Cách phát hiện sớm bệnh cúm và điều trị kịp thời

Thứ Bảy, 15/10/2022 15:40

|

(CAO) Đang vào thời điểm giao mùa nên bệnh cúm có dấu hiệu bùng phát trên diện rộng. Bệnh này có thể được chẩn đoán thông qua các triệu chứng lâm sàng, tuy nhiên rất khó để phân biệt dấu hiệu bị cúm với các bệnh đường hô hấp khác.

Theo các chuyên gia y tế, cúm là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do virus cúm gây ra. Có 4 chủng virus cúm là A, B.C, D, trong đó cúm A (tên khoa học là Alphainfluenzavirus) là loại cúm mùa phổ biến nhất.

Nếu không cẩn trọng về loại bệnh này thì hậu quả cũng rất khó lường. Bởi cúm gây ra tình trạng suy giảm sức đề kháng của cơ thể và gây ra biến chứng viêm phổi ở những bệnh nhân trên 65 tuổi, có bệnh nền. Vì vậy, những người lớn tuổi và có bệnh nền cần đặc biệt quan tâm đến việc chủng ngừa cúm 100% để tránh những biến chứng của cúm gây ra.

Ngoài người cao tuổi và những người mắc bệnh nền, phụ nữ mang thai nếu nhiễm cúm trong 3 tháng đầu thai kỳ cũng rất nguy hiểm. Đây là giai đoạn thai nhi bắt đầu hình thành và phát triển nhiều bộ phận của cơ thể, do đó nếu người mẹ mắc cúm trong giai đoạn này sẽ có nguy cơ dị tật thai nhi, sảy thai hoặc thai lưu.

Muốn biết có chính xác mắc bệnh cúm không, chúng ta nên xét nghiệm; tuy nhiên các chuyên gia y tế cũng chỉ ra một số dấu hiệu nhận biết bệnh cúm là đau họng, sổ mũi và hắt hơi (giống với cảm lạnh); cộng thêm các cảnh báo như: Sốt vừa đến cao (trên 38 độ C); cảm giác ớn lạnh; đau đầu, chóng mặt; đau nhức cơ bắp; mệt mỏi toàn thân, cảm giác yếu ớt không còn chút sức lực; buồn nôn, tiêu chảy (thường xuất hiện ở trẻ em nhiều hơn).

Các triệu chứng dễ nhận biết bệnh cúm (ảnh minh họa)

Đối với người khỏe mạnh thì tất cả các triệu chứng trên sẽ biến mất trong vòng một hoặc hai tuần.

Chúng ta chỉ làm xét nghiệm cúm bằng thực hiện Real time PCR đối với những trường hợp bệnh nhân nặng nhập viện, để phân biệt cúm hay COVID-19, bệnh nhiễm khuẩn. Những xét nghiệm này phải có chỉ định.

Về điều trị cúm, đối với các trường hợp nhẹ, người bệnh có thể tự điều trị tại nhà, thực hiện theo hướng dẫn của bác sĩ, uống Panadol, vitamin C, uống nước nhiều, vệ sinh mũi họng, tay chân sạch sẽ...

Đối với những trường hợp nặng, bệnh nhân phải nhập viện để được điều trị và chăm sóc đề phòng nhiễm khuẩn thứ phát.

Trong trường hợp đối với bệnh nhi viêm phổi diễn tiến nhanh thì bác sĩ cần xác định tác nhân chính xác là gì để điều trị. Nếu là virus cúm hay SARS-CoV-2 thì cần phải xác định sớm để điều trị bằng thuốc kháng virus mới có hiệu quả.

Bình luận (0)

Lên đầu trang