Bác sĩ cảnh báo coronavirus vừa qua đời, đã bị “hành” như thế nào?

Thứ Sáu, 07/02/2020 12:01

|

(CAO) ​Dư luận Trung Quốc cũng như toàn cầu hôm 6-2 đã bày tỏ sự tiếc thương đối với bác sĩ nhãn khoa Lý Văn Lượng, một trong những người đầu tiên lên tiếng cảnh báo về khả năng xảy ra một trận dịch “giống SARS” từ tháng 12-2019, vừa qua đời ở bệnh viện Trung ương Vũ Hán vì nhiễm coronavirus chủng mới.

Trong thông cáo của bệnh viện cho biết: “Bác sĩ nhãn khoa Lý Văn Lượng đã không may nhiễm coronavirus trong suốt quá trình làm việc để chiến đấu chống dịch. Ông qua đời vào lúc 2h58 ngày 7-2 sau khi những nỗ lực chữa trị không thành công”.

Câu chuyện của vị bác sĩ này gây phẫn nộ trong dư luận về cách phản ứng chậm trễ của chính quyền.

Cho đến khi chính quyền Trung Quốc ban bố lệnh phong toả thành phố Vũ Hán để ngăn dịch coronavirus vào nửa cuối tháng 1, các chuyên gia dịch tễ chỉ trích Bắc Kinh hành động quá chậm, bỏ lỡ “thời gian vàng” để khống chế dịch.

Một khu dân cư bị phong toả để phòng dịch ở Bắc Kinh - Trung Quốc - ảnh: Reuters

Thiếu minh bạch thông tin

Đó là 7 tuần “vàng” từ khi những ca bệnh đầu tiên được ghi nhận từ các chủ sạp bán động vật hoang dã ở chợ hải sản Hoa Nam.

Trong bài viết phân tích nhan đề “Đây là vị bác sĩ đã cố cứu lấy nhiều nhân mạng, nhưng bị buộc phải im lặng. Giờ đây ông cũng đã nhiễm virus corona” đăng trên CNN ngày 4-2, tường thuật câu chuyện ứng phó chậm của chính quyền:

Vào ngày 30-12, bác sĩ Lý Văn Lượng (Li Wenliang) nhắn cảnh báo vào một nhóm chat trực tuyến tập hợp các cựu sinh viên trường y nơi ông học: Có 7 bệnh nhân đến từ ngôi chợ hải sản địa phương được chẩn đoán mắc bệnh giống SARS (Hội chứng hô hấp cấp tính nặng, từng gây ra trận dịch giai đoạn 2002-2003 trên toàn cầu), hiện đang được cách ly trong bệnh viện.

Bác sĩ Lý giải thích với nhóm cựu sinh viên rằng, theo một xét nghiệm ông đã nhìn thấy thì chứng bệnh bí ẩn này liên quan đến coronavirus – một nhóm gia đình lớn các loại virus từng gây ra dịch SARS.

Bác sĩ Lý, 34 tuổi làm việc tại Vũ Hán, thành phố là tâm điểm bùng phát dịch bệnh, chủ đích ban đầu khi nhắn trong nhóm chat là để bạn bè anh cảnh báo những người thân. Nhưng chỉ trong vài giờ, ảnh chụp màn hình đoạn chat từ nhóm chat nội bộ đã được phát tán và lan truyền nhanh trên mạng. “Khi tôi thấy độ lan từ thông điệp của mình trên mạng Internet, tôi nhận ra vụ việc đã vượt ngoài tầm kiểm soát, và tôi có khả năng bị phạt”, Lý nói.

Bác sĩ Lý Văn Lượng vừa từ trần - Ảnh: CNN

Và anh đã đúng! Không lâu sau đó, cảnh sát thành phố Vũ Hán đã mời Lý lên làm việc với cáo buộc anh lan truyền tin đồn thất thiệt. Lý là một trong một số người làm trong ngành y tế đưa ra cảnh báo đầu tiên về dịch bệnh chết người bị cảnh sát nhắm đến.

Từ giường bệnh chăm sóc đặc biệt, Lý xác nhận với CNN hôm 1-2 rằng anh đã dương tính với coronavirus.

Ngay trong ngày Lý cảnh báo dịch bệnh đến bạn bè, một thông báo khẩn được ban hành bởi Uỷ ban Y tế thành phố Vũ Hán gửi đến các tổ chức y tế thành phố về việc hàng loạt bệnh nhân đến từ chợ hải sản Hoa Nam bị “chứng viêm phổi không rõ nguồn gốc”.

Tuy nhiên cảnh báo này lại kèm thêm câu: “Bất kể tổ chức hay cá nhân nào cũng không được phép tiết lộ thông tin điều trị cho công chúng nếu không được phép”.

Đầu ngày 31-12, bác sĩ Lý được triệu tập trong cuộc họp khẩn tại bệnh viện anh công tác để giải trình về việc vì sao anh lại biết về những ca nhiễm bệnh này, theo tường thuật của tờ nhật báo Tuổi trẻ Bắc Kinh.

Cuối ngày 31-12 giới chức Vũ Hán thông báo dịch bệnh bùng phát và cảnh báo đến tổ chức Y tế Thế giới.

Khu bệnh viện Hoả Thần Sơn Trung Quốc xây để đối phó dịch - Ảnh: Reuters

Thế nhưng rắc rối của vị bác sĩ không dừng ở đó. Đến ngày 3-1, anh bị cảnh sát địa phương gọi đến đồn để khiển trách vì hành vi “lan truyền tin đồn trực tuyến” làm “phá vỡ nghiêm trọng trật tự xã hội”.

