"Săn mây" trên đỉnh Núi Bà

Thứ Bảy, 07/10/2023 09:55

|

(CATP) Trước nay, người ta biết đến Vườn quốc gia (VQG) Bidoup - Núi Bà là một "bảo tàng thiên nhiên", một trong 5 VQG lớn nhất Việt Nam, một trong 221 trung tâm chim đặc hữu của thế giới, là vùng lõi của Khu dự trữ Sinh quyển thế giới Langbiang ở Việt Nam, được UNESCO công nhận. Thế nhưng chưa có nhiều người biết rằng VQG Bidoup - Núi Bà còn là điểm "săn mây" hết sức lý thú, hấp dẫn.

"Nóc nhà Tây Nguyên"

Trên cao nguyên Lâm Viên ngàn đời nay hiện hữu 2 ngọn núi cao quanh năm phủ mờ sương trắng, trở thành biểu tượng và niềm tự hào của cư dân bản địa. Hai đỉnh núi nằm cách nhau khoảng 50km, dọc dãy Trường Sơn Nam và trải dài trên địa bàn huyện Lạc Dương, Lâm Đồng: Đó là đỉnh Langbiang (còn gọi Núi Bà) cao 2.167m, thuộc xã Lát và đỉnh Bidoup cao 2.287m, thuộc xã Đạ Nhim. Đỉnh Bidoup cao nhất vùng Tây Nguyên nên được gọi là "nóc nhà Tây Nguyên". Đặc biệt, đây là nơi khởi nguồn của con sông dài nhất Việt Nam là sông Đồng Nai và "sông chảy ngược" Sêrêpôk.

Ngoài quản lý diện tích vùng lõi khá lớn (69.663 héc-ta), VQG Bidoup - Núi Bà còn chiếm lĩnh hơn 300.000 héc-ta rừng nguyên sinh, trải dài từ các xã của huyện Lạc Dương và huyện Đam Rông (Lâm Đồng), tiếp giáp với vùng rừng thuộc các tỉnh Đắk Lắk, Khánh Hòa, Ninh Thuận..., tạo thế liên hoàn trên vùng đất Tây Nguyên bao la, hùng vĩ. Sở hữu một vùng rừng nguyên sinh rộng lớn, VQG Bidoup - Núi Bà có hệ sinh thái động, thực vật rất đa dạng và phong phú. Tại đây hiện có rất nhiều loài thực vật và động vật đặc hữu thuộc nhóm quý hiếm, nằm trong "Sách đỏ” của Việt Nam và danh mục "Sách đỏ IUCN" (Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế), cần được bảo vệ nghiêm ngặt.

Khi các đoàn khách du lịch trong nước hay khách quốc tế đặt chân đến VQG Bidoup - Núi Bà đều choáng ngợp trước cảnh quan thiên nhiên mênh mông, hùng vĩ, chú tâm khám phá các khu rừng nguyên sinh, những nhóm, loài động, thực vật quý hiếm cùng bao nhiêu điều thú vị hiện hữu, mà quên rằng nơi đây còn là điểm "check-in", có các điểm "săn mây", "săn sương" đầy lý thú, hấp dẫn!

Biển mây trên những cánh rừng nguyên sinh của VQG Bidoup - Núi Bà

Nằm ở độ cao từ 1.500 - 1.800m (tính từ trụ sở của VQG Bidoup - Núi Bà tại xã Đạ Nhim), nhìn lên đỉnh núi Biduop "nóc nhà Tây Nguyên" cao 2.287m, suốt bốn mùa sương trắng bao phủ. Đặc biệt, vào các buổi sáng sớm trời không mưa, mây trắng viền quanh đỉnh núi thành từng tầng, từng lớp cao, thấp, bồng bềnh giữa chốn sơn lâm u tịch, khiến lòng người ngơ ngẩn. Tôi đứng trên tầng 2 ngôi nhà làm việc của VQG Bidoup - Núi Bà, phóng tầm mắt lên đỉnh Bidoup xa xa trên ngọn thông già, hình ảnh 2 đỉnh núi (khuyết chõm đầu) tựa hồ đang "bơi" trong mây trắng, phản xạ tự nhiên tôi đưa máy ảnh lên...

