Sài Gòn lại ngập nặng trong cơn mưa trưa nay

Chủ Nhật, 14/06/2020 15:37  | Hải Văn

|

(CAO) Mưa lớn vào tối qua và trưa nay (14-6) khiến đoạn giao lộ Tô Ngọc Vân - Phạm Văn Đồng, Q.Thủ Đức ngập nặng, có nơi ngập gần 1 mét khiến nhiều xe cộ chết máy, nước tràn vào nhà dân gây hư hỏng nặng đồ đạc.

Quan sát cho thấy, đoạn giao lộ này là điểm trũng của đường Tô Ngọc Vân và Phạm Văn Đồng, mỗi khi mưa lớn, nước từ trên cao cuồn cuộn đổ về. Ngoài ra, hệ thống thoát nước tại giao lộ này khá nhỏ, không đáp ứng được nhu cầu thoát nước nhanh nên khi mưa nặng hạt một chút là nơi này biến thành sông.

Người dân cho biết, tình trạng ngập đã diễn ra từ nhiều năm nay, nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa có biện pháp thoát nước hiệu quả khiến cuộc sống của họ gặp rất nhiều khó khăn, thiệt hại.

Khu vực giao lộ Tô Ngọc Vân - Phạm Văn Đồng ngập nặng trong cơn mưa trưa nay

Mưa to là người dân chuẩn bị sẵn xô, chậu để tát nước. Có lúc đang ăn cơm, gặp mưa là buộc phải ngưng để tát nước. khổ nhất là khi ngủ, có mưa to là cả nhà phải thức để tát nước, nếu không, những vật dụng trong nhà đều bị nước làm hư hỏng.

Clip mưa ngập tại giao lộ Tô Ngọc Vân - Phạm Văn Đồng:

Trận mưa kéo dài vào tối 13/6 đã gây thiệt hại lớn cho TPHCM. Theo thống kê ban đầu vào sáng 14/5, cơn mưa khiến hơn 60 tuyến đường bị ngập, hàng nghìn xe máy bị hư hỏng do ngập nước, hàng chục vụ cây gãy đổ do giông lốc gây ra đã khiến 1 người tử vong và nhiều người đi đường bị thương.

Theo thông tin từ Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, đây là trận mưa cực đoan và lớn nhất từ đầu năm đến nay, lượng mưa đạt khoảng 90mm, các khu vực ngoại thành có nơi vượt 120mm. Tuy lượng mưa này vẫn nằm trong tần suất thiết kế hệ thống thoát nước của thành phố hiện nay (137,70mm đối với tuyến cống cấp 2, thiết kế cho lượng mưa đạt trong 1 giờ 30 phút ứng với chu kỳ 100 năm), nhưng tại rất nhiều khu vực, nước ngập đến mấy tiếng đồng hồ vẫn không rút được khiến người dân, phương tiện di chuyển hết sức khó khăn.

Đơn cử như khu vực đường Hồ Văn Tư (quận Thủ Đức) bị ngập nặng chỉ khoảng 15 phút sau khi bắt đầu mưa khiến người dân ở đây phải đắp bao cát tạm bợ gần nửa mét để chắn nước, nhưng vẫn không thể ngăn hoàn toàn dòng nước tràn vào nhà mỗi khi có xe lớn đi ngang qua.

Tại khu vực đường Phan Anh (quận Tân Phú) và đường Nguyễn Duy Trinh (quận 2), nhiều tuyến phố lớn biến thành biển nước khiến hàng loạt xe lưu thông bị chết máy phải dắt bộ bì bõm trên đường.

Tại Bến xe miền Tây (quận Bình Tân), nước ngập hơn 4 tiếng đồng hồ mới bắt đầu rút khiến tất cả các chuyến xe phải xuất bến trễ; hàng chục xe máy trong bãi đỗ của Bến xe bị hư hỏng do ngập nước lút bánh; toàn bộ khu vực nhà chờ phải đóng cửa do nước bẩn, rác thải tràn vào khắp sàn; hành khách vạ vật ngồi chờ xe ngoài sảnh… Sau cơn mưa, khu vực đường Kinh Dương Vương xảy ra ách tắc giao thông nghiêm trọng, sinh hoạt của người dân bị đảo lộn.

Theo thông tin từ Trung tâm chống ngập TPHCM, nguyên nhân gây ngập trên diện rộng sau trận mưa chiều 13/6 dù lượng mưa không quá lớn trong một thời gian ngắn chủ yếu là do tình trạng xả rác xuống hệ thống thoát nước còn phổ biến. Khi mưa lớn, áp lực nước cao sẽ cuốn trôi rác vào lưới chắn rác làm cản trở dòng chảy.

Mặc dù thời gian qua, UBND TP đã chỉ đạo xử lý tình trạng lấn chiếm hệ thống thoát nước, cửa xả, kênh rạch nhưng cứ đến mùa mưa là mọi thứ lại “đâu vào đấy”.

Theo Công ty Công viên Cây xanh TPHCM, việc đô thị hoá, thi công vỉa hè, thi công ngầm hoá lưới điện và các tuyến ống cấp nước, thoát nước, phát quang đường dây diện, xâm hại cây xanh (cụ thể là hành vi đổ hóa chất vào gốc cây) làm giảm sức chống chịu của hệ rễ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ngã đổ và ảnh hưởng rất lớn đến hệ thống cây xanh của TP.

Hậu quả là dù được thường xuyên duy tu, chăm sóc nhưng hễ đến mùa mưa bão là lại xảy ra tình trạng cây ngã đổ gây nguy hiểm cho người đi đường, nhất là đối với những nhóm cây do các đơn vị tư nhân quản lý.

Câu chuyện về chống ngập vẫn luôn là mối bận tâm hàng đầu của TPHCM trong nhiều năm qua. Phạm vi ảnh hưởng và tác động của vấn đề ngập nước rất lớn đến chất lượng sống của người dân và mục tiêu phát triển của thành phố.

Mặc dù thời gian qua TP đã nỗ lực tập trung chống ngập, nhiều dự án chống ngập mới được triển khai nhưng các khu vực dân cư, đường phố tại những dự án đó vẫn tái diễn ngập vào mỗi mùa mưa bão; thậm chí chỉ một cơn mưa cũng có thể gây thiệt hại nặng về tài sản và nhân mạng.

Bình luận (0)

Lên đầu trang