Tình trạng nắng nóng khiến số người nhập viện vì bệnh hô hấp và đường tiêu hóa tăng cao, đặc biệt là người già và trẻ em.
Tại Khoa Khám bệnh Bệnh viện Nhi Đồng 1, theo BS. Phạm Văn Hoàng, Trưởng khoa khám bệnh-BV Nhi Đồng 1, những ngày qua bệnh viện tiếp nhận bình quân 5.500 bệnh nhi nhập viện mỗi ngày, tập trung chủ yếu là bệnh tiêu hóa (chiếm 8%) và hô hấp (chiếm 10-15%).
Tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, theo BS. Lê Công Thiên, Phó trưởng khoa Khám bệnh-BV Nhi Đồng 2, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận 5.000 bệnh nhân đến khám ngoại trú, trong đó số bệnh nhân mắc các bệnh về tiêu hóa tăng 10% so với các tháng trước, số bệnh nhân nặng phải nhập viện cũng khá nhiều, khoa cũng đang trong tình trạng quá tải.
Nắng nóng trẻ nhập viện tăng cao khiến bệnh viện quá tải
Lý giải việc trẻ nhập viện tăng cao mùa nắng nóng, các bác sĩ cho biết, nắng nóng khá gay gắt và kéo dài những ngày qua đã làm sức đề kháng của trẻ kém đi, khiến các vi khuẩn, virus nguy hiểm gây hại cho sức khỏe dễ dàng ảnh hưởng, xâm nhập vào cơ thể của trẻ.
Không chỉ trẻ nhỏ bị ảnh hưởng bởi nắng nóng, tại Bệnh viện Thống Nhất, lượng bệnh nhân cao tuổi điều trị cũng tăng lên rõ rệt so với tháng trước, chiếm 95% tổng số bệnh nhân.
BS. Vũ Thị Minh Phương, Trưởng khoa cấp cứu BV Thống Nhất cho biết, các chứng bệnh xuất hiện nhiều trong những ngày qua là tăng huyết áp, tim mạch, viêm phế quản, các bệnh lý về khớp.
BS. Nguyễn Viết Hậu, Phó trưởng khoa Cấp cứu BV Đại học Y Dược TP.HCM cũng cho biết, các bệnh thường gặp trong thời tiết nắng nóng này là bệnh phù do nhiệt, phát ban do nhiệt, chuột rút do nhiệt, ngất xỉu do nhiệt, kiệt sức do nhiệt, sốc nhiệt (đột quỵ do nhiệt)…
Cùng với đó, việc các bậc cha mẹ để nhiệt độ máy lạnh trong phòng quá thấp, bật quạt mạnh thổi thẳng vào mặt hoặc để trẻ uống nước đá cũng khiến trẻ dễ đổ bệnh.
Các bác sĩ khuyến cáo, với thời tiết nắng nóng hiện nay, các bậc phụ huynh cần chú ý phòng bệnh cho trẻ bằng các biện pháp giữ gìn vệ sinh cá nhân, hạn chế đưa trẻ ra đường khi nắng nóng trên 30°C, nhất là tránh để trẻ bị thay đổi nhiệt độ đột ngột.
Chú ý theo dõi tình trạng sức khỏe của trẻ, nếu trẻ có các dấu hiệu sốt tăng lên, ho nhiều, tiêu chảy liên tục... thì cần đưa trẻ đi khám ngay để có biện pháp điều trị kịp thời, tránh biến chứng nặng, tuyệt đối không được tự ý điều trị hay mua thuốc cho trẻ nhỏ uống khi không có chỉ dẫn của bác sĩ.
Ngoài ra, để bảo vệ sức khỏe trong những ngày thời tiết nắng nóng, mọi người cần tăng cường đảm bảo vệ sinh môi trường, nhất là vệ sinh an toàn thực phẩm, ăn uống đủ dinh dưỡng và uống nhiều nước.
Đặc biệt, không nên ăn những thực phẩm chưa nấu chín, đồng thời cần rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh để hạn chế vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể gây bệnh.
Coi chừng bị tia cực tím làm bỏng da
Nắng nóng với nhiệt độ cao cũng kèm theo tia cực tím tăng mạnh, nhất là từ 10 giờ đến 16 giờ. Những người đi ra đường vào thời gian này không chỉ chịu đựng nắng nóng khó chịu mà còn bị bỏng rát ở các phần da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, đã xảy ra một số hiện tượng say nắng, bỏng nắng nhẹ.
Nhiệt độ cao nhất đo được tại TP.HCM khoảng giữa trưa trong những ngày qua đạt 36-37 độ C, bức xạ tia cực tím ở mức 11, có lúc lên đến 12.
Bác sỹ Nguyễn Triệu Vũ, Trưởng khoa Ung bướu (Bệnh viện quận Thủ Đức), cho biết: Bức xạ tia cực tím ở mức 12 có thể gây bỏng da nếu tiếp xúc liên tục trong 10 phút mà không có các biện pháp bảo vệ cơ thể. Chỉ số cực tím càng cao thì nguy cơ gây tổn thương cho cơ thể càng lớn.
Bức xạ cực tím có thể gây tổn thương tế bào da, khi tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng, da sẽ bị bỏng, khô, mất đàn hồi, tạo nếp nhăn, làm nhanh lão hóa và có thể gây ung thư da. Ngoài ảnh hưởng trên da, tia cực tím còn có thể gây các vấn đề cho mắt.
Theo Bác sỹ Nguyễn Triệu Vũ, để tránh tác hại của bức xạ tia cực tím, người dân không nên ra đường vào lúc nắng gắt nhất, khoảng 10 -16 giờ hàng ngày; dùng áo dài tay, quần dài để che cho da càng nhiều càng tốt, dùng mũ, nón che phủ đầu mặt.
Theo bản tin cảnh báo nắng nóng của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, tình trạng nắng nóng tiếp tục duy trì trên diện rộng tại các tỉnh, thành phố khu vực miền Đông với nhiệt độ cao nhất từ 34,8 - 36,6 độ C, riêng tại Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) nhiệt độ cao nhất lên đến 37,5 độ C. Tại TP.HCM nhiệt độ cao nhất 35 - 36 độ C, nội thành trên 36 độ C.
(CAO) Thời tiết nắng nóng là môi trường thuận lợi cho các loại vi khuẩn sinh sôi, gây ra nhiều bệnh. BS. Nguyễn Viết Hậu, Phó trưởng khoa Cấp cứu BV Đại học Y Dược TP.HCM đã có những chia sẻ nhằm khuyến cáo người dân cách phòng tránh bệnh.