Họ, luôn đi đầu nơi ngọn sóng đầu gió, âm thầm trong cuộc chiến đẩy lùi, kiểm soát dịch bệnh, đối diện với muôn vàn khó khăn thiếu thốn và đầy rẫy những hiểm nguy; nhưng chỉ thật sự mỉm cười hạnh phúc khi các bệnh nhân được chữa khỏi, dịch bệnh được kiểm soát tốt. Với họ, bệnh nhân được trị khỏi bệnh, xuất viện là những món quà vô giá nhân ngày 27-2.
CẢM ĐỘNG CON TẶNG HOA BỐ NGÀY THẦY THUỐC VIỆT NAM NGAY TÂM DỊCH
Đây chỉ là bước đầu trong cuộc chiến chống “giặc” virus corona, nhưng việc kiểm soát tốt sự lây lan của dịch bệnh và chữa khỏi cho 16 bệnh nhân dương tính với loại virus chết người này đã tạo động lực lớn cho toàn ngành Y tế nói chung và đội ngũ y tế đang ngày đêm túc trực tại tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng.
Anh Tiến mang lãng hoa tươi đến chúc mừng bộ cùng các cán bộ cắm chốt kiểm dịch tại tâm dịch Sơn Lôi.
Với họ, dù chưa có thêm ca bệnh mới nào, nhưng trong tâm trí luôn sẵn sàng, chuẩn bị cho mọi tình huống, không chủ quan để bất cứ lúc nào cũng đối diện với cuộc chiến cam go, kéo dài với dịch bệnh khi chủng virus mới vẫn diễn biến khó lường, lây lan tại nhiều quốc gia.
Trưa ngày 25-2, chốt kiểm dịch số 1 trục đường chính vào tâm dịch xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên đón một vị khách đặc biệt lặn lội hàng chục cây số đến thăm.
Giây phút nghỉ ngơi hiếm hoi của các cán bộ chống dịch ở chốt nhân dịp ngày Thầy thuốc Việt Nam.
Vị khách đó là anh Thiều Đức Tiến – con trai cán bộ y tế Thiều Đức Hòa, người được tăng cường từ huyện Vĩnh Tường lên tuyến đầu chống dịch. Anh Tiến tranh thủ giờ nghỉ trưa, cầm lãng hoa kèm lời chúc với nội dung gửi đến bố của anh cùng các anh, chị em nơi tuyến đầu chống dịch tình cảm yêu thương nhất.
Thấy con trai, cán bộ Thiều Đức Hòa cảm động, ánh mắt đầy trừu mến. Bên cạnh, đồng nghiệp, cán bộ công an, bộ đội đứng chốt cũng rạng ngời, nở nụ cười tươi rói. Ông Hòa nói, năm nào cứ đến ngày thầy thuốc Việt Nam, vợ và các con ông đều gửi lời chúc đến ông. Năm nay, ông nhận được hoa lời chúc mừng ở nơi đặc biệt nên cảm xúc rất khác lạ.
Ông Hòa cho biết, bản thân nhận lệnh tăng cường đứng chốt tại đây từ ngày 13-2. Từ đó đến nay, ông chưa thể về nhà, nỗi nhớ nhà, nhớ người thân gia đình cứ xâm lấn mỗi khi ông hết ca chốt. Nhưng trên hết là nhiệm vụ chung, ông tiết chế cảm xúc, mỗi ngày khi hết ca, ông lại gọi điện về nhà cập nhập tình hình công việc, sức khỏe của ông cũng như tình hình dịch bệnh để người thân ở nhà yên tâm.
Ông Hòa cảm động khi nhận được sự động viên khích lệ từ vợ và con.
Ông Hòa xúc động nói: “Chưa có năm nào ngày 27-2 lại như năm nay. Tôi cũng không nghĩ vợ con chu đáo mang hoa, quà đến tận chốt tặng. Khi thấy con, cảm xúc của tôi khó tả lắm, đây là sự khích lệ lớn đối với tôi. Trong những ngày ở Sơn Lôi, tôi luôn nhận được sự động của vợ con, họ như tiếp thêm niềm tin, sức mạnh để tôi phát huy, hoàn thành tốt công việc được giao phó.
