Nhiều tin vui đã đến với bệnh nhân khi: Chỉ cần ngồi tại nhà những vẫn có thể đăng ký khám chữa bệnh hay điều trị bệnh ở Việt Nam nhưng lại có thể tái khám ở nước ngoài?Thoạt nghe là điều khó xảy ra đối với nền y tế còn đang phát triển ở nước ta.
Nhưng trong thực tế, một số cơ sở y tế tại TP.HCM đã và đang áp dụng cũng như khai thác triệt để công nghệ hiện đại vào công tác khám chữa bệnh. Trong số này đã ghi dấu bằng nhiều thành tựu đáng tự hào!
Điều trị Việt Nam… tái khám nước ngoài
Đã từ rất lâu, việc phải xếp hàng từ sáng sớm để lấy số thứ tự tại bệnh viện Ung Buớu TPHCM đã trở thành nỗi ám ảnh của phần đông bệnh nhân. Phóng viên Báo CATP đã từng có dịp theo chân những đoàn người từ các tỉnh miền Tây, miền Trung lũ lượt tìm về TP chờ khám bệnh. Có như vậy mới thấu hiểu nỗi khổ mà các bà, các mẹ phải trải qua.
Bệnh nhân không cần xếp hàng lấy số khi tới thăm khám tại BV Ung Buớu
Nhưng cũng vì lý do này, mà tại bệnh viện Ung Bưới ngày nay, một hệ thống công nghệ hiện đại đã được đội ngũ y, bác sĩ, các chuyên viên công nghệ nhiệt huyết phát triển và đưa vào áp dụng trong thực tế.
Điều này không những giải quyết được nỗi khổ của bà con tỉnh xa mà con thay đổi thực tế bộ mặt của một bệnh viện hàng đầu cả nước trong công tác điều trị ung bướu.
Hiện bệnh viện Ung Bướu đang tiến hành thay đổi mạnh mẽ công tác quản lý, vận hành cũng như điều trị bệnh theo hình thức mới. Và cũng vì vậy, nhiều niềm hy vọng đã được đặt ra dành cho những thiên thần áo trắng trên cuộc chiến với căn bệnh hiểm nghèo.
Việc áp dụng sớm công nghệ 4.0 vào công tác điều trị bệnh giúp ích rất nhiều cho các bác sĩ trong việc theo dõi, dự đoán trước tình trạng bệnh cũng như hạn chế tối đa những rủi ro có thể xảy đến.
Hiện nay, bệnh viện đang từng bước áp dụng công nghệ bệnh án điện tử vào công tác chuyên môn. Ứng dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo trong tư vấn và hỗ trợ các bác sĩ lựa chọn phác đồ điều trị bệnh ung thư.
Chiếc thẻ khám bệnh điện tử do BV Ung Buớu phát triển
Từ đây, toàn bộ thông tin liên quan tới bệnh nhân sẽ được số hóa. Người bệnh sẽ được bác sĩ cung cấp một tài khoản đăng nhập vào hệ thống điện tử. Nhờ đó, bệnh nhân dù có điều trị tại Việt Nam nhưng hoàn toàn có thể tái khám ở bất kỳ quốc gia nào nhờ hệ thống toàn cầu, bỏ qua rất nhiều thủ tục phức tạp như trước đây.
Công nghệ phát triển giúp ích rất nhiều trong công tác chuyên môn tại bệnh viện này
Tâm sự với phóng viên, Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Diệp Bảo Tuấn (Phó Giám đốc bệnh viện Ung Bướu) cho rằng, công nghệ là hiện tại và sẽ trở thành tương lai của nền y tế nước nhà.
“Y tế là lĩnh vực mà công nghệ 4.0 tác động rõ nét nhất. Kết nối, liên thông dữ liệu & thanh toán không dùng tiền mặt trong khám chữa bệnh là mục tiêu ngành y tế hướng tới. Chỉ có nắm bắt kịp thời chiếc chìa khóa quan trọng này thì chúng ta mới thật sự đạt được những bước đột phá trong tương lai” – bác sĩ Tuấn tâm sự.
Thanh toán viện phí không dùng tiền mặt
Với những tiện ích trong việc sử dụng thẻ khám chữa bệnh như đặt lịch khám, thông tin bệnh tật, lịch sử khám bệnh và thanh toán không dùng tiền mặt, dù mới chỉ triển khai hơn 1 năm, nhưng mỗi tháng đã có khoảng 3.000 người bệnh khi đến khám đã chủ động làm thẻ. Cùng với thẻ khám bệnh, bệnh viện đã phát triển ứng dụng đăng ký khám bệnh trên điện thoại di động.
Cùng với thẻ khám bệnh, bệnh viện đã phát triển ứng dụng đăng ký khám bệnh trên điện thoại di động.
Người bệnh ở nhà đăng ký lịch và chỉ cần đến trước 15 phút để khám. Đặc biệt, với những trường hợp tái khám có thể đặt lịch trước 30 ngày. Việc ứng dụng công nghệ thông tin không chỉ thuận tiện cho người bệnh mà ngay cả các bác sĩ cũng dễ dàng hơn rất nhiều. Vì tất cả lịch sử khám chữa bệnh, đơn thuốc của các lần khám đều được tích hợp hay các xét nghiệm, chụp chiếu thay bằng in ra phim sẽ được chuyển thẳng vào hệ thống.
Mỗi ngày, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM có khoảng 8.000 người đến khám chữa bệnh, chưa kể bệnh nhân điều trị nội trú. Việc ứng dụng công nghệ thông tin này đã giúp người bệnh không mất thời gian chờ đợi và dù đông nhưng tất cả sẽ được khám chữa bệnh hết trong ngày.
