Nghịch lý khám chữa bệnh theo dịch vụ

Thứ Ba, 04/07/2023 12:18

|

(CATP) Bộ Y tế (YT) vừa ban hành Thông tư (TT) 13 quy định khung giá và phương pháp định giá dịch vụ (DV) khám chữa bệnh theo yêu cầu (KCBTYC) tại các bệnh viện (BV) công lập. Dù bộ có khung giá rõ ràng, kể cả tỉ lệ bệnh nhân (BN), bác sĩ (BS) giỏi, giường bệnh DV... nhưng trên thực tế, người bệnh vẫn còn nhiều băn khoăn về KCBTYC và khám theo bảo hiểm y tế (BHYT).

Minh bạch, công khai để người dân lựa chọn

Theo Bộ YT, việc quy định khung giá KCBTYC nhằm tạo cơ sở pháp lý để các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) phát triển đồng thời cung cấp dịch vụ KCBTYC, hướng dẫn xây dựng (XD) khung giá đúng quy định pháp luật. Qua đó cũng nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao và đa dạng của người dân khi sử dụng dịch vụ KCB tại các cơ sở YT công lập, góp phần hạn chế người có khả năng kinh tế phải ra nước ngoài KCB đồng thời thu hút người nước ngoài KCB tại Việt Nam (VN), tạo điều kiện phát triển các gói BHYT bổ sung.

Đây là lần đầu tiên Bộ YT ban hành văn bản pháp quy liên quan đến giá KCBTYC, mà lẽ ra đã được ban hành trong tháng 4/2023.

Thông tư cũng quy định, tỉ lệ thời gian các chuyên gia, BS giỏi tham gia KCBTYC tối đa 30%. Bảo đảm các chuyên gia, thầy thuốc giỏi của đơn vị dành tỉ lệ thời gian nhất định, tối thiểu 70%, để KCB cho người có BHYT hoặc người bệnh không có BHYT nhưng cần hỗ trợ. Tất cả giá DV phải niêm yết công khai để người dân lựa chọn. Thông tư cũng cho phép các cơ sở KCB quyết định lựa chọn XD mức giá DV khác nhau theo chuyên khoa, thời gian thực hiện DV, trình độ chuyên môn của y BS, kỹ thuật... trong phạm vi quy định. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/8/2023.

Theo đó có 1.937 loại dịch vụ kỹ thuật (DVKT), xét nghiệm theo yêu cầu được quy định mức giá tối đa và tối thiểu; phẫu thuật nội soi robot điều trị các bệnh lý lồng ngực có giá cao nhất trong danh mục này, với hơn 134 triệu đồng, tối thiểu là hơn 91 triệu. Với các DVKT chẩn đoán hình ảnh, cao nhất là chụp PET/CT mô phỏng xạ trị với mức giá tối đa hơn 28,7 triệu đồng, tối thiểu hơn 20,5 triệu đồng, chưa bao gồm thuốc cản quang...

So sánh với khung giá KCBTYC của TT13 (sửa đổi TT39/2018) và 14 (sửa đổi TT37/2018) do Bộ YT ban hành năm 2019, mức giá tối thiểu của các DVKT trong danh mục KCBTYC tương đương hoặc cao hơn vài trăm nghìn đồng.

Về khung giá dịch vụ KCBTYC tại BV hạng 1 tối thiểu 100.000 đồng/lượt và tối đa 500.000 đồng/lượt. Đối với các cơ sở KCB khác, giá tối thiểu 30.500 đồng và tối đa 300.000 đồng/lượt. Về giá phòng, với giường điều trị nội trú DV loại 1 giường/phòng có giá tối đa 4 triệu đồng; loại 2 giường/phòng tối đa 3 triệu đồng/giường; loại 3 giường/phòng tối đa 2,4 triệu đồng/giường.

Bộ Y tế tổ chức gặp mặt báo chí cung cấp thông tin y tế quý I/2023

Băn khoăn về giá và chất lượng

Bộ YT nêu rõ giá dịch vụ KCBTYC chỉ áp dụng cho đối tượng là người tự nguyện đăng ký sử dụng DV này.