Những điểm "săn mây" tuyệt vời

Từ khu nhà làm việc của VQG Bidoup - Núi Bà đến đỉnh Biduop khá xa, với nhiều dãy núi cao, thấp trập trùng, theo đó sương trắng và mây xanh thay nhau tạo thành từng tầng cao, thấp. Vào những đêm trời không mưa, thường sáng sớm hôm sau hay vào những buổi hoàng hôn, mây trắng quần tụ từ đỉnh Bidoup đến các dãy núi dưới chân. Mây trắng bồng bềnh trôi trên từng mái nhà, nương rẫy của người dân, trên từng thảm rừng thông xanh bát ngát của đại ngàn...

Từ VQG Bidoup - Núi Bà ngắm mây trôi trên ngọn thông già trắng xóa. Ảnh: Thanh Dương Hồng

Trong khu vực VQG Bidoup - Núi Bà, có rất nhiều vị trí cao, từ đây thành phố Đà Lạt và các huyện lân cận như Lạc Dương, Lâm Hà, Đam Rông.... nằm hoàn toàn trong tầm mắt. Đặc biệt, tại khu vực đỉnh Hòn Giao (xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương) có độ cao 2.060m so với mực nước biển - một vị trí "săn mây" khá lý tưởng. Tại đây, bạt ngàn rừng nguyên sinh, cổ thụ với nhiều loại cây hạt trần, các loài thông quý (dẻ, sồi, pơmu, thông 3 lá, thông 5 lá Đà Lạt, thông 2 lá dẹt...) và khu rừng lùn núi cao, với nhiều loài phong lan quý đang được nhân giống bảo tồn. Khu vực này thường xuyên sương mù trắng xóa, kéo dài cho đến giữa đỉnh đèo Khánh Vĩnh. Theo các cán bộ Trạm Kiểm lâm Hòn Giao, những ngày trời đẹp hay các buổi chiều sau những cơn mưa, cả một khu rừng nguyên sinh rộng lớn, mây trắng sà xuống rừng thông, loang ra trên con đường đèo 27C, uốn lượn, đẹp vô cùng!

Đứng từ đỉnh Hòn Giao, tôi phóng tầm mắt nhìn về tứ phía. Quả thật, dưới những tầng mây trắng như bông, nhà cửa, sông suối, vườn cây, ruộng lúa, nương rẫy... của nhân dân tựa hồ bồng bềnh, nhấp nhô dưới từng tảng mây trắng rất đẹp và thi vị. Những năm gần đây, cụm từ "săn mây" không còn xa lạ đối với khách du lịch yêu thích khám phá thiên nhiên kỳ thú và thực sự hấp dẫn đối với những "tay máy" yêu cái đẹp của tự nhiên, tạo hóa.

Ðỉnh Bidoup "nóc nhà Tây Nguyên" quanh năm mây trắng bồng bềnh

Ở Đà Lạt trước nay có rất nhiều... mùa, bây giờ được bổ sung thêm "mùa săn mây" nghe cũng khá lãng mạn. Trên địa bàn thành phố sương mù này, dường như người ta đã quá quen với vài chục điểm "săn mây" lý thú như: đồi Đa Phú (phường 7), đồi chè Cầu Đất (xã Xuân Trường), đồi Cù, đồi Thiên Phúc Đức (phường 8), đồi Trọc (đồi Cô Dâu), đồi Robin (cáp treo Đà Lạt), đỉnh Langbiang (huyện Lạc Dương), đỉnh Hòn Bồ (phường 12, TP.Đà Lạt).... và hàng chục quán cà phê nằm ở ngoại ô Đà Lạt có vị trí cao, "view" đẹp. Nhưng dường như chưa mấy ai biết và khám phá các điểm "săn mây" rất hấp dẫn, thú vị nằm trong khu vực VQG Bidoup - Núi Bà.

Đà Lạt đang giữa mùa thu, nhưng đặc trưng mùa thu Đà Lạt đi cùng mùa mưa trên phố núi, là thời khắc khách du lịch yêu thích khám phá điều khác biệt của Đà Lạt tìm về. Đặc biệt, những người yêu thích "săn mây" tìm về Đà Lạt để chiêm ngưỡng, chụp hình, "check-in", sống ảo... Để có những khoảnh khắc đẹp và khám phá Khu dự trữ Sinh quyển thế giới Langbiang - "bảo tàng thiên nhiên" quý của thành phố mộng mơ, mời bạn hãy về VQG Bidoup - Núi Bà...

Bình luận (0)

Lên đầu trang