(CAO) Theo đó, GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khẳng định chưa có thông tin về việc phát hiện biến thể COVID-19 mới. Hiện việc giải trình tự gen vẫn được thực hiện thường xuyên.
Biến chủng Omicron vẫn chiếm ưu thế
Mới đây, trước diễn biến ca mắc COVID-19 có sự gia tăng, trên mạng xã hội nhiều hội nhóm chia sẻ nội dung: Biến thể COVID-19 - Omicron mới: Độc hơn biến thể Delta gấp 5 lần nên dĩ nhiên có tỉ lệ tử vong cao hơn.
Thậm chí còn kèm theo những lời cảnh báo: "Điểm khác biệt là không ho, không sốt…". Thông tin này được người dùng mạng xã hội lan truyền nhanh chóng mà không hề kiểm chứng.
Thông tin với báo chí, GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, công tác giải trình tự gene COVID-19 vẫn được các đơn vị triển khai thường xuyên.
Hiện nay, các phòng xét nghiệm vẫn thu thập mẫu bệnh phẩm từ các ổ dịch hoặc xét nghiệm ngẫu nhiên để giải trình tự gen. Ngoài ra, tiếp nhận các thông tin từ quốc tế về biến thể của virus, nếu có.
Tiêm vắc xin là biện pháp hữu hiệu phòng chống Covid-19
"Đến thời điểm này Tổ chức Y tế thế giới và trong nước cũng chưa ghi nhận các biến chủng khác. Hiện nay trên thế giới, cũng như Việt Nam biến thể Omicron vẫn chiếm ưu thế", GS.TS Phan Trọng Lân cho biết.
Theo Cục trưởng Cục Y tế dự phòng thông tin, đến thời điểm này, biến thể phụ Omicron đã xuất hiện được 16 tháng với hơn 500 biến thể phụ khác nhau.
Biến thể này hiện đang lưu hành hầu hết các nơi trên thế giới và đang chiếm ưu thế. Các chuyên gia nhận thấy đây là biến thể có đặc tính lây lan nhanh, nhưng chưa có bằng chứng rõ ràng về tăng ca nặng.
Với biến thể Omicron, vaccine vẫn có hiệu quả phòng chuyển nặng, nhập viện, tử vong, do đó người dân cần tiêm chủng đầy đủ theo đúng khuyến cáo của ngành y tế.
Tập trung bảo vệ nhóm đối tượng có nguy cơ cao
Cũng theo GS.TS Phan Trọng Lân, các nhà khoa học dự báo virus SARS-CoV-2 sẽ vẫn tiếp tục tồn tại vì thế, để không ảnh hưởng đến kinh tế xã hội, cuộc sống, các biện pháp phòng chống cần tập trung vào đối tượng nguy cơ cao.
Tổ chức Y tế thế giới đánh giá những người đã tiêm vaccine phòng COVID-19 hoặc đã từng nhiễm bệnh hầu hết đều có miễn dịch – do vaccine hoặc do mắc phải. Chính yếu tố này làm các trường hợp khi mắc bệnh có biểu hiện nhẹ hơn, ít hoặc không có triệu chứng.
Theo khuyến nghị mới, cần tập trung ưu tiên tiêm chủng bảo vệ nhóm nguy cơ cao (người cao tuổi, người mắc bệnh nền, người suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai) bởi nếu miễn dịch của các đối tượng trên giảm dễ dẫn đến tình trạng tăng nặng, nhập viện, tử vong.
Do đó, các địa phương cần rà soát, đánh giá nhu cầu tiêm vaccine phòng COVID-19 theo quy định và đề xuất gửi về Bộ Y tế làm cơ sở phân bổ cân đối đầy đủ vaccine và có kế hoạch tiêm đúng thời điểm, đạt hiệu quả phòng dịch tốt nhất.
Việt Nam hiện đang tiếp tục thực hiện hiệu quả việc phòng chống dịch COVID-19 với hình thức quản lý bền vững.
Bộ Y tế đã và đang theo dõi chặt chẽ tình hình, không để bị động trước những diễn biến mới của tình hình dịch bệnh; đồng thời phối hợp với các chuyên gia, các tổ chức trong nước, quốc tế thường xuyên cập nhật, đánh giá tình hình nhằm chủ động có các điều chỉnh phù hợp.
Bên cạnh đó vẫn đảm bảo việc huy động các nguồn lực của toàn thể hệ thống chính trị, xã hội trong công tác chống dịch và đảm bảo thống nhất đáp ứng với các quốc gia trên thế giới.
Bộ Y tế khuyến cáo, đối với người dân, cộng đồng xã hội cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo Thông điệp 2K (Khẩu trang, Khử khuẩn) + vaccine + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác...