TPHCM: Đầu tư xây mới các bệnh viện xuống cấp hoặc quá tải đến năm 2030

Thứ Hai, 16/09/2024 15:40

|

(CATP) Đó là một trong những mục tiêu được đặt ra trong báo cáo tóm tắt đánh giá 5 năm thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, phương hướng, nhiệm vụ giải pháp giai đoạn 2026 - 2030 trong lĩnh vực y tế của Sở Y tế TPHCM vừa được ban hành.

Theo Sở Y tế, tính đến thời điểm này, Sở đã đạt 4/5 chỉ tiêu của ngành Y tế so với chỉ tiêu đề ra theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố (TP) lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Trong đó, Sở đã kiểm soát dịch Covid-19 và các dịch bệnh truyền nhiễm khác, bảo đảm công tác tiêm chủng vắc-xin phòng bệnh, không để xảy ra dịch chồng dịch; tập trung phòng, chống các dịch bệnh truyền nhiễm lưu hành (sốt xuất huyết, tay chân miệng...), các dịch bệnh nguy hiểm, mới nổi.

Bên cạnh đó, công tác phòng, chống các bệnh không lây nhiễm ngày càng được chú trọng, quan tâm. Đồng thời, Sở Y tế TPHCM cũng đã củng cố và nâng cao năng lực hệ thống y tế cơ sở trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân; triển khai các hoạt động y tế cộng đồng, thực hiện bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân, nâng cao chất lượng dân số về thể chất; nâng cao tỷ suất sinh để phát triển bền vững.

Ngoài ra, chất lượng, hiệu quả công tác khám bệnh, chữa bệnh ngày càng được nâng cao. Hoạt động khám bệnh, chữa bệnh thông thường phục hồi mạnh sau đại dịch Covid-19. Các dịch vụ y tế ngày một đa dạng, chất lượng được nâng lên rõ rệt; nhiều cơ sở khám, chữa bệnh được đầu tư xây dựng hiện đại và đồng bộ, từ đó phát triển các kỹ thuật chuyên sâu ngang tầm các nước trrong khu vực và thế giới. Hệ thống cấp cứu ngoại viện được củng cố và nâng cao năng lực theo hướng chuyên nghiệp.

Ngành Y tế TPHCM sẽ tập trung củng cố y tế cơ sở và phát triển y tế cộng đồng (ảnh minh họa)

Đến nay, Sở đã có nhiều đề án được TP phê duyệt và triển khai thực hiện bước đầu mang lại những kết quả thiết thực. Nhiều hoạt động chăm sóc sức khỏe cộng đồng đã đi vào cuộc sống của người dân như: khám sức khỏe cho người cao tuổi, chăm sóc các bệnh mạn tính không lây (cao huyết áp, đái tháo đường...) tại các trạm y tế phường, xã; Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP triển khai hiệu quả hoạt động phòng, chống dịch bệnh mới nổi và các dịch bệnh lưu hành...

Chưa kể, lần đầu tiên TP đã và đang xây dựng và hình thành mạng lưới các cộng tác viên sức khỏe cộng đồng phủ khắp địa bàn các quận, huyện; phát triển các kỹ thuật chuyên sâu thuộc các chuyên ngành khác nhau như Nhi khoa, Sản khoa,

Ngoại khoa, Tim mạch, Ung thư... tiếp tục mang lại nhiều kết quả khả quan ngang tầm các nước trong khu vực. Nhiều ứng dụng công nghệ thông tin mang lại nhiều tiện ích cho người dân và nhân viên y tế tại các bệnh viện. Ngành Y tế từng bước xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân.

