Bệnh tật 'ăn theo' mưa lũ, triều cường

Thứ Năm, 29/09/2016 10:29

|

(CAO) Nổi mề đay, viêm da, ghẻ ngứa,... là những bệnh lý khiến người dầm mưa, lội nước ngập,... có nguy cơ mắc phải, gây không ít khổ sở cho khổ chủ.

Sau hai trận mưa lớn tại TP.HCM khiến nhiều tuyến đường và nhà cửa người dân bị ngập, các chuyên gia bác sĩ Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM đã có những khuyến cáo để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Mưa và sấm chớp liên tục, nhiều tuyến đường bị ngập
 

Ghẻ ngứa tấn công khổ chủ

Theo BS Hoàng Văn Minh, Phụ trách phòng khám Da liễu Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, vào mùa mưa, bệnh về da thường xuất hiện do việc tiếp xúc nước mưa và những vật dụng để tránh mưa. Tùy theo tình trạng mưa nhiều hay mưa ít và thói quen sử dụng vật dụng tránh mưa như ô dù hoặc áo mưa thì người bệnh sẽ có những biểu hiện bệnh lý về da khác nhau.

Đầu tiên là bệnh mề đay do nước mưa. Tại phòng khám da liễu của Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cũng tiếp nhận một số người bệnh bị mề đay do nước mưa. Đó là khi tiếp xúc với nước mưa, da của người bệnh sẽ nổi đỏ lên những mảng mề đay như cơm cháy, gây ngứa rất nhiều. Hiện tượng đỏ và ngứa này kéo dài khi tiếp xúc trực tiếp với nước mưa và sau khi tiếp xúc nước mưa khoảng 1 – 2 tiếng. Bệnh lý này sau đó tự hết nhưng khi người bệnh tiếp xúc với nước mưa thì bệnh sẽ bị trở lại. Đó là tình trạng bệnh lý thực sự do nước mưa gây ra.

Thứ hai là tình trạng viêm da do tiếp xúc. Do tình trạng ô nhiễm môi trường, ngoài khí CO2 tăng lên, trong không khí còn có bụi bặm, khí độc, vi sinh,… Khi mưa phùn, mưa ít, nước mưa không kịp tan biến những chất này thì nó sẽ tồn tại trong không khí với nồng độ cao, bám trên da làm kích ứng ngoài da gây ra tình trạng chàm tiếp xúc. Biểu hiện bệnh làm da đỏ lên và ngứa, nếu nặng hơn sẽ xuất hiện các mụn nước.

BS Hoàng Văn Minh thăm khám người bệnh

Bên cạnh đó, thói quen sử dụng quần áo mưa sẽ gây ra các bệnh về da nhiều hơn khi sử dụng ô dù để tránh mưa. Bởi vì, khi đi dưới mưa, những phần cơ thể tiếp xúc với áo mưa hoặc áo mưa che phủ sẽ bị nóng nực và ẩm ướt. Nếu dầm mưa quá lâu, cơ thể sẽ tiết ra mồ hôi làm cho vùng da tại đó bị ẩm ướt. Do đó, những người có sẵn bệnh lý nấm, ghẻ,… sẽ làm bệnh nặng hơn, gây ra tình trạng ngứa ngáy rất nhiều thậm chí lan ra những vùng khác trên cơ thể.

Đối với những người béo phì thì sẽ dễ bị viêm kẽ hoặc hăm kẽ, nếp dưới vú, nách, bẹn. Hơn nữa, nếu trường hợp phải dầm mưa lâu, vùng da ở bàn chân sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất. Đặc biệt là trong trường hợp người bệnh mang giày bít, vớ bằng len ướt, ẩm sẽ dẫn đến bùng phát nhanh tình trạng nấm kẽ ở bàn chân. Hoặc gây ra tình trạng nhiễm trùng bội nhiễm trên những người bệnh có sẵn các bệnh lý như chàm ở bàn chân, ở người bị bàn chân đái tháo đường, người bị bệnh viêm mạch hoại tử ở chân.

Ngoài nước mưa còn có nước cống

Nguyên nhân gây ra các bệnh lý kể trên là do nguồn nước ngập ở dưới chân trên đường đi, ngoài nước mưa còn có thể có nước cống, nước thải của người và súc vật.

Bên cạnh đó, tình trạng lớp sừng bảo vệ của da sau khi ngâm nước giãn nở ra tạo điều kiện cho các tác nhân này thâm nhập qua da gây nhiễm trùng, nhiễm nấm thậm chí gây ra bệnh ký sinh trùng như ấu trùng di chuyển, gây ra tổn thương da.

Đối với bệnh nấm bàn chân do mang giầy dép ướt hoặc do lội trong nước mưa lâu, biện pháp tốt nhất là tránh lội nước. Nếu dự kiến không tránh được thì không nên mang giầy bít, không nên mang vớ. Tốt nhất nên đi dép, đi giày xăng đan, nếu phải mang vớ thì nên mang vớ cotton hơn là vớ len.

Lưu ý thứ hai là khi đi mưa về, bàn chân phải rửa sạch bằng xà phòng và chỉ rửa qua 1 lần hoặc tối đa 2 lần là đủ, tránh sử dụng chất xà phòng hoặc chất sát khuẩn ở da quá nhiều, lặp đi lặp lại ở nồng độ cao thì sẽ gây ra tình trạng viêm da kích ứng.