Trong thông điệp gửi nhóm chat trực tuyến, Lý thậm chí còn chỉ rõ đây là một chủng coronavirus rất khác biệt. Tuy nhiên chẳng những những không được khuyến khích vì cảnh báo cộng đồng, Lý cho CNN xem (qua ứng dụng chat trực tuyến) biên bản anh ký tại đồn cảnh sát thừa nhận mình đã có “hành vi sai trái” và cam kết “không có thêm những hành động vi phạm pháp luật”.

Vài ngày sau vị bác sĩ nhãn khoa trở về làm việc tại bệnh viện trung tâm Vũ Hán. Vào ngày 10-1, khi chữa trị cho một bệnh nhân mắc virus Vũ Hán, anh bắt đầu ho và sốt. Kết quả xét nghiệm sau đó cho thấy Lý dương tính với coronavirus.

Muốn hạ mức độ của dịch bệnh

Ngay từ đầu, chính quyền Trung Quốc muốn kiểm soát thông tin về vụ dịch. Họ thiếu đi bước xác minh thông tin xem bác sĩ Lý đưa ra thông tin đúng hay không đã vội quy chụp anh lan truyền tin giả.

Vào ngày 1-1, cảnh sát Vũ Hán tuyên bố họ đã "thực hiện các biện pháp pháp lý" đối với 8 người gần đây đã "lan truyền tin đồn trên mạng" về căn bệnh giống như viêm phổi, "gây ra tác động xấu đến xã hội".

2 tuần tiếp theo của tháng 1, trước thềm Tết nguyên đán Ủy ban Y tế thành phố Vũ Hán vẫn là nguồn duy nhấtđể cập nhật về diễn biến của vụ dịch. Các nhà khoa học Trung Quốc đã xác định mầm bệnh là một loại coronavirus chủng mới vào ngày 7-1. Trong khoảng một tuần, không có trường hợp nào được xác nhận mới được công bố. Các cơ quan y tế cho biết “không có bằng chứng rõ ràng về khả năng lây truyền từ người sang người", không có sự lây nhiễm của nhân viên y tế và rằng dịch bệnh là "có thể phòng ngừa và kiểm soát được".

Sau đó căn bệnh lan ra nhanh chóng: Cho đến ngày 17-1, chính quyền Vũ Hán chỉ báo cáo 41 trường hợp nhiễm virus. Đến ngày 20-1, con số đó đã tăng vọt lên 198 ca. Chỉ đến khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 20-1 ra lệnh "nỗ lực kiên quyết để ngăn chặn sự lây lan" của coronavirus và nhấn mạnh sự cần thiết phải công bố thông tin kịp thời, thông tin mới bắt đầu được minh bạch.

Trận dịch không được khống chế ngay từ sớm ở Trung Quốc nay đã lan ra toàn cầu. Trong ảnh người dân ở Manila, Philippines chen chân mua khẩu trang phòng dịch - Ảnh: Reuters

Tối hôm đó 20-1, Zhong Nanshan, một chuyên gia về hô hấp do chính phủ chỉ định, được biết đã có kinh nghiệm chiến đấu với dịch SARS 17 năm trước mới tuyên bố trên đài truyền hình CCTV rằng coronavirus mới có thể truyền từ người sang người.

Ba ngày sau, chính quyền cho phong toả Vũ Hán. Đến lúc này mọi thứ đã quá muộn khi dịch bệnh lan ra khắp tất cả các vùng ở Trung Quốc, kể cả khu tự trị Tây Tạng xa xôi. Trong một cuộc phỏng vấn trên đài CCTV ngày 27-1, thị trưởng Vũ Hán – Chu Tiên Vượng thừa nhận “chính quyền địa phương đã không cung cấp thông tin về coronavirus một cách kịp thời”.

Như vậy Trung Quốc đã bỏ qua 7 tuần là “thời gian vàng” để cảnh báo cộng đồng. Không có thông tin, người dân không ý thức được mầm bệnh nguy hiểm. Dân Vũ Hán vẫn thản nhiên đi đến chỗ đông người, đi vào khu chợ hải sản Hoa Nam, điểm bùng phát dịch để mua thực phẩm. Đến khi chính quyền quyết phong toả thành phố, hàng trăm người nhiễm bệnh tiềm ẩn đã kịp thời qua tỉnh khác hay ra nước ngoài, đem dịch bệnh phát tán toàn cầu.

Không chỉ mình bác sĩ Lý bị “khiển trách”, hôm 1-2 một người cảnh báo sớm dịch bệnh tên Xie Linka, bác sĩ chuyên khoa ung thư đến từ Bệnh viện Công đoàn Vũ Hán chia sẻ trên báo chí Trung Quốc câu chuyện tương tự như bác sĩ Lý, khi đưa ra cảnh báo dịch vào hôm 30-12 thì bị cảnh sát “sờ gáy” ngay.

Trước sự giận dữ của dư luận, Tòa án Tối cao Trung Quốc ngày 28-1 đã chỉ trích cảnh sát Vũ Hán. Thông cáo của toà nhấn mạnh: “Sẽ là may mắn nếu công chúng ngay từ đầu tin vào những tin đồn này để kịp thời áp dụng các biện pháp như đeo khẩu trang, tiến hành các biện pháp khử trùng nghiêm ngặt và tránh đi vào khu chợ”.

Bài học từ vụ dịch viêm phổi của Vũ Hán cũng là bài học chung cho các chính quyền khi ứng phó với các trận dịch thời toàn cầu hoá: Minh bạch thông tin càng sớm càng tốt sẽ hạn chế thiệt hại nhờ ý thức cảnh giác trong cộng đồng được nâng cao thay vì…bưng bít.

Bình luận (0)

Lên đầu trang