Dù Sơn Lôi đang kiểm soát tốt dịch bệnh, nhưng cuộc chiến vẫn còn cam go, chúng tôi vẫn phải luôn chủ động chuẩn bị tinh thần tốt nhất ở nơi đầu tuyến dịch, mỗi sự động viên lúc này với chúng tôi vô cùng ý nghĩa”.
Mang từng bịch bánh do tự tay đem đến cho bố, anh Tiến cho biết, khi biết bố nhận nhiệm vụ, gia đình cũng có chút lo lắng, nhưng không ai nói ra vì sợ ảnh hưởng tới quá trình làm nhiệm vụ của ông Hòa.
Sau này, khi nhớ bố, anh cùng với mẹ thường xuyên gọi điện hỏi thăm tình hình dịch bệnh, động viên ông Hòa chịu khó ăn uống, thực hiện kỹ lưỡng các bước bảo vệ. “Đây là cuộc chiến chung cần chung tay của cả xã hội. Tôi và mẹ nghĩ rằng, mình không phải làm nhiệm vụ ở “tiền tuyến” thì phải là hậu phương, chỗ dựa thật vững chắc, tạo tâm lý tốt để bố làm tốt nhiệm vụ kiểm soát dịch tránh nguy cơ lây lan cho cộng đồng, đó chính là cách bảo vệ tốt nhất cho hàng triệu gia đình, trong đó có gia đình tôi.
Đây là lần đầu tiên bố đón Tết ngành Y xa nhà nên tôi trực tiếp mang món quà nhỏ của gia đình đến tặng bố cùng các anh chị làm kiểm dịch như nguồn động viên tinh thần đến họ”, anh Tiến chia sẻ.
"CHIẾN SĨ" ÁO TRẮNG TIÊN PHONG
Chị Lê Thị Nga là một cán bộ y tế trẻ tại xã Cao Đại, huyện Vĩnh Tường cũng được tăng cường đến tâm dịch xã Sơn Lôi vào thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp nhất. Cũng như hàng trăm cán bộ y tế khác, ngày 13-2, Nga nhận được lệnh, cô lập tức gói ghém đồ đạc, chuẩn bị hành trang lên đường.
Ở thời điểm mới nhận nhiệm vụ, Nga cũng có chút lo lắng, cô nghĩ mình đi công tác dài ngày, chồng cô là bộ đội cũng ở xa, con nhỏ ở nhà có mỗi ông nội chăm không biết sẽ xoay xở ra sao. Thời gian chuẩn bị chỉ chưa đầy 1 tiếng đồng hồ, cô bị giằng xé bởi nhiều cảm xúc lẫn lộn.
Những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận chống dịch virus lây lan.
“Em không sợ dịch bệnh, đầu cứ mông lung nghĩ tới 3 ông cháu ở nhà, rồi xa và nhớ con thì phải làm sao. Lúc ấy chồng ở xa gọi về động viên nên em nghĩ lúc này cần phải mạnh mẽ xách ba lô lên và đi vì mình chọn ngành y, đất nước đang cần mình. Trong cuộc chiến này, mình phải là người “chiến sĩ” tiên phong”, Nga mạnh mẽ nói.
Theo nữ cán bộ y tế, từ ngày được tăng cường, cô chưa về nhà, bản thân nhớ con nhớ nhà nhưng vì công việc chung, cô phải kìm nén cảm xúc để cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Nữ cán bộ trẻ Lê Thị Nga.
Cô cảm động nói: "Nhìn người dân bị phong tỏa, hạn chế đi lại và thường xuyên phải đo thân nhiệt, sát trùng, trong thâm tâm tôi mong sớm xóa sổ được dịch bệnh này để về với gia đình con cái, để người dân sớm trở lại cuộc sống thanh bình”, nữ cán bộ y tế Lê Thị Nga chia sẻ.