(CAO) Tuy không trực tiếp đe dọa đến tính mạng nhưng khi mắc bệnh này phụ nữ thường gặp nhiều phiền toái trong cuộc sống.
Tại Hội nghị Sàn chậu học TP.HCM lần thứ 13 diễn ra ngày 2-11 tại Bệnh viện phụ sản Từ Dũ TP.HCM, các chuyên gia y tế chia sẻ, hiện có gần 50% phụ nữ trong độ tuổi từ trên 40 bị sa tạng vùng chậu. Tiểu không kiểm soát, tiểu gấp, táo bón… là các rối loạn chức năng do chứng bệnh sa tạng chậu gây nên.
Theo các chuyên gia y tế, sa tạng chậu là nỗi ám ảnh của phụ nữ sau sinh. Theo thống kê của Hội Sàn chậu TP.HCM, cứ 3 phụ nữ từng mang thai và sinh đẻ, có 1 người bị són tiểu. Gần 50% phụ nữ trên 40 tuổi bị són tiểu, 40% phụ nữ trên 50 tuổi bị sa các cơ quan trong vùng chậu. Trong đó, cứ 5 người thì có một người bị sa từ 2 cơ quan trở lên như: sa tử cung, sa bàng quang, sa trực tràng.
Do sự suy yếu của hệ thống nâng đỡ, treo giữ của hệ cơ, dây chằng màng trong chậu các cơ quan như bàng quang, hậu môn, trực tràng, tử cung… nằm trong vùng chậu tụt xuống sa vào vùng âm đạo. Tình trạng trên gây nên các rối loạn chức năng về tiết niệu, hậu môn trực tràng, phụ khoa. Nguyên nhân của sự suy yếu này có thể là do bẩm sinh, táo bón, lão hóa, tiền sử sinh đẻ nhiều, tiền sử có trải qua các phẫu thuật vùng chậu (cắt tử cung, cắt trĩ…).
Tuy không đe dọa trực tiếp tính mạng của bệnh nhân nhưng sa tạng chậu ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng sống của người bệnh, khiến người bệnh cảm thấy xấu hổ, không tự tin.
Theo thống kê, có khoảng 50% phụ nữ trên 40 tuổi bị rối loạn chức năng sàn chậu. Ảnh minh họa
Do tâm lý ngại ngùng vì mang "bệnh khó nói" và thấy không nguy hiểm tính mạng nên nhiều chị em không đi điều trị, để tình trạng bệnh ngày càng nặng kèm biến chứng.
Việc điều trị sa tạng chậu gồm phục hồi giải phẫu và chức năng của những cơ quan vùng chậu và âm đạo, thay đổi lối sống, nâng đỡ cơ học, tập sàn chậu đến nhiều phương pháp phẫu thuật khác nhau. Ngoài ra, một số bệnh viện chuyên khoa Sản, Niệu hiện nay cũng đã triển khai các kỹ thuật nâng đỡ sàn chậu với ứng dụng Laser Er Yag. Tùy theo mức độ, vị trí bệnh mà thầy thuốc đưa ra chỉ định điều trị phù hợp nhằm mang lại chất lượng cuộc sống cao nhất cho bệnh nhân.
Các bác sĩ khuyến cáo, bệnh nhân nên đi khám và điều trị bệnh sớm để được điều trị bằng các phương pháp thích hợp. Nếu để bệnh quá nặng, đặc biệt là sa tử cung mức độ nặng, gây viêm loét, các biến chứng nguy hiểm thì có thể sẽ phải phẫu thuật cắt bỏ tử cung.
(CAO) Khối sa kéo rớt tử cung và bàng quang ra xa khỏi âm hộ làm cho cụ bà 91 tuổi không dám đi lại mà chỉ giới hạn mọi sinh hoạt quanh giường của mình.