Tuyệt đối không mua tích trữ thuốc chloroquine để trị Covid-19

Chủ Nhật, 22/03/2020 12:50  | Ngô Đồng

|

(CAO) Trung tâm kiểm soát bệnh tật TPHCM vừa phát ra khuyến cáo đến người dân là tuyệt đối không mua tích trữ thuốc chloroquine.

Nhiều người Việt hiện đang tìm mua trữ thuốc chloroquine, một loại thuốc chống sốt rét để trị Covid-19, tuy nhiên bác sĩ khuyến cáo không nên bởi tự ý dùng thuốc có thể gây ngộ độc.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM cảnh báo người dân tuyệt đối không mua tích trữ thuốc chloroquine. Đây là hoá chất tổng hợp, có độc tính, sử dụng phải có chỉ định của bác sĩ.

Người dân tuyệt đối không mua tích trữ thuốc chloroquine để trị COVID-19. Ảnh minh họa

Trên trang cá nhân, TS. BS. Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, Chloroquine là một chất gốc quinine được người Đức tổng hợp ra vào những năm 1930.

Khởi đầu thuốc được dùng điều trị bệnh sốt rét, tuy nhiên trong quá trình sử dụng, người ta dần phát hiện ra những tính chất mới của nó, do vậy đã có những chỉ định điều trị mới ra đời.

Hydroxychloroquine là một hợp chất mới có tác dụng giống chloroquine nhưng ít độc tính hơn, nhiều chỉ định điều trị sốt rét, viêm khớp, lupus ban đỏ hệ thống, viêm cơ bì, Sarcoidosis, một số bệnh da do ánh sáng... Tuy nhiên, ở mỗi loại bệnh thì cần dùng ở một liều lượng, cách dùng và thời gian dùng khác nhau.

Theo BS. Hùng, COVID-19 bùng phát và lan nhanh trở thành đại dịch toàn cầu trong một thời gian ngắn. Vào thời điểm này chưa xác định chính xác được loại thuốc điều trị hữu hiệu nhất.

Tuy nhiên mỗi ngày đều có những báo cáo kết quả nghiên cứu mới của các nhà khoa học trên thế giới và hy vọng rằng chúng ta sẽ có vũ khí hữu hiệu chống lại dịch bệnh này trong một ngày không xa.

Đi cấp cứu vì uống chloroquin để phòng Covid-19

Mới đây, 1 người đàn ông 44 tuổi ở Hà Nội đã phải đi cấp cứu tại Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) trong tình trạng nôn nhiều, mờ mắt, suy hô hấp... do uống 15 viên chloroquin 250mg để phòng Covid-19, từ học theo thông tin trên mạng. Bệnh nhân đã mua dự trữ ở nhà 100 viên với mục đích dùng cho bản thân và những người trong gia đình.

"Trong thời gian chờ đợi, dù chưa có thuốc đặc hiệu điều trị bệnh; tuy nhiên chúng ta cũng không phải quá lo lắng. Tính đến ngày 20/3/2020 chúng ta có đến gần 92.000 người khỏi bệnh mà trong số đó không ít những người lớn tuổi, mắc bệnh nặng phải thở máy. Phần lớn những người khỏi bệnh chỉ được dùng các biện pháp điều trị hỗ trợ mà không có thuốc điều trị đặc hiệu.

Còn riêng tại Việt Nam ta chưa có trường hợp nào tử vong. Điều này cũng chứng minh được rằng với số lượng người mắc bệnh không nhiều, tình trạng quá tải không gây áp lực lớn lên ngành y tế thì người bệnh vẫn có đường điều trị...", BS. Hùng chia sẻ.

BS. Hùng khuyến cáo, việc người dân đổ xô đi tìm mua thuốc Hydroxychloroquin sẽ gây ra tình trạng thuốc khan hiếm ảo, giá thuốc tăng vọt.

Trong khi đó, mua thuốc rồi liệu có biết uống thuốc theo liều lượng nào để chữa bệnh Covid này không? Có biết những người nào tuyệt đối không được dùng thuốc không? Có biết tác dụng phụ nào đáng ngại nhất và cách theo dõi nó không?. Uống thuốc rồi thì theo dõi bằng cách nào để đánh giá là đã hết virus? Là có thể tung tăng với người thân, bạn bè mà không sợ sẽ lây bệnh cho họ?...

"Trong quá khứ đã có rất nhiều người đổ xô đi tìm mua Tamiflu (có khi với giá cắt cổ) để sẵn sàng điều trị cúm gia cầm tại nhà. Kết quả những người đã mua thuốc thì chắc sau đó đem vứt hết", BS. Hùng chia sẻ.

Hydroxychloroquin là loại thuốc Việt Nam có thể sản xuất với số lượng lớn, không lo thiếu. Do đó, các bác sĩ khuyến cáo người dân không nên tự ý sử dụng có thể gây ra tiền mất tật mang.

Tình hình hoạt động kiểm tra, giám sát, chống dịch tại TPHCM đến ngày 22/3:

- Những trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân 45, 48, 53, 54, 65 đã lấy mẫu xét nghiệm và đều có kết quả âm tính. Các trường hợp tiếp xúc vẫn thực hiện tiếp việc cách ly, theo dõi.

- Trường hợp bệnh nhân ngụ tại phường 2, quận 8 (bệnh nhân 64): Tổng số người tiếp xúc là 90, trong đó 20 người tiếp xúc trên chuyến bay EK392 đang xác minh. 70 người tiếp xúc có tại thành phố, lấy mẫu xét nghiệm 53 trường hợp, 52/53 có kết quả âm tính.

- Trường hợp bệnh nhân tại chung cư Park view, quận 7 (bệnh nhân 66): Tổng số người tiếp xúc là 120, trong đó lấy mẫu 65 trường hợp 64/65 người có kết quả âm tính.

- Bệnh nhân 79, 80, 81, 82, 83 được cách ly tập trung ngay khi nhập cảnh và được lấy mẫu xét nghiệm khi vào khu cách ly.

- Bệnh nhân 89: nữ, quốc tịch Việt Nam, 22 tuổi ở chung cư M-One, quận 7, đi từ Nhật Bản về Tân Sơn Nhất ngày 17/03/2020 trên chuyến bay số hiệu NH831.

- Bệnh nhân 90: nữ, quốc tịch Việt Nam, 21 tuổi ở Bình Thạnh, đi từ Tây Ban Nha, quá cảnh Dubai về Tân Sơn Nhất ngày 16/03/2020 trên chuyến bay EK392. Được cách ly tập trung ngay khi về Việt Nam.

- Bệnh nhân 91: nam, quốc tịch Anh, 43 tuổi, tại quận 2, là phi công. Bệnh nhân có triệu chứng sốt, ho và đi khám tại bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới ngày 17/03/2020 và được lấy mẫu bệnh phẩm (BN91).

- Người cùng tham dự thánh lễ với bệnh nhân 61 ở Malaysia tại TPHCM hiện xác minh được 4 trường hợp, lấy mẫu xét nghiệm 39 người, 23/39 có kết quả âm tính.

(Trung tâm kiểm soát bệnh tật TPHCM) 

Bình luận (0)

Lên đầu trang