Ông Nguyễn Anh Dũng - PGĐ Sở Y tế TPHCM - cho biết, trên cơ sở những thành tựu đã đạt được, Sở cũng đối mặt với một số tồn tại, thách thức như: tình trạng quá tải tại các bệnh viện tuyến TP vì chưa được đầu tư cơ sở hạ tầng mới; chính sách liên thông thẻ bảo hiểm y tế tuyến huyện, tuyến tỉnh làm số lượt người bệnh có khuynh hướng đổ dồn về các bệnh viện thành phố lớn như TPHCM; công tác dân số của TP đang xảy ra tình trạng mức sinh liên tục giảm trong các năm vì xu hướng kết hôn muộn, sinh con muộn, sinh ít con và không muốn sinh con ngày càng gia tăng, do những áp lực trong trong cuộc sống và công việc...

Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP bị xuống cấp và quá tải dự kiến sẽ được đầu tư xây mới

Theo Quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, TP sẽ tập trung phát triển y tế chuyên sâu theo 3 cụm, bao gồm: Cụm y tế chuyên sâu khu vực trung tâm; Cụm y tế chuyên sâu tại xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh và Cụm y tế chuyên sâu tại thành phố Thủ Đức. Mỗi cụm chuyên sâu đều bao gồm ít nhất một trường đại học thuộc khối ngành sức khỏe chịu trách nhiệm đào tạo nguồn nhân lực y tế chất lượng cao, xây dựng các bệnh viện đại học, các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa đạt chuẩn chất lượng và chuẩn chuyên môn kỹ thuật ngang tầm các nước trong khu vực, các bệnh viện này gắn kết chặt chẽ với các trường đào tạo theo mô hình viện - trường. Song song đó, sẽ đầu tư cơ sở hạ tầng và trang thiết bị hiện đại cho các bệnh viện Bộ, ngành, bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến cuối của TP, tạo điều kiện thuận lợi cho hệ thống y tế tư nhân phát triển các bệnh viện theo hướng cung cấp dịch vụ kỹ thuật chất lượng cao, hạn chế người dân ra nước ngoài khám, chữa bệnh.

Đáng chú ý, ưu tiên đến năm 2030, cần tập trung đầu tư xây mới các bệnh viện đang xuống cấp hoặc quá tải như Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Tâm thần, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Mắt. Các dự án ưu tiên khác gồm: Trung tâm khám sức khỏe và tầm soát bệnh bằng công nghệ cao tại cụm y tế chuyên sâu ở khu vực Trung tâm; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP (HCDC) giai đoạn 2; đầu tư nâng cấp, xây mới 146 trạm y tế; hoàn thiện cụm y tế chuyên sâu Tân Kiên, Bình Chánh.

Chia sẻ về định hướng phát triển của ngành Y tế TP thời gian tới, ông Nguyễn Anh Dũng nhấn mạnh, ngành y tế TP cũng đồng thời xác định 4 giải pháp: phát triển nguồn nhân lực y tế phù hợp với từng nhiệm vụ; nâng cao năng lực quản lý tại các cơ sở y tế, khuyến khích đổi mới sáng tạo triển khai thí điểm những hoạt động mới, chính sách mới đáp ứng các yêu cầu từ thực tiễn; ưu tiên đầu tư phát triển các trang thiết bị, cơ sở hạ tầng, chú trọng triển khai các kỹ thuật chuyên sâu tại các bệnh viện tuyến cuối, quan tâm triển khai kỹ thuật học thích hợp cho tuyến y tế cơ sở; đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng cường triển khai các ứng dụng y tế thông minh.

Ngoài ra, trên cơ sở khắc phục những hạn chế còn tồn tại, Sở Y tế TPHCM cũng đã đề ra chỉ tiêu đến năm 2030 phấn đấu đạt được. Cụ thể: số bác sĩ/vạn dân đạt 23 và số điều dưỡng/vạn dân đạt 40; số giường bệnh/vạn dân đạt 42; tổng tỷ suất sinh đạt 1,6; mỗi người dân được khám sức khỏe và tầm soát bệnh 1 lần một năm; mỗi người dân được lập hồ sơ sức khỏe điện tử và tuổi thọ trung bình của người dân đạt 77,0; trong đó thời gian sống khỏe mạnh đạt tối thiểu 68 năm.

Bình luận (0)

Lên đầu trang