Theo số liệu của Bộ YT, đối tượng KCBTYC chỉ chiếm 5 - 10% tại các BV tuyến tỉnh và Trung ương, còn tuyến huyện gần như không có. Bộ này cũng khẳng định, việc quy định giá dịch vụ KCBTYC không ảnh hưởng đến người có thẻ BHYT, người không có thẻ BHYT không đăng ký khám tự nguyện.

Hiện nay, người dân đi khám chữa bệnh (KCB) tại các cơ sở YT có 3 hình thức, gồm: 1. Khám theo BHYT, 2. KCB không theo BHYT nhưng không đăng ký tự nguyện sử dụng các dịch vụ KCBTYC (chi trả theo TT14/2019 của Bộ YT), 3. Khám theo yêu cầu. Bộ YT khẳng định bảng giá dịch vụ KCBTYC lần đầu được ban hành này chỉ áp dụng cho đối tượng số 3, không tác động đến đối tượng số 1, 2.

Cũng theo Bộ YT, việc ban hành TT13 sẽ khuyến khích các cơ sở YT công nâng cao chất lượng dịch vụ KCB, góp phần cải thiện thu nhập để cán bộ nhân viên YT yên tâm phục vụ lâu dài.

Nhiều ý kiến cho rằng, giá giường bệnh DV theo quy định mới quá cao; giá phòng cao nhất 4 triệu đồng, hơn giá phòng khách sạn 5 sao, chỉ người giàu mới đủ khả năng chi trả. Một giám đốc BV công lý giải rằng, phòng khách sạn chỉ để ngủ, còn giường BV kèm theo nhiều máy móc, nhân viên YT trực... Ông dẫn chứng, trên thế giới giường hồi sức tích cực (ICU) có nơi lên đến 10.000 USD, với tích hợp máy móc. Nhưng thực tế, ở TPHCM có BV giá phòng DV 4 BN 2 - 3 triệu đồng/giường - vậy thì cao hay thấp?

Về khung giá dịch vụ KCBTYC thì không có vấn đề gì, với mức tối thiểu 100.000 đồng đến cao nhất 500.000 đồng, có thể chấp nhận được, khi BN muốn khám nhanh, tốt và vẫn được chi trả phần BHYT khấu trừ. Tuy nhiên, thực tế KCBTYC (DV) vẫn tồn tại bất cập. Người viết bài này từng chứng kiến tại 1 BV hạng 1 ở TPHCM, khu khám DV đông hơn nơi khám BHYT, cuối cùng BN khám DV cũng phải chờ! Tình trạng này thường xảy ra ở các BV lớn, đông BN, trước khi có TT13. Một vấn đề khác, khi TT này có hiệu lực (01/8/2023), làm sao điều phối BS giỏi tham gia KCBTYC tối đa chỉ đến 30%, còn lại tối thiểu 70% để KCB cho người có BHYT?

Khám bệnh cho bà con nghèo ở xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Ảnh: TTXVN

Và còn nhiều nghịch lý nữa, khi chính một số BS các BV lại "khuyến khích" BN khám DV "cho nhanh", thực tế này đã xảy ra tại rất nhiều BV. Hoặc dù có quy định số giường bệnh DV chiếm từ 15% - 25% tổng số giường của BV nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu BN. Từng có thời điểm một số BV công sử dụng tới 40 - 50% giường cho khu vực DV, còn khu vực không DV thì phải nằm ghép 2 BN/giường!

"Bệnh viện tư" trong bệnh viện công

Từ lâu, giá KCB trong các BV công thường bị các BV này cho là "không được tính đúng, tính đủ”, mới tính được 4/7 yếu tố cấu thành, khiến các BV này "càng làm càng lỗ". Vì thế, dịch vụ KCBTYC chính là nguồn "cứu tinh tài chính" để các BV công cải thiện thu nhập cho y BS và nhân viên, cũng là cách để BV công xoay xở khi chưa cởi được "chiếc áo chật" viện phí. Mô hình này đã giúp giải quyết bài toán thực tế của ngành YT Việt Nam thời gian qua.

Thực tế, nhu cầu KCB dịch vụ càng cao, các khoa KCBTYC trở thành "gà đẻ trứng vàng" cho các BV công, kéo theo đó phát sinh nhiều dịch vụ KCBTYC được nâng thành các cấp độ như khám chuyên gia, khám giáo sư - tiến sĩ, BS chuyên khoa... với nhiều mức giá và kỹ thuật cao khác nhau.