Dùng robot phẫu thuật thần kinh
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang “gõ cửa” ngành Y tế, không chỉ đòi hỏi các bệnh viện, cơ sở y tế phải không ngừng đổi mới để nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh, mà đội ngũ y sĩ, bác sĩ luôn phải nỗ lực học hỏi, nâng cao tay nghề để không trở nên lạc hậu với thời cuộc.
Sau sự thành công đến từ phẫu thuật u não đầu tiên bằng hệ thống robot Modus V Synaptive tại Bệnh viện Nhân Dân 115 vừa qua, bệnh viện 115 (TPHCM) đã trở thành một chỉ dấu mới đầy quan trọng trên bản đồ y khoa thế giới. Bởi đây là đơn vị đầu tiên ở châu Á triển khai hệ thống robot này trong phẫu thuật thần kinh, sọ não.
Hình ảnh phim chụp ca mổ xuất huyết não
TS.BS Phan Văn Báu - Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 cho biết, ca mổ “tân niên” được lên lịch ngay sau Tết Nguyên đán, do ThS.BS Chu Tấn Sĩ - Trưởng khoa Ngoại thần kinh đảm trách cùng ê-kíp của bệnh viện và có sự hỗ trợ từ GS Amin Kassam - Phó chủ tịch Viện phát triển thần kinh Aurora (Mỹ). Ông là giáo sư giải phẫu thần kinh đồng thời cũng chính là người đưa ra ý tưởng về hệ thống robot này.
Để đi đến ca mổ "lịch sử" này, bác sĩ Báu cho biết bệnh viện đã ấp ủ nhiều năm, thường xuyên cử chuyên gia hàng đầu trong phẫu thuật thần kinh đến các trung tâm thần kinh lớn của thế giới tập huấn, học hỏi kinh nghiệm. "Việc ca phẫu thuật thành công chính là bước đệm để đơn vị tiếp tục thực hiện nhiều ca phẫu thuật thần kinh phức tạp hơn" - bác sĩ Báu nói.
Bệnh viện 115 đã trở thành một chỉ dấu mới đầy quan trọng trên bản đồ y khoa thế giới sau ca mổ u não bằng robot đầu tiên ở châu Á
Bác sĩ Chu Tấn Sĩ - trưởng khoa Ngoại thần kinh (Bệnh viện Nhân dân 115, kíp trưởng ca mổ) kể lại, với tính chất là ca mổ đầu tiên về u não bằng robot nên áp lực rất nặng nề. Người được phẫu thuật là nữ bệnh nhân 67 tuổi, quê ở Trảng Bàng (Tây Ninh). Bệnh nhân nhập viện trước tết với biểu hiện đau đầu, khó nói, yếu tay chân phải.
Dưới sự hỗ trợ của hệ thống định vị, robot thần kinh Modus V Synaptive và GS. Amin Kassam, nhóm ekip gồm 3 bác sĩ Chu Tấn Sĩ, Lưu Kính Khương - trưởng khoa Gây mê hồi sức, Nguyễn Văn Tuấn - phó trưởng khoa Ngoại thần kinh đã phẫu thuật bóc tách lấy nguyên khối u trong não của người bệnh. Ca mổ chỉ kéo dài trong vòng 1 tiếng 30 phút, sớm hơn dự kiến ban đầu là 2 tiếng. Và nhanh hơn rất nhiều so với mổ cổ điển bằng kính vi phẫu.
GS Amin Bardai Kassam (trái) và TS.BS Phan Văn Báu - Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 (phải) trao đổi chuyên môn ca mổ
Ngoài ra Bệnh viện Nhân dân 115 là đơn vị đầu tiên của cả nước ứng dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo RAPID vào chỉ định can thiệp lấy huyết khối điều trị nhồi máu não cho người bệnh đến sau 6 giờ. Cho tới nay đã có hàng trăm ca người bệnh được cứu sống nhờ phần mềm này. Với phần mềm Rapid sẽ cho phép mở rộng cửa sổ điều trị lên đến 24 giờ so với 6 giờ trước đây. Nghĩa là sẽ có thêm 18 giờ nữa cho các bệnh nhân.
Như vậy, nếu bỏ lỡ chuyến tàu này sẽ còn chuyến tàu thứ 2 và thứ 3. Thông qua phần mềm, bác sĩ sẽ thấy được vùng tranh tối tranh sáng, những vùng nhu mô não sẽ chết trong những giờ tiếp theo, giúp cho bác sĩ tiên đoán được vùng não sẽ bị hoại tử trong thời gian rất gần và đưa ra quyết định có nên tiếp tục lấy huyết khối tái tưới máu, việc điều trị có mang lại lợi ích cho người bệnh hay không.
Công nghệ là hiện tại và tương lai đối với bộ mặt triển vọng của nền y tế nước nhà
Y tế thông minh thực sự đã đem lại nhiều điều kỳ diệu, nhất là cho những bệnh nhân nan y mà trước đây chúng ta phải bó tay. Và câu chuyện về những người thầy thuốc làm chủ công nghệ trong thời đại 4.0 sẽ trở thành tiền đề quan trọng trên cuộc đua chống lại bệnh tật trong tương lai, dù phía trước còn rất nhiều thách thức. Nhưng với những gì đã đạt được, chúng ta có quyền hi vọng và tin tưởng sự tiến bộ của công nghệ sẽ giúp ta làm chủ sức khỏe, tự tin và vui sống.