng sang Q1, gầm cầu trở thành nơi giữ xe máy của các tiệm cơm bình dân, nhất là vào buổi trưa, gây cản trở lưu thông.

Chị Trần Thị Mai (45 tuổi, ngụ gần cầu Nguyễn Tri Phương, phía Q8) cho biết: "Các quán nhậu gần khu vực cầu này bán tới gần 1 giờ sáng, rất ồn ào, mất trật tự. Không chỉ vậy, gầm cầu còn bị khách của các quán nhậu phóng uế bừa bãi, rất mất vệ sinh". Gầm cầu Ông Lãnh (phía đường Võ Văn Kiệt, nối Q1 và Q4) trước đây bị chiếm dụng làm bãi giữ xe máy, nay lại có nhiều đồ đạc của người vô gia cư. Còn tại gầm cầu trên đường Đỗ Xuân Hợp (TP.Thủ Đức) hướng đến cầu Nam Lý, người đi đường dễ dàng bắt gặp cảnh người dân bày bán gà, quần áo..., trông không khác một khu chợ tự phát. Theo một số người dân, tình trạng này diễn ra đã khá lâu. Nhiều trường hợp vi phạm đã được chính quyền địa phương nhắc nhở, xử lý, nhưng vẫn tái diễn.

Gầm cầu Hoàng Hoa Thám (Q.Bình Thạnh) bị chiếm dụng để đậu xe máy

Từ cửa ngõ Đông Bắc vào TPHCM, ngay gầm cầu vượt Thủ Đức (TP.Thủ Đức), một số người ngang nhiên bày hàng chục bộ bàn ghế để mở các quán "cóc". Đây cũng là nguyên nhân gây nên tình trạng kẹt xe thường xuyên ở khu vực này. Chiều tối, khi các quán "cóc" này nghỉ hoạt động, gầm cầu có rất nhiều rác là chai lọ, bịch nylon.Dưới gầm các cầu vượt Ngã tư Ga, Bình Phước cũng có tình trạng bát nháo. Đây là nơi hành khách đứng đón xe về các tỉnh miền Trung, miền Bắc và chờ xe buýt. Tuy không phải là trạm dừng, nhưng một số xe vẫn dừng để đón, trả khách sai quy định.

Chế tài đã có

Theo quy định tại Thông tư số 35/2017/TT-BGTVT của Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT), tổ chức, cá nhân không được sử dụng gầm cầu, đường bộ làm nơi ở, hoạt động kinh doanh dịch vụ, điểm hoặc bãi xe gây mất an toàn đến công trình cầu, mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường.

Cạnh đó, Điều 52 của Luật Giao thông đường bộ quy định, gầm cầu nằm trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông. Việc chiếm dụng, khai thác gầm cầu gây ảnh hưởng đến an toàn công trình và an toàn giao thông. Khoản 4, Điều 22, Nghị định 11/2010/NĐ-CP quy định các vật liệu có nguy cơ cháy cao, hóa chất độc hại phải nằm ngoài hành lang an toàn đường bộ một khoảng cách để bảo đảm an toàn cho hoạt động GTVT. Các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ chứa một lượng nhiên liệu nhất định có khả năng gây cháy, nổ nếu xảy ra sự cố, do đó bãi giữ xe phải bố trí nằm ngoài hành lang an toàn đường bộ.

Gỗ và xe máy để dưới gầm cầu vượt Nguyễn Kiệm (Q.Gò Vấp)
Bãi giữ xe dưới gầm cầu

Việc gầm cầu bị chiếm dụng còn cản trở phương tiện cứu hộ, cứu nạn, chữa cháy khi xảy ra sự cố, hỏa hoạn dưới gầm cầu; cản trở việc thực hiện bảo trì công trình cầu, gây áp lực cho giao thông trên tuyến đường, đặc biệt là giờ cao điểm. Do đó, Bộ GTVT dứt khoát bác đề nghị của các địa phương về việc cho phép tận dụng các gầm cầu làm bãi giữ xe. Việc tận dụng gầm cầu làm kho để hàng, kinh doanh quán "cóc" cũng không được phép, vì có nguy cơ gây cháy, nổ.

Để chấm dứt tình trạng gầm cầu tại TPHCM bị chiếm dụng gây mất trật tự, an toàn và mỹ quan đô thị, ngành GTVT TPHCM cần kiểm tra, phối hợp chính quyền địa phương tiến hành cưỡng chế, giải tỏa mặt bằng. Nhằm giữ mặt bằng gầm cầu không bị tái chiếm dụng, nên đầu tư, chuyển mặt bằng gầm cầu thành vườn trồng các cây xanh trong bóng râm như đã thực hiện ở một số gầm cầu, tạo mỹ quan đô thị.

Bình luận (0)

Lên đầu trang