Nói thẳng ra, chính sách KCBTYC (DV) là một hình thức "BV tư trong BV công", gần giống như trong giáo dục từng có một thời cho phép lớp bán công trong trường công (hay lớp kế hoạch B trong trường công), mà đã giải tán khá lâu!

Cơ chế KCBTYC vẫn còn đó những băn khoăn về mặt chính sách. Các BV công vốn đã được ngân sách hỗ trợ, được cấp đất và các ưu đãi về vốn đầu tư, kỹ thuật... thì nguyên tắc đầu tiên là phải cung cấp DV tiêu chuẩn như nhau cho người bệnh, không phân biệt BN trả viện phí bằng tiền mặt hay BHYT, người nghèo hay người giàu.

Trong khi đó, khi triển khai dịch vụ KCBTYC, BV công đó phải sử dụng một phần cơ sở vật chất là tài sản công để dành cho dịch vụ KCBTYC, nên nếu cho rằng không ảnh hưởng đến người bệnh dùng BHYT là thiếu công bằng, khi trên thực tế quyền lợi của các BN thông thường bị ảnh hưởng.

Cơ sở vật chất của BV công vốn đã rất thiếu, đặc biệt là máy móc công nghệ cao, bình thường khi BN dùng BHYT để KCB phải trả tiền vì đa số không thuộc danh mục BHYT chi trả. Do vậy, điều dễ thấy là khi triển khai nhiều loại hình chất lượng dịch vụ KCBTYC, điều chắc chắn xảy ra khi phần dành cho DV theo yêu cầu tăng lên thì phần dành cho DV thông thường sẽ phải thu hẹp lại.

Ngành YT Việt Nam có 2 điều rất đặc biệt là liên doanh liên kết (LDLK) trong BV công lập (thiết bị, máy móc công nghệ cao, hóa chất...) và dịch vụ KCBTYC. Đây là "đặc thù của VN" mà quốc tế không có.

Ngành YT ở các nước phát triển quan niệm công là công, tư là tư. Khi đã LDLK với tư nhân nghĩa là phải hạch toán theo tư nhân. Mô hình LDLK và KCBTYC của các BV công đã giúp giải quyết bài toán thực tế của VN trong thời gian vừa qua, nhưng cần phải có quy định rõ hơn. Chìa khóa mà các tổ chức quốc tế khuyến nghị chỉ có một cách là công khai, minh bạch tất cả khoản thu từ dịch vụ KCBTYC, thu bao nhiêu và chi bao nhiêu từ đó, chi như thế nào...

Về nguyên tắc, dịch vụ KCBTYC nên để cho các BV tư đảm nhận mới công bằng. Tuy nhiên, theo số liệu năm 2022, cả nước mới có 318 BV tư, 38.000 phòng khám của tư nhân, mới đáp ứng được 5,16% tổng số giường bệnh. Các chuyên gia nước ngoài khuyến nghị, trong vòng 10 - 20 năm nữa VN phải cố gắng đạt trên 25% số giường bệnh từ YT tư nhân.

Một nguyên nhân khác là chính sách thanh toán của BHYT không phù hợp. Hiện nay, mệnh giá 1 người đóng BHYT trung bình có tăng lên nhưng mới đạt 1,1 triệu đồng/người/năm, so với các nước trong khu vực như Philippines, VN chỉ bằng 1/3, so với Thái Lan chỉ bằng 1/4. Để khắc phục, phải duy trì, tăng tỉ lệ bao phủ BHYT, hiện mới đạt 90,7%, và phải tăng mệnh giá. Muốn vậy, thu nhập người dân phải tăng lên, phần ngân sách nhà nước hỗ trợ cũng phải có nguồn thu nhiều hơn. Đây là quá trình lâu dài và liên tục, chúng ta phải tiếp tục cố gắng.

Tăng mệnh giá đóng BHYT cùng vấn đề tính "đúng và đủ” đối với giá KCB trong viện phí để các BV không còn phải thu từ "người giàu" để bù cho "người nghèo", chỉ khi nào các BV không còn lo "cơm áo gạo tiền" thì chất lượng KCB của BN dù sử dụng BHYT hay DV mới như nhau.

Bình luận (0)

Lên đầu trang