Nâng đường theo triều cường, 'hô biến' nhà thành hầm
 

Tình trạng viêm nhẹ thì sẽ gây đỏ, nặng thì da sẽ bị mụn nước. Khi rửa chân thì nên rửa bằng nước ấm, sau khi rửa thì kẽ chân phải lau khô. Bên cạnh đó, khi sử dụng thuốc sát trùng ở ngoài da nên lưu ý tiền căn có bị dị ứng không. Chất sát trùng ngoài da có thể sử dụng như I-ốt, dung dịch màu v.v.. đặc biệt I-ốt là một chất sát trùng da rất tốt có tác dụng điều trị diệt siêu vi, nấm, vi trùng nhưng mà lại dễ gây dị ứng da.

Tránh tình trạng rửa chân trong nước nhiều lần hay ngâm chân trong nước sạch để trôi hết chất bẩn, nên rửa chân bằng nước ấm và bôi thuốc sát trùng 10 phút sau khi rửa chân để có tác dụng tốt nhất .

Đối với những bệnh lý về da do mặc áo mưa thì tốt nhất nên sử dụng áo mưa làm bằng các loại vải mát, thông thoáng, cản nước tốt và chỉ mặc những lúc cần thiết. Nếu trời bớt mưa thì nên cởi áo mưa hẳn ra ngoài, không nên mặc luôn trong một thời gian dài vì dễ gây tăng tiết mồ hôi, nóng nực ở trong người dẫn đến những bệnh kể trên.

Đối với da đầu, khi tiếp xúc với nước mưa mà đội nón bảo hiểm trong thời gian lâu thì sẽ dễ tạo điều kiện cho nấm trên da đầu dễ phát triển. Người lớn thì bị gàu, trẻ em thì bị nấm da đầu. Do đó, sau khi đi mưa về cần lưu ý gội đầu sạch sẽ, phơi khô nón, quần áo để hạn chế sự phát triển của vi khuẩn.

Bệnh hô hấp cũng "ăn theo"

Theo ThS BS Võ Kim Tuyến, Khoa Hô hấp Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, trong mùa mưa, các bệnh thường gặp như nhiễm trùng hô hấp trên, cảm cúm, cúm mùa, cúm A, sốt xuất huyết, nhiễm virus Zika; những người có bệnh lý nền như hen suyễn, COPD sẽ dễ dàng vào đợt cấp hơn.

BS Kim Tuyến thăm khám người bệnh

Trong những trường hợp cảm cúm kéo dài, điều trị không hiệu quả hoặc những người suy giảm miễn dịch, cơ địa suy kiệt sẽ dễ bị viêm phổi.

Khi bị cảm cúm, người bệnh thường có các triệu chứng như ớn lạnh, sốt, ho, sổ mũi, chảy nước mũi, nhức đầu; còn đối với người bệnh bị hen, COPD dễ vào đợt cấp có thể cắt được cơn khó thở với thuốc điều trị tại nhà hoặc đôi khi không cắt được cơn khó thở, do đó người bệnh phải nhập viện điều trị. Với những người bệnh bị sốt xuất huyết thì có hội chứng viêm long, thường biểu hiện sốt cao liên tục khó hạ sốt.

TP.HCM đang trong giai đoạn mưa lớn, nhiều người dầm mưa nên thường bị nhức người, ho, sổ mũi, bác sĩ khuyên mọi người nên tăng cường sức đề kháng như ăn rau quả, trái cây có vitamin C, uống nhiều nước, hoặc đến các cơ sở y tế gần nhất để bác sĩ có thể thăm khám và có hướng điều trị phù hợp. Lời khuyên tốt nhất của bác sĩ trong mùa này là mọi người nên hạn chế đi ngoài mưa, nếu bắt buộc đi thì nên tránh tiếp xúc quá lâu dưới trời mưa và nên mặc áo mưa, giữ ấm cho cơ thể.

Hiện tại, một số người chủ quan khi có dấu hiệu cảm lạnh thường ra tiệm thuốc tây mua thuốc uống để giảm cảm, theo bác sĩ Kim Tuyến khuyến cáo người dân không nên sử dụng biện pháp trị bệnh như vậy. Có nhiều trường hợp người bệnh bị sốt xuất huyết hoặc viêm phổi mà không được phát hiện chẩn đoán kịp thời, mà lại uống các loại thuốc, kháng sinh không phù hợp cho từng loại bệnh và không theo hướng dẫn của bác sĩ thì sẽ làm bệnh có nguy cơ tiến triển nặng hơn.

Theo TS BS Lâm Vĩnh Niên, Trưởng khoa Dinh dưỡng Tiết chế Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, điều quan trọng nhất khi bị ướt, dính, ngấm nước mưa là người dân cần giữ nhiệt cho cơ thể, tránh việc tắm ngay sau đó. Nhiều người có thói quen khi đi mưa về liền tắm nước nóng ngay. Tuy nhiên, sự thay đổi nhiệt độ cơ thể đột ngột như vậy sẽ làm cơ thể dễ mắc bệnh hơn.

Khi về đến nhà, cần lau khô người, nghỉ ngơi, giữ thân nhiệt ổn định, khi thấy người không còn lạnh mới nên đi tắm. BS Niên còn cho biết, để hỗ trợ thân nhiệt, người dân có thể sử dụng thực phẩm được làm ấm, trà gừng, thức ăn giàu vitamin C như cam, nước chanh,… giúp tăng sức đề kháng và nhanh làm ấm cơ thể.

Bình luận (0)

Lên đầu trang